Nâng cao trình độ ngành gia công thực phẩm Việt Nam

17:35' - 20/12/2018
BNEWS Các nhà khoa học đầu ngành đến từ Nhật Bản và Việt Nam đã trình bày kết quả khảo sát, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nhằm phát triển ngành gia công thực phẩm Việt Nam.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Năm 2018 là năm đánh dấu sự nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc phối hợp cùng các đơn vị liên quan thực thi các giải pháp nhằm nâng cao năng suất, gia tăng "sức khỏe" cho doanh nghiệp. Tiêu biểu, phải kể đến dự án phối hợp giữa Bộ Công Thương và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) khảo sát, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp gia công thực phẩm Việt Nam.

Ngày 20/12, tại Cần Thơ, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo "Nâng cao trình độ ngành gia công thực phẩm Việt Nam". Các nhà khoa học đầu ngành đến từ Nhật Bản và Việt Nam trình bày kết quả khảo sát.

Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp nhằm phát triển ngành gia công thực phẩm Việt Nam. Đồng thời, giới thiệu tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế (JFS - C), cũng như những lưu ý khi giao dịch với doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản.

Ông Shimuzu, Chuyên viên kế hoạch Phòng Châu Á Đại dương, Cục Chính sách thương mại, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho rằng, nông nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là ngành nông lâm thủy sản. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản hiện nay của Việt Nam chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp và ngành thực phẩm chế biến vẫn còn yếu.

Thách thức của ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam chủ yếu nằm ở sự chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng để sản xuất thực phẩm chất lượng cao. Bên cạnh đó, vệ sinh, kỹ thuật, nguồn nhân lực có kiến thức và kinh nghiệm về các thủ tục xuất khẩu; thiết kế bao bì, dán nhãn; marketing tại thị trường nước ngoài… chưa đạt chuẩn.

Do đó, ở công đoạn sản xuất, nguyên liệu cần có những công cụ, chế tài, cũng như tuyên truyền nâng cao nhận thức để cải thiện gian lận thương mại. Công khai, minh bạch các phương tiện, mạng lưới phân phối; đào tạo nhân lực trình độ cao đủ sức làm chủ dây chuyền máy móc hiện đại.

Thực tế cho thấy, nhiều nông hộ cam kết không sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu trong nuôi trồng, nhưng khi phía đối tác Nhật Bản kiểm tra nhập hàng thì vẫn ghi nhận dư lượng thuốc trừ sâu cao hơn cho phép.

Ở công đoạn chế biến, lưu thông hàng hóa, cần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng chuỗi bảo quản và vận chuyển lạnh, đảm bảo cho hàng nông sản ít thất thoát sau thu hoạch. Ở công đoạn bán hàng, cần có các đơn vị kiểm tra, chứng nhận chất lượng độc lập. Đồng thời, chú trọng xây dựng hình ảnh, thương hiệu một cách bài bản, thay vì tư tưởng “ăn xổi ở thì”.

Ở tầm chính sách, ông Đỗ Quốc Hưng, Vụ phó Vụ thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cho rằng, nhà nước cần hoàn thiện cơ sở pháp lý trong lĩnh vực nông nghiệp, tránh tình trạng chờ thông tư mới thực thi được luật và mỗi địa phương lại hiểu và áp dụng luật theo một cách khác nhau. Đặc biệt, cần có chính sách tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp thay vì phân nhỏ như hiện nay.

Việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu trực tuyến cung cấp thông tin về thị trường, các tiêu chuẩn quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… cần được triển khai quyết liệt và đồng bộ. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến tầm quan trọng của đào tạo nhân lực chất lượng cao trong quản lý nông nghiệp, thông qua các chương trình hỗ trợ của nhà nước về tu nghiệp, nghiên cứu…

Ông Shimuzu, Chuyên viên kế hoạch Phòng châu Á Đại dương, Cục Chính sách thương mại, Bộ Kinh tế thương mại Nhật Bản phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Tại hội thảo, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế (JFS - C) được ông Nobutake Uchibori, Giám đốc điều hành Hiệp hội quản lý thực phẩm Nhật Bản (JFSM) giới thiệu. Theo đó, JFS – C chú trọng đến kiểm tra, đánh giá và cấp giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm theo hình thức bậc thang.

Bao gồm: các tiêu chuẩn về “sản xuất tốt” như: môi trường làm việc, bảo hộ lao động, quản lý nguyên liệu…; truy xuất nguồn gốc; hệ thống quản lý... Từ đó, doanh nghiệp sẽ được cấp giấy chứng nhận tương ứng.

Trong suốt quá trình đó, Hiệp hội quản lý thực phẩm Nhật Bản sẽ luôn kiểm tra, giám sát để đảm bảo không có gian lận, cũng như xem xét doanh nghiệp có đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận tiếp sau khi hết hạn hay không.

Bàn về những lưu ý khi làm việc với đối tác Nhật Bản, ông Katsuki Kishi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Aeon Topvalu lưu ý, phía Nhật Bản rất quan tâm đến chữ “tín” và các giấy chứng nhận của bên thứ 3.

Do đó, để đạt được hiệu quả cao nhất khi giao thương với Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam nên hình thành chuỗi sản xuất – cung ứng khép kín, theo mô hình “Từ nông trại đến bàn ăn”, để kiểm soát tốt nhất chất lượng sản phẩm, cũng như chủ động trong năng lực cung ứng.

Bên cạnh đó, cần nỗ lực xây dựng thương hiệu mạnh, với đầy đủ các giấy chứng nhận chất lượng của các tổ chức kiểm định uy tín. Ngoài ra, cần hướng tới thực thi một cách nghiêm túc các mô hình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng./.

>>> Ra mắt Chương trình nghiên cứu hành vi mua hàng cho tiêu dùng bên ngoài tại Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục