Nafas - làn gió trong lành cho mọi nhà
Jakarta của Indonesia đã được xếp hạng là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới trong những năm gần đây. Điều này đang đe dọa gây thiệt hại hàng tỷ USD cho nền kinh tế quốc gia Đông Nam Á, cũng như gây nhiễm trùng đường hô hấp cho hàng trăm nghìn người ở khu vực thủ đô.
Mặc dù chính phủ đã đề xuất nhiều giải pháp khác nhau, từ yêu cầu một nửa công chức của thành phố này làm việc tại nhà đến triển khai dịch vụ đường sắt hạng nhẹ để giảm lưu lượng xe cộ, song những giải pháp này vẫn chưa đủ. Trong khi đó, người dân muốn biết thêm thông tin về mức độ ô nhiễm hàng ngày.
Trong bối cảnh đó, Nafas, một công ty khởi nghiệp công nghệ, đã được thành lập vào năm 2020 bởi hai nhà đồng sáng lập là Nathan Roestandy và Piotr Jakubowski, với nhiệm vụ cung cấp dữ liệu chất lượng không khí trên ứng dụng điện thoại thông minh thông qua mạng lưới cảm biến thuộc sở hữu của chính quyền địa phương. Tên của công ty có nghĩa là “hơi thở” trong tiếng Indonesia.
Nafas đã lắp đặt khoảng 180 cảm biến trên mặt đất tại các bãi đậu xe, khu dân cư, trang trại và các bất động sản tư nhân ở khoảng 15 thành phố của Indonesia trên khắp Java và các đảo khác. Công ty đặt mục tiêu nâng số lượng cảm biến lên 1.000 chiếc, và gia tăng số lượng thành phố lắp đặt thiết bị vào cuối năm 2024.
Trả lời phỏng vấn Nikkei Asia, Giám đốc điều hành Nafas Nathan Roestandy cho biết việc thiết lập mạng lưới cảm biến trên mặt đất như vậy cho phép chúng tôi cung cấp mức độ chính xác cao hơn và cũng có thể phát hiện các nguồn phát nhiệt cao như việc đốt rác. Nafas không sử dụng dữ liệu của bên thứ ba, cũng như dữ liệu vệ tinh.
Tuy nhiên, việc lắp đặt các cảm biến rất tốn kém. Do đó giám đốc tăng trưởng của Nafas Piotr Jakubowski, trước đây là Giám đốc tiếp thị của công ty gọi xe Gojek của Indonesia, cho biết các công ty có thể tham gia cùng thiết lập mạng lưới cảm biến để đáp ứng các yêu cầu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, môi trường, xã hội và quản trị. Nafas cho hay một khách sạn đã tài trợ cho một dự án cảm biến trên đảo Belitung phía đông Sumatra.
Việc sản xuất và bán các cảm biến do người dùng trợ cấp là một nguồn doanh thu đáng kể cho Nafas. Một gói gồm 5 cảm biến có giá 2.500 USD, trong khi 70.000 USD giúp một công ty có được 50 cảm biến, trong đó các nhà tài trợ có thể giới thiệu các sáng kiến bền vững của họ tới những người dùng Nafas khác. Dữ liệu về chất lượng không khí cũng được chuyển đến các trường đại học, các viện nghiên cứu và các tổ chức khác để nghiên cứu.
Ông Jakubowski cho biết ứng dụng này, được tải miễn phí trên hệ điều hành Android và iOS, có "vài trăm nghìn" người dùng và cung cấp phân tích hàng tuần.
Nafas cũng cung cấp Clean Air Zone, dịch vụ đăng ký giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B). Nafas đã làm việc với các văn phòng, trường học, phòng tập thể dục, phòng tập yoga, khu dân cư và những nơi khác để cải thiện chất lượng không khí trong nhà.
Công ty cũng bán máy lọc không khí của riêng mình dưới thương hiệu Aria Technologies, có sẵn trên trang thương mại điện tử Tokopedia của Indonesia. Máy lọc không khí này kết nối với ứng dụng và có giá từ 749.000 rupiah đến 3,65 triệu rupiah (48 USD đến 236 USD), trong khi máy theo dõi chất lượng không khí trong nhà có giá 1.990.000 rupiah. Ông Roestandy cho biết Nafas sản xuất chưa đến 10.000 máy theo dõi và lọc không khí mỗi năm, nhưng dự kiến con số này sẽ "tăng đáng kể".
Ông Jakubowski thừa nhận mức giá đắt đỏ của thiết bị giám sát chất lượng không khí khiến một số người mua e ngại, song ông cho biết công ty sẽ cố gắng tìm cách giúp giá thiết bị giám sát này phải chăng hơn.
Chi phí hoạt động lớn nhất hiện nay của Nafas là nhân công. Số nhân viên của Nafas hiện ở mức 30 người gồm một nhóm kỹ thuật phụ trách phần cứng và phần mềm và một nhóm khoa học dữ liệu. Số lượng nhân viên đang tăng dần lên. Ông Roestandy cho hay Nafas đang đi theo con đường B2B vì điều đó giúp đảm bảo các hợp đồng dài hạn với các doanh nghiệp lớn, và đảm bảo nguồn tài chính cho Nafas. Công ty đã huy động được hơn 1 triệu USD trong vòng gọi vốn tiền hạt giống.
Bhima Yudhistira Adhinegara, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật pháp ở Jakarta, ước tính thiệt hại tài chính do ô nhiễm không khí là “khoảng 200.000-210.000 tỷ rupiah, tương đương khoảng 1% Tổng sản phẩm quốc nội dự kiến của Indonesia". Con số này được tính toán dựa trên "tổn thất do giảm năng suất làm việc và chi phí chăm sóc sức khỏe". Các lĩnh vực khác, bao gồm du lịch, vận tải, khách sạn, thể thao và đầu tư, cũng bị ảnh hưởng./.
Tin liên quan
-
Phân tích doanh nghiệp
Luckin Coffee: Đứng dậy sau vấp ngã
09:00' - 28/10/2023
Sự hợp tác giữa Luckin Coffee và Kweichow Moutai diễn ra trong bối cảnh hai công ty đang tìm cách phát triển trong nền kinh tế đang chậm lại.
-
Phân tích doanh nghiệp
Hành trình 100 năm phát triển "Thế giới Disney": Vạn sự khởi đầu từ một chú chuột
10:01' - 21/10/2023
Không quá khi nói rằng thế giới cổ tích với rất nhiều trẻ em trên toàn cầu gắn liền với hai chữ Walt Disney.
-
Phân tích doanh nghiệp
Rolex: Chiến lược mới, kỷ nguyên mới
09:00' - 11/10/2023
Việc thương hiệu đồng hồ xa xỉ Rolex tiếp quản hãng chuyên về bán lẻ đồng hồ và trang sức Bucherer của Thụy Sỹ đã gây ra sự ngạc nhiên lớn cho những người yêu thích đồng hồ trên toàn thế giới.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích doanh nghiệp
Chuyển mình khó khăn của doanh nghiệp thép
13:23' - 07/11/2024
Nhu cầu về tôn mạ và ống thép tăng cao cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu đã giúp các doanh nghiệp trong ngành có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng vượt trội trong quý III năm nay.