Năm 2023, VnSteel hài hoà giữa mục tiêu sản lượng và lợi nhuận

19:19' - 12/01/2023
BNEWS Năm 2023, Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) xây dựng kế hoạch thận trọng, ưu tiên kiểm soát rủi ro, tiếp tục linh hoạt trong điều hành để hài hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.

Trước mắt, VnSteel chỉ đạo các đơn vị cân đối và xử lý hài hoà giữa mục tiêu duy trì sản lượng (giữ vững thị phần) và mục tiêu lợi nhuận trong từng thời điểm để đảm bảo kết quả cuối cùng vẫn là lợi nhuận, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh chính phải có hiệu quả.

VnSteel phấn đấu năm 2023 sản lượng thép thành phẩm đạt 3.435.000 tấn, tăng nhẹ khoảng 3% so với năm 2022; tổng doanh thu hợp nhất đạt 35.800 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 50 tỷ đồng; tổng doanh thu Công ty mẹ đạt 1,899 tỷ đồng; lợi nhuận Công ty mẹ phấn đấu có lãi.

 

Để hoàn thành các mục tiêu trên, VnSteel cho biết sẽ giao chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 cho các đơn vị; theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh tháng/quý/năm của đơn vị. Bên cạnh đó, VSTEEL tăng cường theo dõi, cập nhật thông tin về thị trường thép trong nước và thế giới, chú trọng công tác dự báo, phân tích thị trường.

Đặc biệt, VnSteel sẽ tập trung nguồn lực vào các đề án tái cơ cấu giai đoạn đến năm 2025 và tiếp tục tăng cường thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, SCIC triển khai dứt điểm các vướng mắc, tồn đọng tại các dự án Việt Trung, Tisco.

Năm 2022, thị trường thép biến động khó lường cùng với tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của VnSteel gặp nhiều khó khăn. Các chỉ tiêu về sản xuất và tiêu thụ thép của đơn vị này đều không đạt so với kế hoạch, hiệu quả sản xuất sụt giảm nghiêm trọng khiến kết quả kinh doanh dự báo sẽ thua lỗ lớn

Theo báo cáo của VnSteel, năm 2022, giá các mặt hàng thép liên tục giảm mạnh trong khi nhu cầu thị trường cả trong nước và thế giới suy yếu đã khiến các doanh nghiệp thép đều phải đối mặt với tình trạng tồn kho cao về nguyên liệu và hành phẩm. Bên cạnh đó, tín dụng thật chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh càng khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thép thêm khó khăn, đối diện kết quả thua lỗ chưa từng có.

Không chỉ VnSteel mà các đơn vị như Thép Nam Kim, Hòa Phát, Hoa Sen đều thua lỗ trong quý III và hiệu quả năm 2022 sụt giảm nghiêm trọng.

Cụ thể với VnSteel, sản xuất và tiêu thụ thép năm 2022 của tổng công ty này khá “ảm đạm” khi sản lượng sản xuất thép thành phẩm năm 2022 là 3.339.134 tấn, đạt 87% so với kế hoạch; tiêu thụ ra thị trường 3.370.732 tấn thép thành phẩm, đạt 88% kế hoạch, trong đó, tiêu thụ thép cán dài là 2.684.684 tấn, đạt 89% kế hoạch; tiêu thụ thép cán nguội là 438.469 tấn, đạt 88% kế hoạch; tiêu thụ tôn mạ là 247.579 tấn, đạt 77% kế hoạch.

Trong năm 2022, VnSteel đạt doanh hợp nhất 40.000 tỷ đồng, đạt 105% so với kế hoạch năm nhưng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của tổng công ty này chỉ ghi vỏn vẹn: "không có hiệu quả".

Trước đó, quý III/2022, VnSteel ghi nhận mức lỗ 617 tỷ đồng so với cùng kỳ; lũy kế 9 tháng âm 1.483 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Theo ông Lê Văn Thanh, đại diện VnSteel, năm 2022 nhu cầu thị trường trong nước tiếp tục sụt giảm và duy trì ở mức thấp là nguyên nhân chính khiến các nhà máy phải điều chỉnh cắt giảm sản lượng hoặc thông báo dừng sản xuất do tiêu thụ chậm, tồn kho ở mức cao.

Đồng thời, theo đánh giá của đại diện VnSteel, trong năm 2023 này, triển vọng phục hồi nhu cầu tiêu thụ thép toàn cầu tiếp tục gặp khó khăn khi thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt tại nhiều quốc gia. Áp lực về tỷ giá và lãi suất tiếp tục tăng khiến chi phí của doanh nghiệp tăng lên, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất thép.

Hơn nữa, triển vọng phục hồi nhu cầu thép tại thị trường trong nước dự báo chậm do có độ trễ của những chính sách hỗ trợ và thúc đẩy kinh tế, bất động sản của Chính phủ; mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thép ngày càng khốc liệt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục