Biến đổi khí hậu đe dọa an ninh lương thực tại Mỹ Latinh

06:04' - 24/08/2016
BNEWS Biến đổi khí hậu làm tăng hạn hán và mưa lũ. Theo ước tính, lượng mưa sẽ tăng thêm khoảng 7% mỗi khi nhiệt độ tăng thêm 1 độ C, dẫn đến những hậu quả tiêu cực cho ngành nông nghiệp.
Biến đổi khí hậu đe dọa an ninh lương thực tại Mỹ Latinh. Ảnh: ccafs.cgiar.org
Biến đổi khí hậu gây ra những thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực nông nghiệp của Mỹ Latinh và điều này đang đe dọa an ninh lương thực, cũng như việc hoàn thành Mục tiêu Phát triển Bền vững của khu vực.

Báo cáo mới nhất của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh của Liên hợp quốc (CEPAL), Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Hội nhập Mỹ Latinh (ALADI) chỉ ra rằng biến đổi khí hậu tác động mạnh tới kinh tế Mỹ Latinh do sự phụ thuộc vào nông nghiệp, khả năng thích ứng thấp của người dân và vị trí địa lý của một số quốc gia trong khu vực này.

Nông nghiệp, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu, đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với đóng góp 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chiếm 23% tổng hàng hóa xuất khẩu và tạo việc làm cho 16% dân số Mỹ Latinh.

CEPAL cho biết biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh tới những nước thuộc “Vành đai khô hạn của Trung Mỹ” gồm El Salvador, Guatemala và Honduras. Ước tính, khoảng 3,5 triệu người tại khu vực này đang cần cứu trợ lương thực và 1,6 triệu người khác rơi vào cảnh mất an ninh lương thực.

Lĩnh vực nông nghiệp không chỉ chịu tác động của biến đổi khí hậu mà còn góp phần gây ra biến đổi khí hậu. Do vậy, CEPAL đã khuyến cáo các chính phủ trong khu vực cần khẩn cấp áp dụng các biện pháp hữu hiệu nhằm chuyển đổi nhanh chóng ngành nông nghiệp hướng tới phát triển bền vững cả về môi trường và kinh tế xã hội.

Với sự thay đổi tích cực về cấu trúc trong mô hình sản xuất và tiêu dùng trong nông nghiệp, Mỹ Latinh đã đạt được những thành tựu to lớn trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ người thiếu ăn đã giảm từ 14,7% xuống 5,5% trong vòng 25 năm qua. Tuy nhiên, khoảng 27 triệu người vẫn đang trong tình trạng suy dinh dưỡng.

Theo báo cáo, Bolivia, Ecuador, El Salvador, Honduras, Nicaragua và Paraguay là những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu và hiện đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về an ninh lương thực.

Các chuyên gia kinh tế ước tính khu vực cần phải đầu tư hàng năm ít nhất là 0,02% GDP nhằm khắc phục và thích ứng với biến đổi khí hậu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục