Nâng chất cho các khu chế xuất – khu công nghiệp: Bài 1- Nhanh và chưa vững

17:54' - 31/10/2017
BNEWS Khu chế xuất, khu công nghiệp được xem là khu vực trọng điểm thu hút đầu tư của Tp. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, mô hình phát triển này cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần được khắc phục.
Khu chế xuất, khu công nghiệp được xem là khu vực trọng điểm thu hút đầu tư của Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Vũ Sinh-TTXVN

Tp. Hồ Chí Minh là địa phương tiên phong trong việc xây dựng và phát triển các khu chế xuất – khu công nghiệp của cả nước.

Sự phát triển của các khu chế xuất – khu công nghiệp là “tấm gương” phản chiếu quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố trong những năm qua.

Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của thành phố trong giai đoạn mới, đòi hỏi các khu chế xuất – khu công nghiệp trên địa bàn phải thay đổi chiến lược phát triển giúp quy hoạch hợp lý và thu hút đầu tư hiệu quả hơn.

Các khu chế xuất, khu công nghiệp được xem là khu vực trọng điểm thu hút đầu tư, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Tp. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, mô hình phát triển khu chế xuất, khu công nghiệp hiện tại cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần được khắc phục để nâng cao chất lượng phát triển, đảm bảo tính bền vững của nền kinh tế.

Hạt nhân thúc đẩy

Năm 1991, khu chế xuất Tân Thuận – khu chế xuất đầu tiên của Tp. Hồ Chí Minh, cũng là khu chế xuất đầu tiên của cả nước được thành lập.

Từ đó đến nay, các khu chế xuất, khu công nghiệp đã trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế của Tp. Hồ Chí Minh.

Ông Tsao Chung Hung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận cho biết: Tính đến nay, khu chế xuất Tân Thuận đã thu hút được gần 200 dự án đầu tư đến từ 20 quốc gia và khu vực với tổng vốn đầu tư đạt 1,7 tỷ USD.

Năm 2016 kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 4,3 tỷ USD, lũy kế kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 45,5 tỷ USD, trong đó xuất siêu đạt 5,1 tỷ USD.

Theo ông Tsao Chung Hung, ngoài việc tạo ra hàng tỷ USD thặng dư xuất khẩu, khu chế xuất Tân Thuận cũng giúp thay đổi bộ mặt khu vực huyện Nhà Bè, quận 7, biến vùng đất đầm lầy thành khu phát triển công nghiệp hiện đại và trở thành khu chế xuất được các nhà đầu tư đánh giá là hấp dẫn nhất ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Không chỉ tạo ra dấu ấn về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp khu chế xuất Tân Thuận cũng tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 65.000 lao động.

Sau hơn 25 năm từ ngày xây dựng khu chế xuất đầu tiên, đến nay Tp. Hồ Chí Minh đã có 3 khu chế xuất và 16 khu công nghiệp được thành lập, trong đó có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 2.571,64 ha.

Ông Nguyễn Hoàng Năng, Trưởng ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, các khu chế xuất và công nghiệp trên địa bàn thành phố đã thu hút được nguồn vốn lớn vào đầu tư sản xuất công nghiệp, tạo kim ngạch xuất khẩu, góp phần tăng thu ngân sách cho thành phố.

Việc mở rộng thu hút đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng tạo điều kiện để Tp. Hồ Chí Minh thu hút công nghệ mới và kinh nghiệm quản lý tiên tiến từ nước ngoài.

Song song với việc thúc đẩy phát triển kinh tế, các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng tạo ra số lượng việc làm đáng kể cho người lao động của thành phố và nhiều địa phương khác, đồng thời góp phần chuyển đổi nhiều vùng đất đầm lầy, đất nông nghiệp năng suất thấp thành vùng công nghiệp với nhiều nhà máy, phân xưởng hiện đại.

Tính đến cuối tháng 8/2017, số dự án đầu tư còn hiệu lực tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh là 1.482 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 9,846 tỷ USD; trong đó có 560 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với vốn 5,669 tỷ USD; 922 dự án trong nước 62.658 tỷ đồng (tương tương 4,177 tỷ USD).

Các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng đang tạo việc làm ổn định cho gần 290.000 lao động.

Có thể nói, quá trình hình thành và phát triển của các khu chế xuất, khu công nghiệp đã mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển kinh tế của Tp. Hồ Chí Minh.

Trong đó, các khu chế xuất, khu công nghiệp đã, đang và sẽ là những “hạt nhân” thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp và gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu cho thành phố.

Bộc lộ nhiều hạn chế

Sự phát triển của các khu chế xuất, khu công nghiệp đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng đang tạo việc làm ổn định cho gần 290.000 lao động. Ảnh minh họa: Dương Trí-TTXVN

Tuy nhiên, qua thời gian mô hình phát triển của các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn cũng bộc lộ nhiều hạn chế cần được khắc phục kịp thời.

Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề hiện nay của các khu chế xuất, khu công nghiệp Tp.Hồ Chí Minh là chất lượng công tác quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển.

Trong đó, công tác xây dựng quy hoạch các khu chế xuất, khu công nghiệp chưa làm rõ yếu tố liên kết vùng và ngành; chưa làm rõ mối liên kết chuỗi sản phẩm giữa các khu, vì vậy chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, thị trường, khả năng cung ứng của thành phố.

Chuyên gia Nguyễn Văn Kích, nguyên cố vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, Tp. Hồ Chí Minh từng là đơn vị mở đầu và dẫn đầu về phát triển khu chế xuất, khu công nghiệp cả nước trong một thời gian dài. Tuy nhiên, vai trò đầu tàu này đang có xu hướng giảm sút trong những năm gần đây.

Cụ thể, Tp. Hồ Chí Minh được xem là trung tâm kinh tế của cả nước nhưng hiện mới có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích quy hoạch hơn 2.571 ha. Trong khi đó, Bình Dương phát triển sau nhưng đã có 36 khu công nghiệp hoạt động với tổng diện tích quy hoạch đạt hơn 10.200 ha.

Thêm vào đó, các dự án đầu tư trong các khu chế xuất, khu công nghiệp của Tp. Hồ Chí Minh đa số có quy mô vốn nhỏ; số dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao chiếm tỷ lệ cũng ít.

Tỷ lệ công nghệ cao của các khu chế xuất, khu công nghiệp vẫn ở mức thấp, khoảng 10%; số doanh nghiệp có giấy chứng nhận công nghệ cao chỉ "đếm được trên đầu ngón tay".

Xét về tổng thể, sự phát triển của các khu chế xuất, khu công nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh thời gian qua đang thiên về số lượng khu và tỷ lệ lấp đầy nhưng chất lượng phát triển chưa tương xứng với vị trí là trung tâm khoa học công nghệ của cả nước.

Mặt khác, tính liên kết giữa các doanh nghiệp trong một khu công nghiệp và giữa các khu công nghiệp với nhau còn yếu, chưa tạo được cụm sản xuất chuỗi sản phẩm có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao.

Một thực tế khác, hầu hết doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố thường kéo theo cả chuỗi cung ứng riêng phục vụ cho nhu cầu sản xuất khép kín.

Nói cách khác, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ mới khai thác các nguồn lực đầu vào giá rẻ như lao động, đất đai, chính sách thuế của thành phố mà chưa có sự liên kết cung ứng với các doanh nghiệp địa phương.

Phân tích vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, Tp. Hồ Chí Minh đã xác định tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu (gồm cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, cao su - nhựa, chế biến tinh lương thực thực phẩm) và hai ngành công nghiệp truyền thống (dệt may và da giày).

Tuy nhiên, việc sản xuất nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng (công nghiệp hỗ trợ) phục vụ cho các ngành này còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất sản phẩm đầu cuối dẫn đến phát triển công nghiệp thiếu bền vững.

Phần lớn nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp như sản xuất thép kỹ thuật, hợp kim, nhựa, nguyên liệu được phẩm, vải, thuốc nhuộm... đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Theo Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài, nguyên nhân của thực trạng trên là do chưa hình thành được cụm liên kết ngành thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp của Tp.Hồ Chí Minh. Các doanh hoạt động rời rạc, chưa kết nối để hỗ trợ lẫn nhau.

Thêm vào đó, các lĩnh vực hỗ trợ phát triển công nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh như hệ thống phân phối, viện nghiên cứu, trường đào tạo nhân lực, đầu mối chuyển giao công nghệ cũng chưa được hình thành rõ nét.

Ngoài ra, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật nhất là giao thông, cấp thoát nước đang chịu sức ép quá tải.

Mặt khác, Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp hiện không được giao chức năng, nhiệm vụ về thanh tra nên phải thực thi cơ chế “phối hợp” trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước, gặp khá nhiều khó khăn, giảm hiệu lực quản lý nhà nước, hạn chế tính chủ động, chưa phát huy tốt vai trò đầu mối và hiệu lực quản lý nhà nước; cơ chế cải cách hành chính “một cửa tại chỗ” tại khu chế xuất, khu công nghiệp để thuận lợi cho thu hút đầu tư chưa được phát huy đầy đủ.

Với thực tế đó, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không định hướng lại và thay đổi chiến lược phát triển, các khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố sẽ khó thu hút và giữ chân được các nhà đầu tư khi không còn các lợi thế về quỹ đất, giá lao động…

Bài 2: Phát triển theo chiều sâu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục