Mỹ tìm kiếm giải pháp ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng nợ công khác

15:22' - 21/07/2023
BNEWS Nhà Trắng ngày 20/7 cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu một nhóm phụ tá tìm kiếm “tất cả giải pháp về chính sách và pháp lý" nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng nợ công khác trong tương lai.

Theo thông báo của Nhà Trắng, một nhóm nghiên cứu mới, do cố vấn Nhà Trắng Stuart Delery và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Lael Brainard đứng đầu, sẽ xem xét các biện pháp mà Quốc hội có thể thực hiện để tránh nguy cơ vỡ nợ.

 

Các thành viên khác của nhóm gồm Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland, Giám đốc Văn phòng quản lý và ngân sách của Nhà Trắng Shalanda Young và Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế Jared Bernstein.

Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành "Đạo luật Trách nhiệm Tài chính năm 2023" đình chỉ chính sách áp dụng trần nợ công để gia hạn khoản vay và duy trì việc thanh toán các hóa đơn, qua đó nền kinh tế đầu tàu thế giới đã tránh được tình trạng vỡ nợ, vốn có thể dẫn tới tình trạng bất ổn trên thị trường, mất việc làm diện rộng và suy thoái kinh tế, với hệ lụy ở quy mô toàn cầu.

Trong phiên họp đầu tiên, nhóm nghiên cứu sẽ tham vấn ý kiến của bốn học giả pháp luật, trong đó có Giáo sư danh dự Laurence Tribe của trường Luật Harvard và nhà kinh tế trưởng của Morgan Stanley Seth Carpenter, cùng các chuyên gia khác.

Trước đó, Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật sau khi Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đạt được thỏa thuận sau nhiều cuộc thương lượng. Theo nội dung thỏa thuận, hai bên nhất trí đình chỉ áp mức trần nợ 31.400 tỷ USD trong 2 năm, đến ngày 1/1/2025; giới hạn chi tiêu ngân sách năm tài chính 2024 và 2025.

Trong năm tài chính 2024, Mỹ đã cấp 886 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng và 704 tỷ USD cho các hạng mục không thuộc lĩnh vực quốc phòng. Như vậy, chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng nói chung không thay đổi trong tài khóa 2024. Hai bên nhất trí tăng 1% chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng trong tài khóa 2025.

Ngoài ra, hai bên nhất trí thu hồi quỹ COVID-19 chưa sử dụng; đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số dự án năng lượng và tăng thêm điều kiện đối với các chương trình dành cho người nghèo.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính thỏa thuận này sẽ giúp giảm thâm hụt ngân sách khoảng 1.500 tỷ USD trong vòng 10 năm so với dự báo dựa trên luật hiện hành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục