Mỹ mở rộng chương trình bảo vệ quyền lợi người lao động

21:14' - 19/05/2016
BNEWS Chính quyền Mỹ ngày 18/5 đã thông báo kế hoạch mở rộng chương trình bảo vệ quyền lợi được hưởng tiền làm thêm giờ đối với 4,2 triệu người lao động đang nắm giữ các chức vụ quản lý.
Mỹ mở rộng chương trình bảo vệ quyền lợi người lao động. Ảnh: reuters

Chính quyền Mỹ ngày 18/5 đã thông báo kế hoạch mở rộng chương trình bảo vệ quyền lợi được hưởng tiền làm thêm giờ đối với 4,2 triệu người lao động đang nắm giữ các chức vụ quản lý, giám sát và có thời gian làm việc từ 50-60 giờ mỗi tuần song không được trả lương tương xứng.

Điều luật mới quy định người lao động làm việc trên 40 giờ/tuần và được hưởng lương dưới 913 USD/tuần (thay vì chỉ 455 USD/tuần như trước đây), tương đương với gần 47.500 USD/năm, phải được hưởng lương làm thêm giờ.

Các con số này sẽ được điều chỉnh ba năm một lần để phản ánh thực trạng kinh tế.

Ủng hộ việc bảo vệ quyền lợi người lao động, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định: “Nếu bạn làm việc trên 40 giờ mỗi tuần thì bạn nên được trả công cho điều đó hoặc có thêm thời gian nghỉ ngơi bên cạnh gia đình và người thân”.

Theo Tổng thống, đây là một trong những bước đi quan trọng nhằm giúp cải thiện thu nhập của tầng lớp trung lưu.

Điều luật này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/12 tới và được cho là sẽ làm gia tăng chi phí dành cho người lao động của giới doanh nghiệp, vốn đang đối mặt với áp lực phải tăng lương tối thiểu theo giờ.

Tất nhiên, các doanh nghiệp đã lên tiếng chỉ trích bước đi đó. Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ nhận định đây sẽ là một “món nợ” khác đè nặng lên doanh nghiệp giữa bối cảnh họ đang phải chật vật để tồn tại trong một môi trường kinh tế ảm đạm.

Theo Nhà Trắng, trước đây, khi mức lương “trần” để được hưởng tiền làm thêm giờ vẫn là 455 USD/tuần thì chỉ có khoảng 7% số lao động Mỹ đáp ứng được yêu cầu, so với con số 60% được ghi nhận trong năm 1975.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng lương thấp và sự co lại của tầng lớp trung lưu.

Dự luật mới được cho là sẽ giúp khoảng 12,5 triệu người lao động đang được trả lương hưởng lợi.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục