Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số Kiên Giang

19:31' - 06/01/2025
BNEWS Năm 2025 dự kiến tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Kiên Giang là trên 175 tỷ đồng.

Tỉnh đặt mục tiêu hoàn thành 100% vốn giao thực hiện chương trình; giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số từ 0,4% trở lên. Đây là thông tin được Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác dân tộc và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, tổ chức chiều 6/1.

 

Theo đó, Kiên Giang sẽ hỗ trợ nhà ở cho 203 hộ, hỗ trợ đất ở cho 8 hộ; nâng cấp, mở rộng 9 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; đầu tư hàng chục công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác dân tộc địa phương (Ủy ban Dân tộc) Tào Việt Thắng đề nghị, Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang tiếp tục phối hợp tốt với các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu thực hiện các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc. Tỉnh cần tiếp tục quan tâm đến vùng đồng dân tộc thiểu số biên giới và biển đảo, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đồng bào cũng như người có uy tín để thông tin, phối hợp kịp thời với các cơ quan chức năng để từng bước tháo gỡ khó khăn, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại địa phương.

Năm 2024, tình hình kinh tế, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kiên Giang tiếp tục ổn định và có bước phát triển khá; hộ nghèo là dân tộc thiểu số giảm 1,86%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 63 triệu đồng/năm. Trong năm, nhiều chương trình, kế hoạch, dự án chính sách dân tộc được các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Các dự án, chương trình được lồng ghép đã hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội, tạo việc làm, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Khối đại đoàn kết các dân tộc tiếp tục được phát huy; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng được giữ vững, ổn định. Từ đó, đồng bào dân tộc thiểu số an tâm lao động sản xuất, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: Công tác phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương chưa thực sự chặt chẽ; lãnh đạo phòng chuyên môn ở một số nơi chưa quyết tâm, quyết liệt trong triển khai chương trình; vốn tỉnh giao tương đối chậm; việc lồng ghép vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và quy trình thanh quyết toán vốn các địa phương còn gặp vướng mắc...

Theo ông Danh Phúc, việc áp dụng Luật Đấu thầu mới cũng gây nhiều lúng túng trong quá trình thực hiện. Cơ chế đặc thù là chính sách còn mới, cần nghiên cứu sâu và tìm giải pháp thực hiện phù hợp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục