Năm 2022, kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết sẽ phục hồi mạnh

17:00' - 27/12/2021
BNEWS Còn một tuần nữa mới khép lại năm 2021, nhưng một số doanh nghiệp niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh cả năm, với mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng bất chấp những tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Đây cũng là tiền đề để giới đầu tư kỳ vọng vào một năm mới với triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết phục hồi mạnh mẽ hơn, tạo bước đệm vững chắc cho đà tăng của thị trường chứng khoán trong năm 2022.

* Nhiều doanh nghiệp niêm yết thắng lớn

Công ty cổ phần Vận tải và xếp dỡ Hải An (mã: HAH) vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ khá ấn tượng cho năm 2021; trong đó, doanh thu đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 59% so với năm 2020 và lợi nhuận sau thuế đạt 389 tỷ đồng, tăng 181%.

Riêng quý IV/2021, HAH ghi nhận doanh thu 616 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2020 và lợi nhuận sau thuế 147 tỷ đồng, tăng 196%.

So với kế hoạch năm 2021 đã đề ra, HAH đã vượt 14% kế hoạch doanh thu và vượt 146% kế hoạch lợi nhuận. Công ty duy trì được đà tăng trưởng cao nhờ giá cước tăng và các hợp đồng cho thuê tàu mới.

Mới đây, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã: VGT) cũng cho biết, tổng doanh thu và thu nhập hợp nhất toàn Tập đoàn trong năm 2021 ước đạt 16.436 tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, tăng 102% so với năm 2020 và đạt 170% kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, mức lợi nhuận này cũng cao hơn gần 70% so với năm 2019 – thời điểm trước khi đại dịch bùng phát.

Kết quả kinh doanh khả quan của Vinatex đặt trong bối cảnh năm 2021 khá đặc biệt. Bởi lẽ, ngành dệt may phải đối mặt với không ít khó khăn do tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất khi nhiều tỉnh thành phải thực hiện giãn cách kéo dài; cộng thêm tình trạng thiếu lao động…

Tuy nhiên, với việc thích ứng nhanh trong điều kiện mới đã giúp Tập đoàn này đạt được kết quả kinh doanh tích cực bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh.

Nhờ hạn chế thấp nhất những thiệt hại của dịch bệnh và nắm bắt tốt các cơ hội thị trường, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL, mã: OIL) cũng đã đạt được các chỉ tiêu tài chính khả quan. Ước thực hiện cả năm 2021, doanh thu hợp nhất của PVOIL đạt 55.000 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu Công ty Mẹ ước đạt 32.522 tỷ đồng, tăng 55,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của PVOIL ước đạt 884 tỷ đồng, vượt 121% kế hoạch cả năm 2021. Toàn hệ thống PVOIL nộp ngân sách nhà nước ước đạt 8.483 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ.

Một cái tên khác trong ngành dầu khí cũng có kết quả kinh doanh nổi trội trong năm 2021, đó là Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS, mã: GAS). PV GAS dự kiến năm 2021, doanh thu ước đạt gần 80.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.380 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước gần 6.000 tỷ đồng.

So với kế hoạch sản xuất kinh doanh đã đặt ra, PV GAS ước vượt 14% chỉ tiêu doanh thu và vượt 19% chỉ tiêu lợi nhuận.

Tại Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã: MWG), tuy chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2021, song kết quả lũy kế 11 tháng và kế hoạch kinh doanh năm 2022 vừa được Hội đồng quản trị công ty này công bố cũng tiết lộ MWG có năm kinh doanh khá hiệu quả.

Cụ thể, Hội đồng quản trị MWG đặt mục tiêu doanh thu thuần trong năm 2022 là 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng. So với kế hoạch 2021, doanh thu tăng 12% và lợi nhuận tăng 34%.

Trong khi đó, lũy kế 11 tháng, doanh thu thuần hợp nhất của MWG đạt 110.530 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ và thực hiện 88% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế 4.395 tỷ đồng, tăng 22% và thực hiện 93% kế hoạch năm.

Trong ngành dịch vụ tài chính, nhìn vào sự thăng hoa của thị trường chứng khoán năm 2021 cũng có thể dự đoán kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán niêm yết năm nay. Thực tế, đã có không ít công ty ghi nhận mức tăng trưởng cực kỳ ấn tượng, thậm chí cán đích kế hoạch lợi nhuận cả năm ngay từ khi kết thúc quý III.

Riêng ngành ngân hàng, dù đang phải đối mặt với nhiều áp lực liên quan đến vấn đề nợ xấu, song dự báo vẫn nằm trong top dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2021, nhờ tín dụng phục hồi và hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ nền kinh tế.

* Triển vọng lợi nhuận phục hồi mạnh

Báo cáo phân tích của các chứng khoán mới công bố gần đây đều nhận định, trong năm 2021, các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 và các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài vào quý III.

Các đánh giá dựa trên đà tăng của chỉ số EPS - lợi nhuận ròng trên một cổ phiếu, vốn là một chỉ số tổng hợp phản ánh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp được giới đầu tư sử dụng để dự báo về triển vọng của thị trường chứng khoán.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tuy giảm xuống còn 15,8% so với cùng kỳ trong quý III/2021, nhưng đạt mức tăng mạnh mẽ 53,4% trong 9 tháng năm 2021.

VNDirect ước tính tăng trưởng EPS của các công ty niêm yết trên sàn HOSE là 39% trong năm 2021, thay vì mức 26% như dự báo trước đó. Đà tăng này dựa vào nhờ lợi nhuận của một số lĩnh vực tiêu biểu như bán lẻ, thực phẩm và đồ uống và ngân hàng kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ trong quý IV/2021; trong khi tăng trưởng lợi nhuận của ngành dầu khí và bất động sản vẫn duy trì khả quan.

Trong năm 2022, VNDirect dự báo tăng trưởng EPS của các công ty niêm yết trên HOSE sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao 23%. Một số ngành dự kiến có sự cải thiện mạnh mẽ về tăng trưởng lợi nhuận, bao gồm hàng hóa công nghiệp và dịch vụ, bán lẻ và bất động sản; trong khi tăng trưởng lợi nhuận của các ngành như dầu khí, tiện ích công cộng và công nghệ vẫn duy trì ở mức cao.

Đối với năm 2023, dự báo tăng trưởng EPS của các công ty niêm yết trên HOSE là 19%, vẫn cao hơn mức tăng trưởng bình quân 12%/năm trong giai đoạn 2017-2020.

Các chuyên gia của Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cũng cái nhìn lạc quan đối với thị trường chứng khoán Việt Nam với kỳ vọng tăng trưởng EPS cao là động lực chính thúc đẩy sự tăng giá. Trong năm 2021, Mirae Asset Việt Nam dự phóng tăng trưởng EPS năm 2021 là 34%, nhờ tăng trưởng của các ngành dịch vụ tài chính, nguyên vật liệu, bất động sản, dầu khí, ngân hàng, tiện ích…

Theo ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, môi trường kinh tế vĩ mô được kỳ vọng sẽ tốt hơn từ những chuyển dịch sau đại dịch thông qua các cải cách cơ cấu trên phạm vi rộng cũng như sự hỗ trợ từ chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ.

Bên cạnh đó, tốc độ tiêm vaccine tăng nhanh và gia tăng mức độ thích ứng được với chiến lược sống chung với COVID-19 sẽ giúp nền kinh tế sẽ phục hồi trên diện rộng trong năm 2022.

Mirae Asset Việt Nam dự phóng hầu hết các ngành sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2022, với mức dự phóng EPS tăng trưởng 24% trong năm 2022, tương đương mức tăng trưởng kép giai đoạn 2020-2022 khoảng 29%/năm.

Nhóm doanh nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng  cao sẽ là dịch vụ tài chính, bất động sản, ngân hàng, phần mềm và dịch vụ.

Trong khi đó, các ngành nguyên vật liệu, dầu khí, bảo hiểm và tiện ích sẽ tăng trưởng thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng trong năm 2021. Các ngành khác như vận tải, bán lẻ, y tế, xây dựng cơ bản… sẽ phục hồi khi nền kinh tế khởi động lại hoàn toàn.

Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu Ngân hàng HSBC cũng nhận định, kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022 chủ yếu nhờ đầu tư FDI mạnh mẽ trở lại tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất thúc đẩy xuất khẩu cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký trong vòng 2 năm qua bắt đầu mang lại “trái ngọt”.

“Tầng lớp trung lưu tiếp tục mở rộng và cụ thể là tầng lớp giàu ngày một gia tăng sẽ thúc đẩy tiêu dùng của Việt Nam, mang lại thay đổi tích cực trong lĩnh vực tiêu dùng, bởi người Việt Nam đã bắt đầu chi tiêu mạnh tay hơn cho giải trí và du lịch.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng mới đưa vào sử dụng cũng sẽ tiếp tục “tiếp thêm nhiên liệu” cho các hoạt động kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực tái tạo/năng lượng xanh…”, ông Tim Evans, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết.

Tuy vậy, giới phân tích cũng lo ngại rủi ro bùng phát dịch bệnh trong năm 2022, trong trường hợp bắt buộc phải tái thực hiện giãn cách xã hội. Đây được xem là rủi ro lớn nhất đối với các dự báo./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục