Mỹ Latinh phòng ngừa loại nấm độc tàn phá hàng loạt giống chuối

14:31' - 08/10/2016
BNEWS Nhiều quốc gia nhiệt đới ở khu vực Mỹ Latinh đang triển khai các biện pháp đề phòng loài nấm độc “Fusarium oxisporum nhiệt đới” thường gây “bệnh Panama” làm thối rễ hàng loạt giống chuối.
Mỹ Latinh phòng ngừa loại nấm độc tàn phá hàng loạt giống chuối. Ảnh: reuters

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, nhiều quốc gia nhiệt đới ở khu vực Mỹ Latinh đang triển khai các biện pháp đề phòng loài nấm độc “Fusarium oxisporum nhiệt đới” thường gây “bệnh Panama” làm thối rễ hàng loạt giống chuối và có khả năng tồn tại trong đất tới 30 năm.

Mạng tin AmericaEconomía trích lời Cục phó Bảo vệ thực vật của Viện Nông nghiệp Colombia Carlos Soto cho biết loại nấm trên có nguồn gốc từ châu Á và châu Phi và có thể du nhập vào Mỹ Latinh qua những dòng người nhập cư đang gia tăng ở khu vực này.

Theo ông Soto, các biện pháp phòng ngừa là tối cần thiết do giới khoa học vẫn chưa tìm ra biện pháp xử lý dịch bệnh do loài nấm này gây ra, ngoại trừ một số phương pháp xử lý nền đất nhưng bị cấm tại hầu hết các quốc gia do có tác hại môi trường quá lớn.

Colombia, nước xuất khẩu chuối lớn thứ 4 thế giới sau Ecuador, Costa Rica và Guatemala, hiện đang cùng Peru, Ecuador và Bolivia triển khai một chiến dịch chung phát hiện, khoanh vùng những khu vực nông nghiệp bị nhiễm loại nấm trên và tăng cường kiểm soát an toàn thực vật tại các cửa khẩu biên giới.

Dự kiến kế hoạch này cũng sẽ được trình bày với các nước Trung Mỹ trong tuần tới vì nếu nấm “Fusarium oxisporum nhiệt đới” thâm nhập được vào khu vực này, hậu quả sẽ rất khủng khiếp, đe dọa không chỉ vụ mùa chuối mà có thể cả an ninh lương thực của nhiều nước.

Loại nấm độc nói trên đã được phát hiện tại Indonesia, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Pakistan, Australia và Mozambique, và có khả năng “di chuyển” giữa các lục địa khi bám vào giầy dép, quần áo hoặc các sản phẩm nông nghiệp mà người nhập cư mang theo.

Trước đó, hồi giữa thế kỷ trước, một loại nấm độc đã tấn công trên diện rộng các cánh đồng chuối của nhiều nước Mỹ Latinh, khiến những nước này phải thay thế hàng loạt các giống chuối bản địa bằng những giống chuối có sức đề kháng tốt hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục