Nếp sống “xanh” của những người vợ lính

16:10' - 22/09/2020
BNEWS Từ mờ sáng, tiếng nói cười đã rộn ràng trên một vườn rau xanh mát giữa thành phố biển Đà Nẵng, những người phụ nữ cùng nhau vun đất, bón phân, tưới rau và tự thu hoạch rau để sử dụng.

Đó là vườn rau được khai hoang từ bãi đất trống, vốn là nơi tập kết xà bần, rác thải. “Công trình xanh” này là của các chị em Chi hội Phụ nữ Chơn Tâm 1A6 (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng).
* Gia đình sống “xanh”
Sau khi cùng các chị em chăm sóc vườn rau chung, chị Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 1984, Hội viên Chi hội Phụ nữ Chơn Tâm 1A6) cắt nắm rau cải và lấy thêm 1 quả cà tím, cho vào chiếc giỏ xách mang về. Vườn rau rộng hơn 400 m2, có rất nhiều loại rau phong phú, từ rau lá, rau củ đến các loại cây ăn quả, được các chị phân công trách nhiệm theo hình thức cùng góp sức, cùng hưởng thành quả.
Đã từ lâu, chị Nhung tự hình thành nếp sống bảo vệ môi trường cho bản thân như: Tiết kiệm điện, nước; tự trồng rau sạch; hạn chế sử dụng túi ni-lông, dùng giỏ nhựa để đi chợ hàng ngày; tuyên truyền hạn chế dùng bao ni-lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; phân loại và vận dụng rác thải hữu cơ để làm phân hữu cơ trồng các loại cây cảnh, rau xanh cho gia đình mình....
Ngoài việc nội trợ, chăm 2 con nhỏ, chị Nhung nhận may vá, sửa chữa quần áo tại nhà để kiếm thêm thu nhập. Khi Hội Phụ nữ phường Hòa Khánh Nam vận động may túi sử dụng nhiều lần bằng các tấm bạt nhựa cũ, chị Nguyễn Thị Nhung không ngần ngại xung phong nhận làm miễn phí. Những chiếc túi đựng đồ, túi đi chợ với nhiều kích cỡ lớn nhỏ đã được chị cắt may từ các tấm bạt, băng rôn khẩu hiệu đã qua sử dụng trong các chương trình hội nghị, hội thảo của phường. Gần 500 chiếc túi chắc chắn, tiện lợi đã được phân chia cho các chị em có nhu cầu sử dụng, góp phần tiết kiệm kinh phí, tái chế rác thải, bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, trong cuộc sống hàng ngày, chị Nguyễn Thị Kim Nhung cũng thường xuyên dạy dỗ, hướng dẫn các con về tác hại của túi ni-lông, đồ nhựa sử dụng 1 lần, vứt rác bừa bãi vô ý thức... Nhờ vậy, hai con của chị đều được hình thành nếp sống “xanh” từ nhỏ. Chị Nhung chia sẻ: “Thực ra việc giảm thiểu rác thải nhựa không quá khó, chỉ cần chúng ta có ý thức trong từng hành động của mình, đừng vì sự tiện lợi nhỏ nhặt mà hủy hoại môi trường. Các bé nhà mình đã biết phân loại rác vô cơ và hữu cơ, giảm thiểu rác thải nhựa, nhiều khi thấy mẹ quên thì các con còn nhắc lại mẹ. Còn chồng mình thì cũng rất ủng hộ và luôn động viên vợ bảo vệ môi trường, tham gia các công tác xã hội cùng Chi hội Phụ nữ.”
Nhờ sự “đồng tâm hiệp lực” đó nên gia đình chị Nhung đã cùng đi thi và đạt giải ba tại Hội thi Gia đình với bảo vệ môi trường thành phố Đà Nẵng năm 2018. Năm 2020, chị là hội viên phụ nữ trẻ nhất được Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng giới thiệu là điển hình tham gia Đại hội thi đua yêu nước Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lần thứ IV. Đó là niềm động viên, cũng là động lực để chị Nhung tiếp tục duy trì và phát triển nếp sống “xanh” trong gia đình nhỏ của mình.
* “Xóm vợ lính” cùng nhau bảo vệ môi trường

Nơi chị Nguyễn Thị Nhung đang sinh hoạt - Chi hội Phụ nữ Chơn Tâm 1A6 là chi hội đặc biệt nhất của phường Hòa Khánh Nam, khi gần hết 110 chị em đều có chồng là quân nhân trong đơn vị thuộc Tổng cục Hậu cần đóng trên địa bàn. Cũng vì vậy, các chị em ở đây thường gọi đùa là chi hội “xóm vợ lính”, nếu các anh là những đồng đội trong đơn vị, thì các chị cũng là những “đồng đội” luôn giúp đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày.

Bà Trần Thị Ân – Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ Chơn Tâm 1A6 cho biết: “Nhiều chị em chuyển tới Đà Nẵng theo chồng nên chưa có việc làm, chúng tôi đã thành lập hợp tác xã may gia công để tạo việc làm cho các hội viên. Khoảng 40 hội viên đã tham gia, tự dạy nghề, kiếm công việc và liên kết san sẻ cho nhau để tự may ở nhà. Trong 2 đợt dịch COVID-19 vừa rồi, đơn đặt hàng ít nhưng chúng tôi không nghỉ, vẫn may hàng ngàn chiếc khẩu trang vải để phát miễn phí cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.”
Ngoài giúp nhau về việc làm, các chị em “xóm vợ lính” còn rất chú trọng về công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống “xanh” trong từng gia đình và cả tập thể. Sáng nào cũng vậy, các chị em dậy sớm, cùng quét dọn trước cửa mỗi nhà, tập thể dục và chăm sóc vườn rau tập thể rồi mới về đi chợ, nấu ăn cho chồng con.
Ngoài ra, Chi hội Chơn Tâm 1A6 cũng vận động chị em thực hiện việc thu gom phế liệu, phân loại rác thải và bán gây quỹ được hơn 30 triệu đồng. Nhờ đó, Chi hội đã tặng 160 suất quà, học bổng cho phụ nữ và trẻ em nghèo với tổng kinh phí hơn 22 triệu đồng; hỗ trợ hội viên khó khăn số tiền 4 triệu đồng; tặng giỏ nhựa đi chợ với kinh phí gần 3 triệu đồng, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội tại địa phương.
Bà Trần Thị Ân còn nhớ mãi kỷ niệm tại cuộc thi “Bảo vệ môi trường – Trình diễn thời trang tái chế 2019” của Hội Phụ nữ Thành phố Đà Nẵng. Chi hội Chơn Tâm 1A6 được chọn làm đại diện cho Hội Phụ nữ quận Liên Chiểu để dự thi.
“Chị em chúng tôi đã mất hàng chục ngày để cùng nhau lên ý tưởng, thiết kế và cắt may 10 bộ đồ thời trang từ các vật liệu tái chế, rác thải như túi ni-lông, phông bạt, giấy báo... Điều khó nhất là những vật liệu này rất khó để may, nhưng nhờ tay nghề cao của các chị em trong hợp tác xã may gia công nên các bộ đồ thời trang từ rác thải đã ra đời. Sau khi được chính các chị em trong chi hội biểu diễn, bộ sưu tập được Ban giám khảo cuộc thi và khán giả rất thích thú, đánh giá cao.” – Bà Trần Thị Ân nhớ lại.
Điều làm bà Ân mừng nhất là sau cuộc thi, ý thức về bảo vệ môi trường và gìn giữ lối sống “xanh” của chị em đã được nâng lên rõ rệt: 80% chị em thường xuyên đi chợ bằng giỏ xách, hạn chế túi ni-lông, sử dụng đồ nhựa dùng nhiều lần, tự trồng rau trong thùng xốp, giữ gìn ý thức vệ sinh chung các khu công cộng...
Theo bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Chánh văn phòng Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng: Chi hội Chơn Tâm 1A6 là một trong những chi hội có nhiều ý tưởng nổi bật, hiệu quả trong xây dựng nếp sống “xanh”. Để triển khai hiệu quả đến từng chi hội, trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng đã thường xuyên tổ chức các buổi truyền thông; vận động chị em tham gia dọn vệ sinh môi trường, duy trì tốt các mô hình bảo vệ môi trường: “Sống xanh”,“Trồng hoa và cây xanh vì thành phố Đà Nẵng bền vững về môi trường”; củng cố, duy trì 717 câu lạc bộ, nhóm "Sống xanh" với 8.000 thành viên tham gia.
Bà Lê Thị Mỹ Hạnh chia sẻ: “Mỗi qu‎ý, mỗi Chi hội phát hiện, giới thiệu 1 điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào thi đua, cuộc vận động để tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng. Sau đó, chúng tôi phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí hoặc qua các kênh mạng xã hội... để tuyên truyền kịp thời các cá nhân xuất sắc, cách làm tiêu biểu và giới thiệu cho các cấp Hội xem xét khen thưởng, động viên. Nhờ vậy mà các phong trào thi đua không nặng về hình thức mà rất thực tế, luôn được đẩy mạnh, lan rộng đến từng người phụ nữ trong từng hộ dân.”
Tính thiết thực trong phong trào của Chi hội Phụ nữ Chơn Tâm 1A6 thể hiện qua từng mớ rau, loại quả tự chăm sóc và thu hoạch mỗi sáng, trên khu vườn chung rộng hàng trăm m2 cải tạo từ khu đất hoang giữa khu dân cư. Tình làng, nghĩa xóm, ý thức sống “xanh” đã hình thành và lan tỏa trong mỗi cá nhân, mỗi gia đình các chị em “xóm vợ lính” từ những điều rất nhỏ trong cuộc sống./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục