Nam Phi sắp có tổ hợp kính thiên văn vô tuyến lớn nhất thế giới

16:53' - 10/10/2019
BNEWS Ngày 9/10, Nam Phi phê chuẩn dự án xây dựng tổ hợp kính thiên văn vô tuyến lớn nhất thế giới tại nước này, qua đó đưa Nam Phi vào danh sách những cường quốc hàng đầu về khoa học thiên văn vũ trụ.
Các thiết bị tầm soát sóng âm thanh của MeerKAT - Tổ hợp kính thiên văn và thiết bị tầm soát sóng âm thanh vũ trụ do Nam Phi xây dựng và ra mắt tháng 7/2018. Ảnh: TTXVN phát

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, đây là dự án liên chính phủ được khởi xướng từ tháng 3 vừa qua với sự tham gia của 7 nước gồm Nam Phi, Anh, Australia, Hà Lan, Italy, Trung Quốc và Bồ Đào Nha. Đây cũng được xem là dự án khoa học liên chính phủ có quy mô lớn nhất thế giới.

Theo Chủ tịch Tiểu ban Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Quốc hội Nam Phi Philly Mapulane, tổ hợp kính thiên văn vô tuyến có tên là Square Kilometer Array (SKA) hoạt động ở phần tần số vô tuyến điện của quang phổ điện từ nhằm phát hiện và thu thập dữ liệu về các nguồn sóng vô tuyến phát ra từ những khoảng cách rất xa trong không gian, qua đó giúp khám phá những bí ẩn chưa được giải mã của vũ trụ.

Dự kiến, tổ hợp kính thiên văn vô tuyến SKA sẽ được xây dựng đồng thời tại Nam Phi và Australia và sau đó sẽ mở rộng ra một số quốc gia khác có lợi thế tự nhiên cho việc quan trắc thiên văn học.

Hồi tháng 7/2018, Nam Phi cũng đã ra mắt tổ hợp kính thiên văn và thiết bị tầm soát sóng âm thanh vũ trụ đầu tiên trên thế giới với khả năng cung cấp hình ảnh rõ nét nhất về trung tâm hố đen vũ trụ trên dải Ngân hà.

Tổ hợp có tên là MeerKAT này là sự kết hợp giữa kính thiên văn và thiết bị tầm soát sóng âm thanh vũ trụ cho phép các nhà khoa học không chỉ nhìn mà còn nghe được những việc xảy ra trong vũ trụ vào cùng một thời điểm theo thời gian thực, khái niệm mà trước đó chỉ có trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng.

Trước đó, hồi năm 2016, Trung Quốc ra mắt kính viễn vọng vô tuyến FAST có khẩu độ 500m và hiện đang được xem là lớn nhất thế giới. Tháng 9 vừa qua, các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố FAST đã phát hiện hơn 100 tín hiệu vô tuyến từ một nguồn ở cách Trái Đất 3 tỷ năm ánh sáng./.

Xem thêm:

>>Đài thiên văn Hòa Lạc mở cửa đón khách vào quý II/2019

>>Kính thiên văn Kepler chấm dứt sứ mệnh tìm kiếm hành tinh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục