Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước

13:47' - 02/11/2015
BNEWS Giai đoạn năm 2011-2015, chỉ số ICOR còn 5 đến 5.5, mức này còn cao so với một số nước trong khu vực nhưng đã có bước cải thiện.

Đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và những vấn đề như Chính phủ nên cắt giảm chi tiêu công bởi những hạng mục không cần thiết để mà tăng lương tối thiểu, hiệu quả nguồn vốn đầu tư… đã được đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TP. Hồ Chí Minh trao đổi với phóng viên bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII ngày 2/10.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 do Chính phủ trình bày tại Kỳ họp?
Ông Trần Hoàng Ngân: Như chúng ta đã biết, cuộc họp sáng nay rất quan trọng, nhìn lại kết quả kinh tế-xã hội trong 5 năm qua. Cách đây 5 năm do những bất lợi từ nền kinh tế thế giới, hoặc vẫn tồn tại, tích tụ trong nhiều năm như: kinh tế vĩ mô bất ổn, lãi suất tăng cao và bội chi ngân sách cao.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã có Nghị quyết 11 và Bộ Chính trị đã có kết luận 02 xác định, mục tiêu ưu tiên hàng đầu của chúng ta là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Chúng ta không thôi thúc đến tăng trưởng, bởi mục tiêu của chúng ta là ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhưng cho đến ngày hôm nay, theo đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội khá ổn định, lạm phát chỉ còn 2%, tỷ giá được điều hành một cách chủ động và chúng ta đã có 3 năm liên tiếp xuất siêu. Từ đó, góp phần cải thiện cán cân vãng lai và ổn định thị trường tiền tệ. Đây là thành công, giúp chúng ta lạc quan về cái nhìn điều hành kinh tế của nước ta trong giai đoạn 2016-2020.
Phóng viên: Ông bày tỏ cũng như đánh giá cao với những chính sách hay biện pháp điều hành mà Chính phủ đã đưa ra. Tuy nhiên, ông nhìn nhận như thế nào về những vấn đề như: bội chi ngân sách; hiệu quả sử dụng vốn đầu tư hay cắt giảm chi tiêu công không cần thiết để đảm bảo tăng lương cho người lao động?
Ông Trần Hoàng Ngân: Như chúng ta đã biết, kế hoạch kinh tế đưa ra cho đến năm 2015, bội chi ngân sách về 4,5% GDP nhưng năm 2015, mức bội chi ngân sách sẽ là 5% và bình quân 5 năm qua, mức bội chi ở mức sẽ là 5,4% GDP, vượt so với kế hoạch.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Từ đó, làm cho nợ công của chúng ta tăng nhanh. Hiện nay, ở mức 61,3% GDP, cho nên các đại biểu rất quan tâm đến vấn đề bội chi ngân sách. Trong chi ngân sách, hiện nay, các khoản chi thường xuyên của chúng ta từ mức 55% trong tổng chi hiện nay đã lên đến 65-70% tổng chi; chi thường xuyên tập trung vào chi cho bộ máy hành chính.

Mà theo tôi, chi cho bộ máy hành chính “cồng kềnh” thì khoản chi này ngày càng gia tăng. Cho nên trong thời gian tới, chúng ta cần làm tốt công tác định biên, làm tốt công tác đánh giá cán bộ và chúng ta làm sao xã hội hóa các dịch vụ công.

Có như vậy, chúng ta mới giảm được số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và với nguồn thu eo hẹp như hiện nay thì chúng ta mới đảm bảo đươc cơ chế tăng tiền lương theo đúng kế hoạch.

Ngoài ra, trong việc cải cách hành chính thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực và chúng ta đã cắt giảm các thủ tục hành chính rất nhiều. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần làm tốt công tác đánh giá cán bộ, có như vậy mới tinh giảm được bộ máy, ứng dụng được công nghệ, ứng dụng được mô hình điện tử để giảm bộ máy hành chính, giảm được chi phí; đồng thời, cần cắt giảm các khoản về lễ hội đã ảnh hưởng đến nguồn chi của ngân sách Nhà nước.
Phóng viên: Thưa ông, với hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư của chúng ta trong thời gian qua; đặc biệt trong giai đoạn 2001-2004 và giai đoạn 2011-2014, ông đánh giá tầm quan trọng của việc sử dụng nguồn vốn này?
Ông Trần Hoàng Ngân: Chúng ta nên nhìn nhận xu hướng một cách tích cực, trong giai đoạn 2006-2010, chỉ số ICOR của chúng ta lên 7 và 8, tức là để có một đồng tăng trưởng, chúng ta phải bỏ ra 7 đến 8 đồng.

Trong khi giai đoạn hiện nay, giai đoạn năm 2011-2015, chỉ số ICOR của chúng ta chỉ còn 5 đến 5.5, như vậy chúng ta chỉ đầu tư 5 đồng, thì chúng ta có 1 đồng tăng trưởng. Tuy mức này vẫn còn cao so với một số nước trong khu vực nhưng xu hướng chúng ta đã có bước cải thiện và quan trọng hơn.

Chúng ta đã có một thể chế rất quan trọng, đó là Luật Đầu tư công, đây là luật đầu tiên ở Việt Nam trong việc giám sát, đảm bảo việc nâng cao hiệu quả, sử dụng vốn đầu tư. Vấn đề là chúng ta triển khai Luật đi vào cuộc sống để sử dụng nguồn vốn hiệu quả hơn nữa.

Và khi sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, chúng ta sẽ tái tạo được nguồn thu. Từ đó, góp phần tăng thu ngân sách.

Như vậy, tôi nghĩ rằng, Quốc hội đã hoàn thiện thể chế và đã đưa ra được những bộ luật căn bản. Vấn đề của chúng ta là làm sao đưa được những luật đó vào cuộc sống và giám sát thực hiện.
Phóng viên: Theo ông, chúng ta cần có những giải pháp gì để tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước trong thời gian tới?

Ông Trần Hoàng Ngân: Theo tôi, ví dụ như tài sản Nhà nước, xe công, trụ sở, vốn Nhà nước đang đầu tư sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp Nhà nước… chúng ta cần sử dụng, nâng cao hiệu quả để nguồn thu ngân sách từ tài sản mà chúng ta đang quản lý phát huy tốt. Như vậy, chúng ta sẽ tăng được nguồn thu. Từ đó, góp phần giảm chi ngân sách Nhà nước.
Phóng viên: Nợ công ngày càng tăng cao từ mức 47% lên đến 61,3% GDP hiện nay, gần đến ngưỡng 65% ngưỡng Quốc hội cho phép, Bộ Tài chính cũng thừa nhận đây là mức cao. Vậy, thưa ông, mức nợ công ngày càng cao có phải là nguy cơ đối với nền kinh tế?
Ông Trần Hoàng Ngân: Quá trình phát triển nền kinh tế và đặc biệt đối với những nước đang phát triển, nợ công sẽ liên tục cao. Bởi, chúng ta phải đầu tư và vấn đề hiện nay là chúng ta cần giám sát đầu tư hàm chứa nguồn thu trong tương lai để chúng ta đảm bảo tính hiệu quả.

Trong 5 năm qua, Quốc hội đã hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và “xoáy” vào những luật sử dụng nguồn vốn hiệu quả Nhà nước như Luật Đầu tư công hay Luật quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư tại các đơn vị sản xuất kinh doanh. Như vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung hơn nữa trong việc nâng cao sử dụng hiệu quả vốn Nhà nước để chúng ta giảm bội chi trong tương lai.
Phóng viên: Xin cám ơn ông!
Thành Trung – Thúy Hiền (Thực hiện)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục