Nền tảng thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW - Bài 1: Chính sách thu hút nhân tài đột phá

12:44' - 03/07/2025
BNEWS Những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã có chính sách để đào tạo cũng như thu hút nhân tài trong lĩnh vực khoa học công nghệ - yếu tố được xem là nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững.

Điều này phù hợp với định hướng trong Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, xác định phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Với vị thế đầu tàu kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định rõ mục tiêu trở thành trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực. Ngoài chính sách đào tạo và thu hút người tài, việc đầu tư hạ tầng rất cần thiết nhằm tạo cơ sở, nền tảng để nhà khoa học có thể phát huy tối đa năng lực nghiên cứu, sáng tạo. Muốn vậy, Nhà nước phải có chính sách ưu đãi vượt trội để phát huy tốt nhất vai trò của các cơ sở giáo dục đào tạo và doanh nghiệp.

Phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài viết về đào tạo nhân lực chất lượng cao - nền tảng cho thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bài 1: Chính sách thu hút nhân tài đột phá

Để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, chính sách phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài là bài toán đặt ra giai đoạn hiện nay. Đó không đơn thuần là sự đầu tư cho khoa học công nghệ như trước đây mà cần những đột phá, tạo sức hấp dẫn để thu hút người tài. Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước đi quan trọng để giải bài toán này.

*Nâng cao chất lượng đào tạo

Thành phố Hồ Chí Minh sở hữu nền tảng khoa học và công nghệ lớn với hệ thống 97 trường đại học, cao đẳng, trong đó nhiều cơ sở giáo dục có uy tín và năng lực nghiên cứu hàng đầu. Thành phố còn có hơn 450 tổ chức khoa học công nghệ, 134 phòng thí nghiệm hiện đại và 123 tổ chức trung gian hỗ trợ các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Để tạo đột phá về nhân lực chất lượng cao, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai hiệu quả chính sách thu hút, đãi ngộ chuyên gia, nhà khoa học có tài năng đặc biệt theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội; phối hợp Đại học Quốc gia Thành phố đề xuất các chính sách thu hút, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành) giai đoạn 2020-2025 và chương trình Đại học chia sẻ đang được triển khai.

Theo ông Lê Thanh Minh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, nguồn nhân lực chất lượng cao và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là những yếu tố then chốt. Thành phố đặt mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 87% năm 2025, tập trung vào các lĩnh vực như AI, IoT, Big Data. Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn và Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành này đã được Thành phố ban hành.

Thời gian qua, việc đào tạo ở các trường học có sự cải tiến theo hướng mở, giảm lý thuyết - tăng thực hành. Tuy nhiên, quá trình đổi mới này còn nhiều hạn chế, chưa tạo sự bứt phá rõ rệt. Hiện, một số cơ sở đào tạo hướng đến mô hình gắn kết chương trình đào tạo với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận thành tựu khoa học công nghệ hiện đại ngay khi còn trên ghế nhà trường.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo - Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng như kỳ vọng, một phần do đầu tư từ Nhà nước cho giáo dục đại học chưa tương xứng, sự tham gia của doanh nghiệp trong đào tạo chưa nhiều. Năng lực đào tạo của các trường và học tập của sinh viên về mặt lý thuyết rất tốt, tuy nhiên, ứng dụng vào ngành nghề cụ thể còn hạn chế. Khoảng trống này do sinh viên chưa có nhiều điều kiện tiếp cận công nghệ mới, hiện đại nhất.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, nhìn chung, các trường không đủ nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm xứng tầm và theo kịp sự phát triển công nghệ, đặc biệt lĩnh vực mới như, công nghệ sinh học, bán dẫn, khoa học sự sống…

“Cùng với nguồn lực đầu tư, Nhà nước cần tăng cường vai trò kết nối nhà trường - doanh nghiệp với cơ chế cụ thể hơn, bao gồm trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp. Thực tế, hoạt động hợp tác này chủ yếu mang tính tự phát, nhỏ lẻ chưa thành hệ thống”, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân chia sẻ.

Giai đoạn 2020 - 2025, nhờ sự đầu tư có trọng tâm, tư duy đổi mới trong tổ chức, số lượng công bố quốc tế của Đại học Quốc gia Thành phố tăng gấp ba lần so với giai đoạn trước, chất lượng ngày càng nâng cao. Gần 20 nhóm nghiên cứu mạnh được hình thành và phát triển ổn định, tạo thành lực lượng nòng cốt trong hệ sinh thái đào tạo - khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Đại học Quốc gia Thành phố.

Để thực hiện thành công Nghị quyết 57-NQ/TW, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, con người là yếu tố quyết định. Bên cạnh chủ động xây dựng các chương trình ươm mầm tài năng, Đại học Quốc gia Thành phố triển khai một số chương trình thu hút đội ngũ nhà khoa học trẻ, nhà khoa học đầu ngành trở về Việt Nam, thiết lập mạng lưới liên kết với các nhà khoa học toàn cầu cùng nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ. Đây là nền tảng quan trọng để Đại học Quốc gia Thành phố thực hiện những nội dung của Nghị quyết 57-NQ/TW.

Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cho biết, Thành phố đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với các ngành công nghệ trọng điểm như, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, vật liệu mới… Thành phố triển khai chương trình đào tạo đại trà về kỹ năng số, phát triển chương trình “bình dân học vụ số” và tăng cường gắn kết nhà trường - viện nghiên cứu - doanh nghiệp.

 

*Đưa doanh nghiệp vào nhà trường

Hiện, một số cơ sở đào tạo đã hướng đến gắn chặt mô hình “ba nhà” (Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp). Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết 68-NQ/TW sẽ là cơ sở để tạo nên “tam giác chiến lược” trên. Vừa qua, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tiên phong thực hiện với Chương trình “Nghị quyết số 57-NQ/TW: Từ tầm nhìn đến thực thi mô hình hợp tác Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp”.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, để thực hiện hiệu quả mô hình này, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam đề xuất có thể thành lập ban điều phối liên vùng để kết nối các tỉnh, thành phố, tập hợp doanh nghiệp và trường đại học trọng điểm, tránh tình trạng nghiên cứu chồng chéo. “Các bên có thể cùng thiết kế chương trình đào tạo - nghiên cứu - ứng dụng; phát triển các nền tảng mở, phòng thí nghiệm, phòng lab; thí điểm sandbox (thử nghiệm có kiểm soát) với các ý tưởng, giải pháp và cách làm mới về lĩnh vực AI, bán dẫn, tài chính số...”, ông Trai chia sẻ.

Bán dẫn hiện là ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng vai trò then chốt trong phát triển của các ngành công nghiệp công nghệ cao và kinh tế toàn cầu. Hơn 20 năm trước, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai đào tạo về vi mạch trong một số ngành đào tạo. Trước nhu cầu cấp thiết hiện nay, năm học 2024 - 2025, trường chính thức tuyển sinh 2 mã ngành mới là Thiết kế vi mạch (đại học) và Vi mạch bán dẫn (sau đại học) với kỳ vọng góp phần tăng cường lực lượng kỹ sư cho ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn cả nước.

Tiến sĩ Huỳnh Phú Minh Cường, Phó trưởng Khoa Điện - Điện tử (Trường Đại học Bách khoa) chia sẻ, lĩnh vực vi mạch bán dẫn đòi hỏi nhân lực chất lượng cao và chi phí lớn trong quá trình nghiên cứu. Hơn nữa, nghiên cứu về lĩnh vực này mang tính rủi ro cao, có thể không thành công dẫn đến các nhà khoa học ngại thực hiện những dự án lớn. Giới nghiên cứu rất phấn khởi khi Nghị quyết 57-NQ/TW gỡ nhiều nút thắt, từ trao quyền tự chủ cho nhóm nghiên cứu trong sử dụng nguồn kinh phí phù hợp đến chấp nhận tính rủi ro của dự án…

Với vai trò hạt nhân trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua tái cấu trúc chương trình đào tạo tích hợp công nghệ - kinh doanh - quản trị; đào tạo theo đơn đặt hàng; nâng cao kỹ năng số và nghiên cứu phát triển (R&D); xây dựng chương trình liên ngành phục vụ công nghệ lõi như AI, bán dẫn, y sinh, kinh tế số, kinh tế xanh và vật liệu mới.

Xác định hợp tác với các doanh nghiệp là một phần quan trọng triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết với nhiều doanh nghiệp lớn như Becamex IDC, Công ty VNG, Coteccons… để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực vi mạch điện tử - bán dẫn, công nghiệp 4.0; hỗ trợ nghiên cứu và ươm mầm, thương mại hóa sản phẩm; thúc đẩy phát triển bền vững và chuyển đổi số trong ngành Xây dựng…

Tháng 12/2024, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo, tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng. Công trình là điểm kết nối giữa nghiên cứu, doanh nghiệp và cộng đồng, góp phần thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội. Trung tâm gồm các phòng thí nghiệm tiên tiến cùng khu vực dành cho nghiên cứu phát triển R&D của doanh nghiệp lớn, khu trưng bày sản phẩm công nghệ mới và tiện ích phục vụ sinh viên, giảng viên, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Cuối tháng 6 vừa qua, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, trong đó xác định sẽ xây dựng Chiến lược đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề của địa phương, gắn với nhu cầu thực tế của thị trường. Thành phố khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo.

Để thực hiện liên kết “ba nhà”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy yêu cầu, các sở, ngành, đơn vị hình thành và vận hành mô hình “trục tam giác chiến lược” kết nối thông qua các chương trình đặt hàng nghiên cứu ứng dụng theo nhu cầu doanh nghiệp - địa phương; thúc đẩy mô hình spin-off (doanh nghiệp khởi nguồn) từ đại học, trung tâm nghiên cứu thành các doanh nghiệp công nghệ có sức cạnh tranh toàn cầu./.

Bài 2: Xây dựng các trung tâm nghiên cứu tầm cỡ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục