Năm 2025, Bộ Công Thương sẽ triển khai 8 nhiệm vụ cho mục tiêu tăng trưởng

17:58' - 07/01/2025
BNEWS Để thực hiện thắng lợi, toàn diện mục tiêu, kế hoạch năm 2025, Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Thực hiện chỉ đạo mới nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xác định kịch bản tăng trưởng cao của tổng ngân sách quốc nội (GDP) năm 2025, ngành công thương đã chủ động rà soát và đề xuất nâng các chỉ tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Theo đó, để thực hiện thắng lợi, toàn diện mục tiêu, kế hoạch năm 2025, Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

 

Thông tin này được bà Mai Thu Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính (Bộ Công Thương) đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ quý IV năm 2024 và gặp mặt báo chí nhân dịp năm mới 2025 tại trụ sở Bộ Công Thương chiều 7/1.

Theo bà Mai Thu Hiền, năm 2025, Bộ Công Thương sẽ tập trung quán triệt sâu sắc và kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII về phát triển kinh tế- xã hội năm 2025 và Nghị quyết số 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia thành các cơ chế, chính sách đủ mạnh, khả thi, phù hợp nhằm làm mới động lực tăng trưởng truyền thống (như đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu).

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế- xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Ngoài ra, tiếp tục xác định và tập trung triển khai việc xây dựng thể chế, chính sách - một trong ba đột phá chiến lược - cụ thể, khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn triển khai Luật điện lực (sửa đổi); thực hiện cụ thể hóa chủ trương khởi động lại các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận…

Mặt khác, Bộ nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp và tái cấu trúc doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo Đề án đã được phê duyệt.

Bộ Công Thương sẽ tích cực tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại qua đó, đề xuất giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, ràng buộc doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ thực chất doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển kỹ năng quản trị, hình thành chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Hơn nữa, tập trung khai thác hiệu quả hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai FTA mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng. Tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại.

Đáng lưu ý, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế; nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại...

Đặc biệt, khẩn trương hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo tinh thần tinh-gọn-nhẹ-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả.

Ông Chu Thắng Trung- Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho hay: Thông qua thông tin từ cơ quan báo chí, nhận thức về phòng vệ thương mại của cộng đồng doanh nghiệp được nâng cao. Nhiều hiệp hội, doanh nghiệp đã có những hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp trước các biện pháp phòng vệ thương mại.

Năm 2025, xác định có hai định hướng đối với thực hiện nhiệm vụ thông tin về phòng vệ thương mại. Do đó, Cục sẽ chủ động cung cấp thông tin về phòng vệ thương mại kịp thời nhất tới cơ quan báo chí qua các kênh thông tin của Cục cũng như bộ phận truyền thông của Bộ Công Thương. Ngoài ra, Cục luôn sẵn sàng cung cấp thông tin từ yêu cầu của cơ quan báo chí trước các vấn đề, vụ việc về phòng vệ thương mại trong và ngoài nước để thông tin về phòng vệ thương mại được lan toả rộng rãi.

Ông Hoàng Ninh – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chia sẻ thêm, thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã chủ động phối hợp với báo chí về cung cấp thông tin nhằm hướng dẫn người tiêu dùng trong việc chủ động bảo vệ quyền lợi cá nhân. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã cung cấp thông tin kịp thời đến người tiêu dùng liên quan đến những vấn đề nóng như thương mại điện tử xuyên biên giới, việc đẩy mạnh Chính phủ số, phát triển chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương.

Việc quản lý nhà nước và chuyển đổi số vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nên sự phối hợp của cơ quan truyền thông với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số là vô cùng quan trọng và cần thiết. Thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số mong muốn báo chí sẽ tiếp tục phản ánh những thông tin trung thực, khách quan đến người đọc, giúp cơ quan quản lý nhà nước tham khảo trong quá trình hoạch định chính sách.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục