Năm nhiều cung bậc của thị trường chứng khoán Việt Nam

16:48' - 29/12/2023
BNEWS Thị trường chứng khoán Việt Nam chốt phiên giao dịch cuối cùng năm 2023 với sắc xanh nhẹ, để lại những kỳ vọng hồi phục ở phía trước.

Chốt phiên giao dịch cuối năm (29/12), VN-Index tăng 1 điểm lên 1.129,93 điểm. Như vậy, chỉ số này tăng hơn 12% kể từ đầu năm.

Khối lượng giao dịch trên HoSE đạt gần 711 triệu đơn vị, tương ứng hơn 15.774,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 295 mã tăng giá, 190 mã giảm giá và 97 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 0,31 điểm 231,04 điểm. Với mức điểm này, HNX-Index cũng tăng hơn 12,5% trong năm 2023. 

Khối lượng giao dịch trên sàn HNX đạt 71,3 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.292,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 87 mã tăng giá, 73 mã giảm giá và 77 mã đứng giá.

UPCoM-Index tăng 0,07 điểm lên 87,04 điểm. Với mức điểm này, chỉ số UPCoM-Index đã tăng hơn 21% trong năm 2023. Hôm nay, khối lượng giao dịch trên sàn UPCoM đạt hơn 73,2 triệu đơn vị, tương ứng trên 1.044 tỷ đồng. Toàn sàn có 207 mã tăng giá, 131 mã giảm giá và 101 mã đứng giá.

Hôm nay đáng chú ý nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng; trong đó, VCB tác động tiêu cực nhất lên chỉ số VN-Index khi cổ phiếu này giảm tới hơn 3%. Tuy nhiên, nhìn tổng thế, nhóm ngân hàng có tác động tích cực nhất lên chỉ số khi một loạt mã tăng giá như BID,  VPB,  HDB, TCB…

Hầu hết các nhóm cổ phiếu còn lại có diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen.

Chuyên viên phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) Lê Ngọc Hưng cho biết, sau diễn biến khá ảm đạm trong quý I/2023, thị trường chứng khoán bắt đầu sôi động từ tháng 4 cùng với trong bối cảnh Việt Nam chuyển dịch chính sách tiền tệ “thắt chặt” sang “nới lỏng, linh hoạt”.

Cùng đó là hàng loạt các giải pháp quyết liệt của cơ quan quản lý được triển khai nhằm tháo gỡ các nút thắt của thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản. Chỉ số VN-Index đã có mạch tăng ấn tượng 250 điểm từ cuối tháng 3 đến đỉnh 1.250 điểm vào giữa tháng 9.

Tuy nhiên, vào cuối tháng 9, thị trường dần đảo chiều đồng pha với các thị trường chứng khoán châu Á khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát đi thông điệp về việc lãi suất có thể tiếp tục tăng và neo ở mức cao một thời gian dài.

Đồng thời, trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng công cụ tín phiếu để hút bớt lượng tiền VND trên thị trường mở nhằm hạ nhiệt tỷ giá.

Trong giai đoạn cuối tháng 9 và tháng 10, chỉ số VN-Index gần như mất hết thành quả tăng điểm trước đó. Từ đầu tháng 11, thị trường chứng khoán Việt Nam dần phục hồi khi ngày càng có nhiều tín hiệu cho thấy lãi suất của Fed đã tạo đỉnh trong bối cảnh lạm phát Mỹ có xu hướng giảm mạnh hơn dự báo. Tuy nhiên, theo quan sát của MBS,  thị trường chứng khoán Việt Nam đang phục hồi lệch pha với thị trường chứng khoán thế giới.

Trong năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam có hiệu quả đầu tư tốt hơn các thị trường khác trong khu vực như Thái Lan , Trung Quốc, Singapore, Philippine…

Nhìn về năm 2024, MBS cho rằng những yếu tố tích cực hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn đó.

MBS kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất từ quý II/2024 với tổng mức giảm khoảng 100 điểm cơ bản xuống mức 4,5% cuối năm 2024.

Thông thường lãi suất thấp sẽ kích thích các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng từ những thị trường mới nổi.

MBS cũng kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng 16,8% trong năm 2024, trong bối cảnh xuất khẩu và sản xuất phục hồi tích cực, tiêu dùng ổn định, lãi suất thấp, đầu tư được thúc đẩy.

MBS nhận thấy mặc dù tiến độ tương đối chậm song nhiều dự án bất động sản ở Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã dần tháo gỡ được các vướng mắc pháp lý, tạo tiền đề cho sự phục hồi của thị trường bất động sản.

Thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng cũng sẽ ghi nhận nhiều thông tin hỗ trợ trong thời gian tới khi hệ thống KRX sẽ được đi vào vận hành, tạo nền tảng cơ sở để nhiều sản phẩm mới được triển khai, từ đó rút ngắn con đường nâng hạng thành thị trường mới nổi của Việt Nam. Vì vậy, định giá thị trường hợp lý là cơ hội để tích lũy cổ phiếu với tầm nhìn dài hạn.

Năm 2024, MBS kỳ vọng VN-Index sẽ tăng lên mức 1.250 - 1.280 điểm, trên cơ sở lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết năm 2024 tăng 16,8% và định giá P/E 12- 12.5 lần.

Các yếu tố rủi ro có thể tác động đến thị trường bao gồm thị trường bất động sản đóng băng kéo dài sẽ gia tăng nợ xấu cho hệ thống ngân hàng, tạo điểm nghẽn dòng vốn trên thị trường tài chính, làm giảm sự lưu thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán. Lạm phát tăng cao hơn so với kỳ vọng (trên 4 – 4.5%) có thể khiến chính sách tiền tệ đảo chiều./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục