Nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút nhân lực công nghệ thông tin

10:46' - 29/05/2022
BNEWS Với mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, Đà Nẵng đang triển khai các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo và thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin.

Với mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, Đà Nẵng đặt việc phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin là nhiệm vụ và giải pháp đột phá, có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình xây dựng thành phố.

 

Chính vì vậy, trong những năm qua, Đà Nẵng luôn quan tâm, tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, đồng thời triển khai nhiều cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia, nhân lực lĩnh vực công nghệ thông tin đến làm việc tại thành phố.

* Thu hút nhân lực công nghệ thông tin

Trong nhiều năm qua, Công ty FPT Software Đà Nẵng đã triển khai nhiều chương trình thiết thực nhằm thu hút nhân sự công nghệ thông tin chất lượng cao về làm việc tại thành phố Đà Nẵng như: chính sách chuyển vùng, an cư lạc nghiệp và an cư giáo dục.

Cụ thể, mỗi nhân sự công nghệ thông tin ký hợp đồng chính thức, được tuyển mới hoặc thuyên chuyển/chuyển vùng từ địa điểm thuộc các tỉnh miền Bắc và miền Nam vào làm việc cho tất cả các dự án thuộc FPT Software Đà Nẵng sẽ được cấp hỗ trợ chuyển vùng tối đa 60 triệu đồng dựa vào vị trí. Ngoài ra, trong năm đầu tiên, nhân sự sẽ được hưởng tiêu chuẩn nhà ở, phí đi lại, trợ cấp về thăm nhà sau 6 tháng làm việc… theo quy định công tác phí trong nước.

Bên cạnh đó, ứng viên tuyển mới hoặc chuyển vùng về làm việc tại FPT Software Đà Nẵng ở những vị trí quan trọng sẽ được xem xét hỗ trợ mua nhà với giá ưu đãi so với thị trường. Ngoài ra, nhân viên FPT Software Đà Nẵng được công ty hỗ trợ mức lãi suất 4% tối đa trong vòng 4 năm khi vay tiền ngân hàng cho các mục đích mua nhà, mua đất, xây nhà, tu sửa nhà hoặc mua ô tô với khoản vay có giá trị lên đến 2 tỷ đồng. Con của cán bộ nhân viên FPT Software Đà Nẵng sẽ được ưu đãi 20% học phí năm học 2022-2023 khi theo học tại hệ thống trường FPT Đà Nẵng.

Giám đốc FPT Software miền Trung Lê Hồng Lĩnh chia sẻ: So với Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại Đà Nẵng luôn trong tình trạng khan hiếm, thiếu hụt từ chuyên gia cho đến các lập trình viên mới vào nghề. Một trong những kế hoạch mà FPT Software Đà Nẵng đã và đang làm là tăng cường đào tạo, mang đến cho các nhân viên cơ hội học tập không giới hạn, trang bị chứng chỉ quốc tế cần thiết bằng cách hỗ trợ lệ phí thi, khen thưởng…Bên cạnh đó, việc triển khai nhiều chính sách đãi ngộ một cách bài bản, có chiều sâu là hướng đi khác biệt mà FPT Software Đà Nẵng sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

* Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực

 

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, Đà Nẵng hiện có 38 cơ sở đào tạo về lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó 20 trường Đại học, Cao đẳng và 18 trường Trung cấp, trung tâm đào tạo nghề và trung tâm đào tạo phi chính quy. Trong số các trường Đại học, Cao đẳng, có 17 trường đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin, 13 trường đào tạo các chuyên ngành gần (Điện tử - viễn thông, Cơ điện tử, Tự động hóa, Tin học thống kê, Tin học xây dựng,...).

Số lượng sinh viên đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin chiếm 17%. Năm 2021, tổng số chỉ tiêu tuyển sinh chuyên ngành công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố hơn 6.000 học sinh, sinh viên. Trong đó trình độ Đại học, Cao đẳng khoảng 4.500 sinh viên (Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt Hàn: 1.400; Đại học Bách khoa Đà Nẵng: 800; Đại học Duy tân: 300; Đại học sư phạm:100 sinh viên;...), chuyên ngành điện tử-viễn thông có hơn 700 sinh viên.

Tại các trường Đại học, Cao đẳng cũng có hơn 120 Tiến sĩ, 37 Phó Giáo sư chuyên ngành công nghệ thông tin và các chuyên ngành hỗ trợ. Ngoài ra, có 892 cán bộ công viên chức thành phố chuyên trách hoặc có trình độ Đại học công nghệ thông tin trở lên.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng Trần Ngọc Thạch cho biết, việc phát triển và nâng cao chất lực nguồn nhân lực công nghệ thông tin là nhiệm vụ và giải pháp đột phá có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng. Trong thời gian qua, các sở ban ngành luôn quan tâm và tập trung làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực công nghệ thông tin.

Theo ông Trần Ngọc Thạch, hiện nay, các cơ sở giáo dục đã mở rộng quy mô và đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo cho phù hợp với sự phát triển của ngành. Số lượng sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin hàng năm khoảng 2.500 sinh viên, tốt nghiệp chuyên ngành điện tử - viễn thông khoảng 350 sinh viên. Các trường Đại học đã nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực thông qua nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, số lượng giảng viên có trình độ sau đại học chiếm tỷ lệ cao (trên 73%).

Bên cạnh đó, các trường cải tiến chương trình đào tạo và liên kết, hợp tác đào tạo với các trường, tổ chức quốc tế, hình thành các chương trình đào tạo công nghệ thông tin chất lượng cao, như: Đại học Bách khoa Đà Nẵng có Chương trình kỹ sư công nghệ thông tin chất lượng cao Việt Pháp, Việt Úc, Nhật Bản; Đại học Duy Tân có liên kết đào tạo công nghệ thông tin với Đại học Carnegie Mellon (CMU)…

Mặc dù thành phố đã tập trung phát triển đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế chưa thể giải quyết được. Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế - Đại học Duy Tân Nguyễn Đức Mận nhận định, Đà Nẵng đang thiếu hụt nhân lực công nghệ thông tin có trình độ chuyên môn sâu và có kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất các sản phẩm, ứng dụng chuyên cho thiết bị di động, ứng dụng phục vụ chính quyền điện tử, thành phố thông minh…, nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao khan hiếm.

* Đẩy mạnh trao đổi, liên kết

Hiện các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin đang nỗ lực phát triển mạnh mẽ mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp đã và đang đồng hành với nhà trường ngay từ khâu thiết kế chương trình, mở ngành đào tạo mới, đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cử chuyên gia hướng dẫn sinh viên thực hành, tiếp cận công nghệ ngay trên ghế nhà trường.

Thời gian qua, Đà Nẵng đã tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa “ba nhà” (Nhà trường - Nhà nước - Nhà doanh nghiệp). Việc liên kết hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và các tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước chính là hướng đi được ưu tiên hàng đầu để giải bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong năm 2020, có rất nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo giữa các trường Đại học, Cao đẳng tại Đà Nẵng với các tập đoàn lớn như FUJIKIN,LG,HITACHI nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo đảm đầu ra có thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Điển hình như, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn được phía Hàn Quốc đồng ý tài trợ 1 dự án 7,7 triệu USD nhằm nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường; trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, FUJIKIN INCORPORATED - Nhật Bản (FUJIKIN) cùng với Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã ký kết thỏa thuận hợp tác liên quan đến Dự án xây dựng “Fujikin Danang R&D Center” Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.

Theo thỏa thuận hợp tác, FUJIKIN sẽ phối hợp với Trường Đại học Bách khoa bồi dưỡng đội ngũ nhân lực xuất sắc của Việt Nam, lấy Đà Nẵng làm trung tâm để phát triển công nghệ tiên tiến như: Các chủng loại robot, các thiết bị y tế tiên tiến thế hệ mới, sử dụng năng lượng hydro, công nghệ mới sử dụng LED, công nghệ mới liên quan đến thông tin và truyền thông, thành phố thông minh, vật liệu nano và vật liệu tiên tiến…

Theo kế hoạch phát triển nhân lực công nghệ thông tin đến năm 2025 của Đà Nẵng, thành phố phấn đấu đưa tỷ trọng kinh tế trong ngành, lĩnh vực công nghệ thông tin đạt 10% vào năm 2025; tập trung phát triển kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GRDP thành phố, trong đó công nghiệp ICT tối thiểu 10% GRDP thành phố vào năm 2025.

Đồng thời, thành phố phấn đấu đưa số lượng doanh nghiệp công nghệ đạt mức 3 doanh nghiệp/1.000 dân; tạo ra ít nhất 75.000 lao động chất lượng cao vào năm 2025; có ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm hoặc nộp ngân sách trên 100 tỷ đồng vào năm 2025…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục