Năm 2016, kinh tế Việt Nam bắt đầu chu kỳ phục hồi mới

14:33' - 02/12/2015
BNEWS Tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng sẽ hồi phục mạnh trong giai đoạn 2016- 2020 nhờ vào hàng loạt yếu tố hỗ trợ từ giá hàng hóa thấp, lực đẩy từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và cải cách thể chế

Kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục vào năm 2016. Ảnh:TTXVN

Bước sang năm 2016, nền kinh tế Việt Nam sẽ thoát khỏi giai đoạn suy giảm và bắt đầu vào chu kỳ phục hồi mới. Đây là kết quả nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế- xã hội quốc gia vừa được công bố tại hội thảo khoa học quốc tế “Dự báo kinh tế- xã hội phục vụ lập kế hoạch trung hạn trong bối cảnh hội nhập quốc tế” được tổ chức tại Hà Nội, sáng 2/12.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đặng Huy Đông nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng sẽ hồi phục mạnh trong giai đoạn 2016- 2020 nhờ vào hàng loạt yếu tố hỗ trợ từ giá hàng hóa thấp, lực đẩy từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhu cầu bên ngoài, cùng với những cải cách về thể chế.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông mong muốn thông qua hội thảo này, các diễn giả, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý sẽ cùng nhau trao đổi, thảo luận các vấn đề kinh tế vĩ mô cũng như các chủ thể chuyên sâu về môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế và một số vấn đề xã hội tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Từ đó, có những đề xuất thiết thực đóng góp cho việc phát triển kinh tế-xã hội nói riêng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam nói chung.

Bà Mai Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế- xã hội quốc gia cho biết, sau một giai đoạn duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, kinh tế Việt Nam bắt đầu tăng trưởng chậm lại. Mặc dù vẫn đạt được nhiều thành tựu to lớn nhưng kinh tế Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế, khó khăn. Đặc biệt, là giai đoạn mà lạm phát tăng cao đến hai con số, mặt bằng lãi suất cao và các nguy cơ về nợ xấu, tín dụng tăng trưởng nóng hay bong bóng bất động sản đến mức đáng lo ngại.

Để có thể nhận diện một cách rõ ràng tình trạng này và có các giải pháp chính sách khắc phục, cần có các nghiên cứu cụ thể. “Do đó, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đã bắt tay vào làm nghiên cứu, dự báo kinh tế-xã hội Việt Nam hàng năm và 5 năm 2011- 2015 cũng như chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tới”, bà Thu nói.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được tốc độ tăng trưởng giảm không quá sâu…

Mặc dù đạt được một số thành tựu nhưng kinh tế Việt Nam vẫn còn những hạn chế. Ảnh:TTXVN

Tuy nhiên, nội tại nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều “nút thắt” cần giải quyết như chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, trong khi hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh ngày càng quyết liệt và gay gắt hơn; hệ thống thị trường chưa phát triển đồng bộ cản trở cho đầu tư phát triển và hoạt động sản xuất kinh doanh; đầu tư, đặc biệt là đầu tư công còn chưa hiệu quả.

Để góp phần phân tích toàn diện về một số yếu tố tác động đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia và Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Ailen đã hợp tác nghiên cứu một số chuyên đề để hỗ trợ quá trình đóng góp xây dựng và điều hành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm và 5 năm 2011-2015 cũng như chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tới. Các chủ đề nghiên cứu được lựa chọn dựa trên nhu cầu này, tập trung vào việc nâng cao năng lực dự báo và phân tích chính sách ở tầm vĩ mô, có sự hỗ trợ từ các phân tích vi mô.

Cụ thể, triển vọng kinh tế Việt Nam 2016- 2020, tăng trưởng GDP trong khoảng từ 6,5- 7%, kiểm soát lạm phát trong khoảng 5-7%, bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 giảm xuống còn 4,8% GDP (bình quân giai đoạn là 4,9%). Các dòng vốn tăng mạnh trở lại, đặc biệt là dòng vốn trong khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài…

TS. Phan Đức Hiếu, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, một trong những giải pháp tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới là phải vượt qua được tư duy “năng lực quản lý đến đâu thì mở đến đó” và thay bằng tư duy “năng lực quản lý phải được xây dựng để phù hợp và thúc đẩy sự phát triển của đất nước”.

Cũng tại hội thảo, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đã công bố cuốn sách “Triển vọng kinh tế Việt Nam: một số kết quả nghiên cứu thực chứng” được xuất bản nhằm mục đích công bố các kết quả hợp tác nghiên cứu trong giai đoạn 2010-2015./.

Thúy Hiền/BNEWS

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục