NATO- con thuyền 70 tuổi đi về đâu ?

11:37' - 05/12/2019
BNEWS Có thể nói chưa bao giờ bất đồng giữa các nước phương Tây lại thể hiện rõ rệt đến vậy trước kỳ sinh nhật lần thứ 70 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO ở London (Anh) ngày 4/12. Ảnh: AFP/TTXVN 

Các nhà lãnh đạo 29 nước thành viên đã tề tựu về thành phố Walford, gần thủ đô London (Anh), để kỷ niệm 70 năm thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). 

Trong bầu không khí ảm đạm do hàng loạt mâu thuẫn nội bộ căng thẳng, NATO cuối cùng đã đưa ra một tuyên bố chung dung hòa mối quan tâm của các nước thành viên, song có vẻ đây chỉ là sự đoàn kết bề ngoài.

Có thể nói chưa  bao giờ bất đồng giữa các nước phương Tây lại thể hiện rõ rệt đến vậy trước  kỳ sinh nhật quan trọng của NATO.

Đêm trước lễ kỷ niệm, cuộc gặp song phương bên lề giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp đã diễn ra căng thẳng, báo hiệu một cơn dông tố sắp về.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trong ảnh) cho biết ông sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo khác trong NATO về chi tiêu quốc phòng của các nước thành viên, qua đó sẽ xác định Mỹ có nên bảo vệ các nước thành viên không đáp ứng yêu cầu về ngân sách quốc phòng hay không. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Donald Trump chỉ trích phát biểu của người đồng cấp Emmanuel  Macron rằng NATO đang “chết não” là “sỉ nhục” và “gây khó chịu cho 28 nước thành viên khác”.

Đáp lại, Tổng thống Pháp thừa nhận những lời nói của ông có thể gây phản ứng nhưng ông “vẫn giữ nguyên”. Theo ông Macron, khi nói đến NATO không nên đề cập đến tiền, qua đó gián tiếp bác bỏ yêu cầu mà Tổng thống Mỹ luôn luôn nhấn mạnh là đòi các nước khác tăng ngân sách quốc phòng.

Mâu thuẫn Pháp - Mỹ không phải là vấn đề duy nhất. Sau chiến dịch can thiệp vào miền Bắc Syria tháng 10 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại thành mối quan tâm lớn của các thành viên.

Ankara bị nhiều đồng minh châu Âu chỉ trích mạnh mẽ vì đã tấn công lực lượng dân quân người Kurd (Cuốc), một đối tác quan trọng của phương Tây trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.

Tổng thống Pháp thẳng thừng phê phán Thổ Nhĩ Kỳ “hành động như thể là những kẻ trung gian cho IS”. Ngược lại, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan không kém cạnh khi cho rằng chính ông chủ Điện Elysée mới là “kẻ chết não”.

Cuộc gặp riêng giữa lãnh đạo 3 cường quốc châu Âu gồm  Anh, Pháp, Đức với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng một giờ đã diễn ra một cách lãnh đạm khi các nhà lãnh đạo đến dự riêng lẻ và không đưa ra bất cứ một tuyên bố nào đáng chú ý, dù ông Tayyip Erdogan sau đó nhận xét nó diễn ra “tốt đẹp”. 

Ngoài những mâu thuẫn có tính chất song phương, một vấn đề lớn nổi lên trong NATO là thiếu gắn kết. Nhiều nước thành viên, đi đầu là Pháp, bằng nhiều cách khác nhau, đã phê phán việc Mỹ giảm mức độ cam kết với NATO và ít tham vấn các đồng minh đã và đang làm xói mòn các nền tảng của liên minh.

Có rất nhiều ví dụ gần đây cho thấy Washington không quan tâm tới phản ứng của các nước khác, chẳng hạn như việc Mỹ "bật đèn xanh" cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào miền Bắc Syria vừa qua, mà Tổng thống Pháp phê phán" không thèm phối hợp khi đưa ra các quyết định mang tính chiến lược với các đồng minh NATO”.

Thực tế, dù có mặt ở Anh, đa số lãnh đạo các nước lớn có những mối bận tâm khác. Tổng thống Mỹ đang phải đối phó với cuộc điều tra luận tội sắp bước vào giai đoạn then chốt tại hạ viện.

Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johson  đang phải tập trung chú ý cao độ cho cuộc tổng tuyển cử sớm diễn ra trong vài ngày tới.

Ông Johnson cố gắng hạn chế xuất hiện cùng tổng thống Mỹ, dù các cuộc gặp trước đó giữa hai người thường kéo dài hàng giờ.

Bất chấp những tranh cãi nội bộ, các nhà lãnh đạo NATO đã cố gắng dàn xếp để đưa ra bản tuyên bố chung, trong đó hàm chứa nhiều điểm mới, cũng như thừa nhận những bế tắc hiện nay.

Lần đầu tiên NATO chính thức coi không gian vũ trụ là phạm vi tác chiến, bên cạnh các khái niệm chiến trường truyền thống trên bộ, trên biển, trên không và không gian mạng.

Đề cập tới nước Nga, quốc gia bị Mỹ coi là “đối thủ cạnh tranh chiến lược”, một mặt NATO kêu gọi xây dựng “mối quan hệ xây dựng nếu hành động của Nga cho phép”, nhưng mặt khác nhấn mạnh tới nguy cơ Nga triển khai các loại tên lửa hạt nhân tầm trung, vốn bị phương Tây coi là nguyên nhân khiến Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Điểm mới đáng chú ý của tuyên bố chung NATO 2019, được nhiều chuyên gia phân tích coi là có khả năng mở ra hướng đi mới cho liên minh, nằm ở một vài câu cuối, trong đó NATO “nhận thức rằng ảnh hưởng ngày càng lớn và chính sách quốc tế của Trung Quốc đang tạo ra cả cơ hội và thách thức mà chúng ta cần phải cùng nhau đáp trả, với tư cách là một liên minh”.

Trong bài viết trên báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp, nhà báo Vadim Kamenka cho rằng, NATO đang quan tâm tới sức mạnh quân sự và công nghệ đang lên của Trung Quốc.

Tuy ngôn ngữ trong bản tuyên bố tương đối nhẹ, nhưng đây là một trong những nội dung hiếm hoi mà NATO dễ dàng đạt được nhất trí chung. Tuy vậy, trong điều kiện hiện nay không nước thành viên nào công khai thừa nhận Trung Quốc là "kẻ thù".

Trong suốt chiều dài chiến tranh Lạnh, Liên bang Xô Viết vừa là mục tiêu tác chiến, vừa là lý do tồn tại của NATO.

Cho tới gần đây, nước Nga vẫn được coi là đối thủ quan trọng nhất của khối. Nhưng bối cảnh quốc tế đã có nhiều thay đổi.

Sự mở rộng liên tục của NATO trong những năm 2000 nâng tổng số thành viên lên 29 nước, xu hướng Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á đối phó với Trung Quốc, sự xuất hiện của mối đe dọa khủng bố ở Trung Đông và Bắc Phi, đã khiến liên minh ngày càng khó xây dựng sự đồng thuận và xác lập ưu tiên chiến lược chung.

Theo lập luận của phương Tây, chắc chắn NATO chưa “lỗi thời” và sẽ tiếp tục tồn tại trong hàng thập niên, vì nó phục vụ cho lợi ích của tất cả các nước thành viên.

Nhưng làm thế nào để dung hòa mối quan tâm của những nước vẫn e ngại Nga, nhất là nhóm nước Baltic (Ban-tích) hay Đông Âu, với một Thổ Nhĩ Kỳ vừa mua các hệ thống phòng không S-400 từ Moskva, một nước Đức mở rộng cửa chào đón hệ thống đường ống dẫn khí "Dòng chảy phương Bắc" của Nga bất chấp sự phản đối gay gắt của nhiều đồng minh.

Phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Pháp Macron thừa nhận NATO “chưa làm sáng tỏ” được các vấn đề còn tranh cãi và “những điểm chưa rõ ràng vẫn chưa thể giải quyết”. Nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định “kẻ thù chung”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trong ảnh) cho rằng các nước châu Âu nên đóng một vai trò lớn hơn trong NATO để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN 

Chắc chắn những đối tượng này sẽ rất khác so với những mục tiêu đặt ra tại thời điểm năm 1949, khi NATO được thành lập. Trong tuyên bố chung, lãnh đạo các nước giao cho Tổng Thư ký Jens Stoltenberg xây dựng dự thảo về tương lai của NATO nhằm củng cố sự gắn kết về chính trị của khối, trong đó có vấn đề tham vấn chiến lược.

Được dự báo sẽ diễn ra căng thẳng, cuộc gặp thượng đỉnh NATO trên thực tế bình yên hơn dự báo, dù còn xa mới là một lễ hội đúng nghĩa.

Ngoài một số sự cố nhỏ như việc Tổng thống Mỹ hủy cuộc họp báo cuối cùng và về nước sớm để phản đối một video trong đó ông cho rằng "bị Thủ tướng Canada Justin Trudeau cười nhạo", thì không có hình ảnh căng thẳng như tại hội nghị thượng đỉnh Brussels (Bỉ) tháng 7/2018.

Thế nhưng, ngoài hình ảnh đó, điểm mấu chốt của hội nghị là triển vọng của NATO trong thời gian tới sẽ như thế nào vẫn là một ẩn số khó tìm lời giải.

“Lẽ sống” của NATO là một kẻ thù chung, thiếu một đối thủ cụ thể và xứng tầm, NATO không biết sẽ nhằm vào đâu. Hay nói cách khác, NATO đang bế tắc chiến lược./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục