Nét mới khi đi du lịch cố đô Kyoto

08:26' - 21/02/2018
BNEWS Giữa bối cảnh lượng khách du lịch nước ngoài tới cố đô Kyoto của Nhật Bản ngày càng gia tăng, việc các chuyến xe bus trở nên đông đúc và bị chậm đang trở thành nỗi “đau đầu” của người dân địa phương.

Điều này khiến các nhà chức trách liên quan phải thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo việc vận chuyển hành khách trên các phương tiện công cộng diễn ra êm ả và khuyến khích sử dụng các tuyến tàu điện ngầm.

Tại Kyoto, trong suốt hơn 40 năm qua, hành khách thường phải lên xe buýt bằng cửa sau và thanh toán tiền vé khi xuống cửa trước. Nhưng với thành phố hiện thu hút khoảng 55 triệu lượt du khách mỗi năm như Kyoto, các dịch vụ xe buýt nội thành, thường có các tuyến đường qua những điểm tham quan phổ biến, ngày càng trở nên đông đúc, thậm chí một số du khách còn mang theo túi hành lý đồ sộ. Do một số du khách nước ngoài thường gặp khó khăn trong việc trả tiền vé bằng tiền xu, nên các chuyến xe bus cũng khó chạy đúng giờ theo lịch trình.

Trước những lời phàn nàn của người dân địa phương về việc các dịch vụ xe buýt bị chậm trễ, Cơ quan Giao thông của thành phố Kyoto đã tiến hành một cuộc thử nghiệm thực tế vào cuối năm ngoái để chuyển đổi vị trí cửa lên xe và cửa xuống xe, và yêu cầu hành khách trả tiền vé ngay khi lên xe. Kết quả cuộc thử nghiệm cho thấy sự thay đổi này đã giúp thời gian ghé vào mỗi điểm dừng trung bình giảm 11,5 giây.

Phần phía trước của xe bus thường tập trung đông đúc hơn vì hành khách có xu hướng chọn chỗ đó để dễ dàng xuống bằng cửa trước. Tuy nhiên, cuộc thử nghiệm trên cho thấy việc chuyển cửa xuống xe ra phía sau đã góp phần làm giảm bớt sự ùn tắc.

Ngoài ra, để khuyến khích hành khách sử dụng các tuyến tàu điện ngầm địa phương, Cơ quan Giao thông Kyoto cũng đã quyết định nâng giá vé một ngày cho xe buýt nội đô từ mức hiện tại là 500 yen (4,7 USD) lên 600 yen từ ngày 17/3, trong khi lại giảm 300 yen cho mỗi vé ngày sử dụng kết hợp cả xe bus nội đô và hệ thống tàu điện ngầm, xuống còn 900 yen.

Với lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản ước đạt kỷ lục 28,69 triệu lượt vào năm 2017, đánh dấu năm tăng thứ sáu liên tiếp, Kyoto không phải là nơi duy nhất gặp khó khăn trong việc cân bằng mật độ sử dụng phương tiện giao thông công cộng giữa khách du lịch và người dân địa phương.

Osaka và Fukuoka đang đối mặt với tình trạng tắc nghẽn giao thông do lượng xe du lịch đỗ dọc đường gia tăng đáng kể. Tại đảo Miyako thuộc tỉnh Okinawa, việc thiếu taxi đã trở thành nan giải do lượng khách du lịch đến hòn đảo phía Nam Nhật Bản này bằng tàu du lịch tăng nhanh.

Một quan chức của Cơ quan Du lịch Nhật Bản cho biết, chưa kể tới việc nhiều người nước ngoài đến Nhật Bản với các tour du lịch cá nhân, chứ không phải tham quan theo nhóm, bởi vậy hệ thống giao thông công cộng ở các thành phố khác của nước này cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự bùng nổ hiện nay của ngành du lịch.

>>> Lựa chọn mới về quà tặng Lễ Tình nhân ở Nhật Bản

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục