Nắng nóng làm trầm trọng thêm khủng hoảng năng lượng ở châu Âu

09:23' - 10/08/2022
BNEWS Theo báo Les Echos, hầu như tất các phương tiện sản xuất điện ở châu Âu gồm thủy điện, nhiệt điện than, điện hạt nhân, điện gió..., đều chịu tác động bởi những đợt nắng nóng và hạn hán kéo dài.

Nắng nóng đang gây thêm căng thẳng vốn đã đè nặng lên hệ thống năng lượng châu Âu vì khủng hoảng khí đốt của Nga. Bởi vậy, giá điện tại nơi này tiếp tục đà tăng chóng mặt.

 


Những đợt nắng nóng và sóng nhiệt càn quét khắp châu Âu từ đầu mùa Hè ngày càng ảnh hưởng đến hệ thống năng lượng của “lục địa già”.

Một xu hướng rất đáng lo ngại khi sản xuất điện vốn đã bị đe dọa nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng khí đốt ở Nga và các vấn đề kỹ thuật lặp đi lặp lại ở các nhà máy điện hạt nhân của Pháp. Không chỉ thủy điện, điện gió, điện hạt nhân mà ngay cả các nhà máy điện sử dụng khí đốt hay than…, tất cả hầu như đều bị ảnh hưởng.
Fabian Ronningen, chuyên gia thuộc Rystad Energy, một công ty độc lập chuyên nghiên cứu về năng lượng có trụ sở tại Oslo (Na Uy), nhận xét: “Cường độ nóng gay gắt và bao trùm diện rộng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống điện của châu Âu”. Ngoài bản thân các nhà máy điện, các đường dây cao áp và các cơ sở hạ tầng phân phối khác như đường dây liên kết và trạm biến áp cũng bị ảnh hưởng.
Đương nhiên, do tính chất đặc thù, chịu tác động lớn nhất là thủy điện – vốn cung cấp gần 15% sản lượng điện tiêu thụ của Liên minh châu Âu (EU) và cao hơn nữa ở một số nước thành viên.

Tình hình đã có sự khởi đầu rất tốt trước khi mùa Hè bắt đầu, nhưng các đợt nắng nóng liên tiếp vào tháng Sáu và tháng Bảy đã khiến tình trạng hạn hán trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là khu vực phía Nam châu Âu. Tại Tây Ban Nha và Italy, sản lượng thủy điện trong nửa đầu năm thấp hơn 40% so với năm ngoái.
Nhiệt độ cao bất thường cũng làm ảnh hưởng gián tiếp đến các nhà máy điện khác, bất kể là điện hạt nhân, sử dụng khí đốt hay than đá. Tất cả đều sử dụng hệ thống làm mát nên không tránh khỏi sự ảnh hưởng của nhiệt độ thời tiết cao.
Tại Pháp, tập đoàn điện lực EDF buộc phải giảm sản lượng điện hạt nhân, thậm chí tạm thời dừng một số nhà máy do nhiệt độ nước từ sông Rhône và Garonne dùng để làm mát các lò phản ứng tăng lên.
Một tác động khác không thể không nhắc tới, đó là tình trạng mực nước của một số con sông ở châu Âu đang ở mức thấp nhất. Đặc biệt, sông Rhine và các phụ lưu trở nên khó đi lại, đến mức việc vận chuyển than đến các nhà máy điện bị gián đoạn. Nguồn cung ứng than cho các nhà máy điện tại châu Âu hiện đang đứng trước những rủi ro lớn.

Cuối tuần trước, tập đoàn năng lượng Uniper của Đức đã cảnh báo các cơ sở sản xuất ở Staudinger và Datteln có thể buộc phải giảm sản lượng.
Cuối cùng, nắng nóng thường đi kèm với tình trạng gió yếu hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất năng lượng gió.
Nói tóm lại, chỉ có năng lượng Mặt Trời là không bị ảnh hưởng, nhưng vấn đề là ở chỗ nó chỉ chiếm 5% sản lượng điện của châu Âu trong một năm.
Do vậy, với sự khắc nghiệt của thời tiết, châu Âu ngày càng trở nên phụ thuộc hơn... vào các nhà máy điện chạy bằng khí đốt. Và điều này đang diễn ra đúng vào “thời điểm tồi tệ nhất có thể”.

Khủng hoảng nguồn cung từ Nga đã khiến giá “mặt hàng quý” này trên thị trường bán buôn châu Âu tăng vọt trên 200 euro/MWh (khoảng 204,2 USD), một kỷ lục chưa từng có.
Trong bối cảnh hệ thống năng lượng căng thẳng trên khắp lục địa, mức tiêu thụ điện cao hơn so với bình thường do việc sử dụng điều hòa nhiệt độ tăng lên. Ở một số quốc gia, nhu cầu cao hơn mức bình thường từ 3% đến 8% trong tháng Bảy.
Kết quả là, giá điện đã phá kỷ lục vào giữa mùa Hè. Tháng Bảy là tháng giá điện trở nên đắt đỏ nhất được ghi nhận ở Đức, Pháp, Italy và Anh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục