Năm ngành, lĩnh vực ở Việt Nam có lợi thế trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư

17:01' - 08/09/2017
BNEWS Có tới 5 ngành, lĩnh vực được các đơn vị nhận định Việt Nam có lợi thế, cần tập trung trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư là: Công nghệ thông tin, ngân hàng, du lịch, nông nghiệp và logistics.
Buổi học vi tính tại phòng thiết bị tin học, Trường THCS Lê Ngọc Hân (Tp Mỹ Tho). Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã thực hiện khảo sát trên khoảng 275 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... hoạt động trên lĩnh vực công nghệ thông tin về những thế mạnh của Việt Nam trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0).

Theo đó 5 ngành, lĩnh vực được các đơn vị nhận định Việt Nam có lợi thế, cần tập trung trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư là: Công nghệ thông tin, ngân hàng, du lịch, nông nghiệp và logistics.

Trong đó, có đến 89,9% các đơn vị được hỏi chọn công nghệ thông tin; tiếp đến là tài chính, ngân hàng chiếm 47%; 45,7% các đơn vị chọn du lịch; 44,9% chọn nông nghiệp và 28,3% chọn logistics.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy: Đã có 35,2% cơ quan, đơn vị đã chuẩn bị và sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong đó, phần đa là các doanh nghiệp thuộc khối ngân hàng, một số doanh nghiệp công nghệ thông tin; chiếm số đông nhất là các doanh nghiệp, cơ quan ứng dụng cùng một số cơ quan quản lý công nghệ thông tin.

Có 58,7% cơ quan, đơn vị đã tìm hiểu nhưng chưa biết chuẩn bị gì; chỉ có 6,1% chưa tìm hiểu gì và chưa biết chuẩn bị như thế nào trước tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đánh giá về những thế mạnh của Việt Nam trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các đơn vị trả lời khảo sát đã lựa chọn 3 lợi thế của Việt Nam trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là: Nguồn nhân lực (77,7%); nhận thức và quyết tâm hành động của Chính phủ (70,4%); hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông (59,1%).

Để hiện thực hóa những lợi thế nêu trên, các cơ quan, doanh nghiệp đã lựa chọn Việt Nam cần tập trung triển khai 3 giải pháp quan trọng.

Trong đó, đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin được cho là giải pháp quan trọng với sự đồng ý của 81,8% số lượng đơn vị được khảo sát.

Cùng với đó, việc thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn nền kinh tế (70%) và thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo (53%) là hai hướng giải pháp cơ bản được đề xuất.

Để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực công nghệ thông tin, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết: Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin sẽ xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đảm bảo chất lượng, trình độ theo kịp các quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tích cực phối hợp cùng với doanh nghiệp, đơn vị trên toàn quốc tổ chức hội thảo, cập nhật kiến thức, xây dựng các phòng thí nghiệm (LAB) về công nghệ thông tin cho các kỹ sư trẻ, đội ngũ sinh viên.

“Mục tiêu hướng tới là nâng cao năng lực làm chủ công nghệ, năng lực nghiên cứu phát triển, sản xuất các sản phẩm trọng điểm về công nghệ và sản phẩm dịch vụ mang thương hiệu Việt, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh./.

Xem thêm:

>>>Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Việt Nam cần “dấn thân” hơn nữa trong cách mạng công nghiệp 4.0

>>>Cách mạng công nghiệp 4.0 và những tác động đến xuất khẩu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục