Netflix và các đối thủ khởi động cuộc chiến pháp lý tại “xứ sở lá phong”

10:52' - 05/07/2024
BNEWS Hiệp hội Điện ảnh Canada (MPA) ngày 4/7 cho biết, các nền tảng phát trực tuyến như Netflix, Disney và Paramount đã khởi động cuộc chiến pháp lý tại Canada

Hiệp hội Điện ảnh Canada (MPA) ngày 4/7 cho biết, các nền tảng phát trực tuyến như Netflix, Disney và Paramount đã khởi động cuộc chiến pháp lý tại Canada, sau khi nước này yêu cầu họ đóng góp vào quỹ hỗ trợ truyền thông trong nước.

 

Theo MPA, các nền tảng trên đã đệ đơn lên tòa án liên bang và kiến nghị tòa xem xét việc Ủy ban Phát thanh - Truyền hình và Viễn thông Canada (CRTC) yêu cầu các nhà phát sóng trực tuyến nước ngoài đóng 5% doanh thu tại Canada hàng năm vào một quỹ để sản xuất tin tức truyền hình và bản tin phát thanh địa phương, nội dung bản địa, nội dung tiếng Pháp và nội dung có nền tảng đa dạng.

Các nền tảng phát nhạc trực tuyến như Apple và Amazon cũng đưa ra động thái pháp lý tương tự trong tuần này. Các doanh nghiệp nước ngoài trên đang tìm cách ngăn chặn quyết định của CRTC hồi tháng trước.

Mức đóng góp của các nền tảng dự kiến giúp đầu tư khoảng 200 triệu CAD (146,23 triệu USD) vào hệ thống phát thanh truyền hình của Canada hàng năm bắt đầu từ tháng Chín tới.

Đạo luật Phát Trực tuyến, được thông qua vào năm 2023, đã tạo khuôn khổ pháp lý để CRTC quản lý các nền tảng kỹ thuật số. Đây là một phần trong một loạt các biện pháp gần đây được Canada đưa ra nhằm quản lý tốt hơn các “gã khổng lồ” trong lĩnh vực phát trực tuyến.

Động thái của CRTC nhằm cân bằng sân chơi pháp lý giữa các công ty công nghệ và các công ty truyền hình cáp khi họ cạnh tranh về lượt xem và đôi khi phát sóng cùng một nội dung như các sự kiện thể thao hoặc chương trình trực tiếp.

Bà Wendy Noss, Chủ tịch MPA, cho biết quyết định của CRTC là "phân biệt đối xử” và mâu thuẫn với mục tiêu xây dựng một khuôn khổ hiện đại, linh hoạt đối với các dịch vụ mà các nền tảng phát trực tuyến cung cấp.

Bà Noss nhấn mạnh các hãng phim và dịch vụ phát trực tuyến toàn cầu đã chi hơn 6,7 tỷ CAD (4,9 tỷ USD) hàng năm cho việc sản xuất tại Canada.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Di sản Canada Pascale St-Onge, các công ty phát sóng trực tuyến sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ yêu cầu của CRTC. Đây là số tiền sẽ được đầu tư trở lại vào hoạt động sáng tạo của Canada, theo đó, các sản phẩm âm nhạc hay phim truyền hình dài tập có thể sẽ quay trở lại nền tảng phát trực tuyến.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục