Nâng cao giá trị và bảo đảm nguồn cung nông sản cuối năm

14:00' - 28/11/2024
BNEWS Ngành nông nghiệp Hòa Bình đã yêu cầu theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến thời tiết, dịch bệnh, thu hoạch nông, lâm, thủy sản đúng thời vụ, tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt cục bộ.

Từ nay đến cuối năm 2024, nhu cầu tiêu thụ nông sản của người dân sẽ tăng cao, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình cùng các địa phương trong tỉnh đã và đang khuyến khích, hướng dẫn nông dân tăng cường sản xuất, tích cực tái đàn, chủ động liên kết tiêu thụ nông sản. Qua đó, đảm bảo nguồn cung góp phần bình ổn giá trên thị trường và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Khách tham quan mua sắm tại Phiên chợ vùng cao tỉnh Hòa Bình năm 2024. Ảnh: Thanh Hải - TTXVN

Vào những tháng cuối năm, gia đình anh Bùi Văn Dực ở xóm Cha, xã Ngọc Sơn, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) lại đầu tư tăng thêm số lượng đàn gia súc, gia cầm để phục vụ dịp Tết. Hiện gia đình anh có 10 con trâu, bò, 20 con lợn thịt, hơn 200 con gà, ngan và trên 1 tạ sản lượng cá nuôi trong ao. Ngoài ra, anh Dực cũng mở rộng hơn 2ha diện tích đất để xuống giống khoảng 20kg cây ngô lai và 2.000 m2 đất trồng lạc.

Anh Bùi Văn Dực cho biết, việc đầu tư chăn nuôi kết hợp trồng trọt đã góp phần đáng kể tăng nguồn thu từ hoạt động nông nghiệp. Đặc biệt, để tăng đàn và phát triển cho đàn vật nuôi, gia đình tôi tận dụng từ đồi cỏ tự nhiên, diện tích cỏ VA6, thân, lá của cây ngô tươi, ngô hạt và chủ động tiêm phòng bệnh, bổ sung thêm khoáng chất hàng ngày, để đàn vật nuôi phát triển tốt.

Cùng với đó, Công ty Cổ phần Kim Bôi ở thị trấn Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm từ măng đang phấn đấu đưa thương hiệu măng tươi Việt Nam vươn xa và chinh phục các thị trường quốc tế. Ngay từ đầu năm 2024, công ty đã chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh, đảm bảo đáp ứng đủ các đơn đặt hàng cũng như nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường. Đến nay, công ty đã sản xuất và đưa ra thị trường 1.200 tấn sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, tương đương giá trị gần 70 tỷ đồng.

Ông Ngô Ngọc Long, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Kim Bôi cho biết, dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ tăng nên công ty đã có sự chuẩn bị về vùng nguyên liệu, chất lượng sản phẩm để đảm bảo yêu cầu khắt khe của thị trường trong nước và cả những thị trường xuất khẩu khó tính; tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào đến chế biến và khâu đóng gói cuối cùng, đảm bảo năng suất lao động để đáp ứng đủ sản lượng tiêu thụ. Công ty dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 80 tấn sản phẩm măng các loại sang thị trường các nước Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ...

Hiện nay giá thịt gia súc, gia cầm đều tăng như giá lợn hơi đang ở mức 60- 63 nghìn đồng/kg, gà ta khoảng 115- 125 nghìn đồng/kg, giá vịt khoảng 65.000 đồng/kg. Theo ngành nông nghiệp, nguyên nhân tăng giá do ảnh hưởng của dịch bệnh và thiệt hại của bão lũ nên sản lượng vật nuôi giảm. Từ nay đến Tết Nguyên đán 2025, nhu cầu thực phẩm sẽ tăng khoảng 10-15% so với ngày thường.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, Bùi Duy Linh cho biết, để bảo đảm hàng hóa nông sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2025. Ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đã yêu cầu các địa phương trong tỉnh theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến thời tiết, dịch bệnh, thực hiện tốt chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch nông, lâm, thủy sản đúng thời vụ, tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt cục bộ. Đồng thời, chủ động kiểm soát, ngăn chặn các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; duy trì ổn định các hoạt động cung ứng vật tư nông nghiệp thiết yếu cho sản xuất.

Đối với sản xuất vụ đông năm 2024, ngành ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các địa phương bố trí tăng diện tích, đẩy sớm tiến độ sản xuất theo đúng kế hoạch cây trồng vụ đông ưa ẩm như ngô sinh khối, cây họ đậu, ớt... Đồng thời, lưu ý các địa phương, nếu không kịp thời vụ, cần linh hoạt chuyển đổi sang trồng cây ưa lạnh để hạn chế rủi ro xảy ra do thời tiết; cần có những biện pháp tiêu úng kịp thời một số khu vực sản xuất trên địa bàn tỉnh có khả năng xảy ra ngập úng cục bộ.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, ngoài các sản phẩm sản xuất vụ đông thì dịp cuối năm là thời gian thu hoạch một số cây trồng chủ lực của tỉnh với sản lượng lớn như sản phẩm cam các loại với sản lượng dự kiến khoảng 80 nghìn tấn; bưởi các loại với sản lượng dự kiến 90 nghìn tấn (tăng khoảng 5.000 tấn so với năm 2023).

Trong số đó, sản lượng bưởi tại các vùng trồng đã cấp mã số và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu năm 2024 đạt khoảng 1.500 tấn (1,3 triệu quả); sản lượng mía ăn tươi dự kiến 380 nghìn tấn; sản lượng chuối phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu giảm nhẹ do ảnh hưởng của bão số 3 vừa qua còn khoảng 7.500 tấn; sản phẩm khoai sọ sản lượng dự kiến 1.700 tấn... Đối với xuất khẩu nông sản, tính đến tháng 9/2024, toàn tỉnh Hòa Bình có 17 cơ sở xuất khẩu nông, lâm sản, tổng sản lượng xuất khẩu trên 890 nghìn tấn, đạt giá trị trên 228 tỷ đồng.

Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Hòa Bình, Trần Tiến Trường cho biết, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại về gia súc, gia cầm trên địa bàn các địa phương của tỉnh Hòa Bình với 30 con gia súc và 9.040 con gia cầm. Chi cục y đã tham mưu với các Sở, ngành, địa phương tập trung triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh, khắc phục, khôi phục cho đàn vật nuôi sau mưa, lũ.

Vào thời điểm này, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cũng đã ổn định. Tổng đàn trâu hiện có 113.312 con bằng 99,08% so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn bò 91.536 con bằng 102,9% so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn lợn 535.456 con so với cùng kỳ năm trước bằng 104,23%; tổng đàn gia cầm 8.896 nghìn con so với cùng kỳ năm trước bằng 104,69%; đàn gà 7.921 nghìn con so với cùng kỳ năm trước bằng 102,6%.

Ước sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 313 tấn, thịt bò 251 tấn, thịt lợn 5.983 tấn, thịt gia cầm 1.935 tấn. So với cùng kỳ năm trước, sản lượng các sản phẩm từ chăn nuôi hầu hết đều tăng nhẹ. Nguyên nhân do sự tăng về quy mô chăn nuôi của hộ dân, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người Việt nên sản lượng thịt bò, lợn, gia cầm làm thực phẩm có xu hướng tăng.

Theo ông Bùi Duy Linh, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và phục vụ xuất khẩu nông sản dịp cuối năm, ngành nông nghiệp Hòa Bình đã chỉ đạo các địa phương rà soát cụ thể diện tích, sản lượng nông sản chủ lực có tính cạnh tranh, những diện tích đã được cấp mã số vùng trồng và chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt, tiêu chuẩn hữu cơ trên địa bàn để có cơ sở xây dựng kết nối, tiêu thụ phù hợp. Vận động, khuyến khích người sản xuất tham gia chuỗi liên kết các tổ, nhóm sản xuất để tạo sản phẩm đồng nhất về chủng loại, chất lượng. Đồng thời, để nâng cao giá trị, đảm bảo hàng hóa nông sản phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán 2025 và tăng cường các hoạt động nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục