Nga: Bài toán khó cho ngân sách 2021 do những rủi ro từ dầu mỏ

06:00' - 09/11/2020
BNEWS Tính toán ngân sách 2021 của Nga dựa trên kỳ vọng sản lượng khai thác tăng trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu phục hồi nhanh chóng, tuy nhiên, những kỳ vọng này dường như khó trở thành hiện thực.

Theo Báo Độc lập của Nga, kế hoạch tài chính của Chính phủ Nga năm 2021 đang biến thành một văn kiện không thực tế. Các tính toán ngân sách dựa trên kỳ vọng sản lượng khai thác và lượng dầu xuất khẩu năm 2021 tăng trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, những kỳ vọng này dường như không trở thành hiện thực.

Việc nới lỏng hạn ngạch khai thác dầu kể từ đầu năm 2021 thậm chí không được Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) thảo luận. Saudi Arabia đang hướng tới việc cắt giảm thêm sản lượng năm 2021. Và Moskva chỉ có thể theo đường lối này.

Theo số liệu thống kê mới nhất, nguồn thu ngoại hối của Nga năm 2020 thấp hơn gần 40% so với năm 2019. Tuy nhiên, Chính phủ Nga gần đây đã hy vọng rằng tình hình sẽ được cải thiện trong năm 2021 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu sẽ nhanh chóng hồi phục. Trong dự báo cơ bản, giới chức Nga đặt cược vào giá dầu tăng, tăng sản lượng khai thác dầu và khí ngưng tụ, cũng như gia tăng xuất khẩu dầu của Nga.

Tuy nhiên, các sự kiện gần đây cho thấy những dự báo như vậy có thể chỉ là những mong ước tốt đẹp. Tuần trước, thị trường đã chứng kiến giá dầu giảm mạnh, và đà giảm chỉ có thể ngừng một khi các nhà xuất khẩu chính sẵn sàng cắt giảm thêm nguồn cung dầu trên thị trường thế giới.

Giá dầu chuyển từ giảm sang tăng do kỳ vọng rằng OPEC và các nhà sản xuất ngoài khối do Nga dẫn đầu (còn gọi là nhóm OPEC+) sẽ gia hạn các hạn chế khai thác hiện nay và thậm chí có thể quyết định cắt giảm thêm sản lượng khai thác.

Theo Dow Jones, Saudi Arabia và các nước OPEC khác đang xem xét không chỉ gia hạn các hạn chế khai thác hiện nay mà còn cắt giảm sản lượng do lo ngại cầu giảm trong bối cảnh làn sóng đại dịch COVID-19 thứ hai và các biện pháp cách ly ở châu Âu.

Nhật báo Phố Wall (WSJ) xác nhận Saudi Arabia và các nước OPEC khác đang thảo luận khả năng cắt giảm sản lượng dầu đáng kể hơn do số ca nhiễm COVID-19 gia tăng và việc áp dụng các hạn chế xã hội mới ở châu Âu. Trước đó, Nga đã chấp nhận từ bỏ kế hoạch tăng tổng sản lượng khai thác dầu lên 1,9 triệu thùng/ngày kể từ đầu năm 2021. Giờ đây khó có thể nói về việc duy trì mức sản xuất hiện tại mà còn phải cắt giảm tiếp sản lượng.

Bộ trưởng Năng lượng Algeria Abdelmajid Attar ngày 3/11 cho biết, ông không loại trừ khả năng giá dầu giảm mạnh do làn sóng COVID-19 thứ hai trên thế giới. Theo ông Attar, "cuộc họp tiếp theo của ủy ban giám sát liên bộ OPEC+, dự kiến diễn ra ngày 17/11, cần đưa ra các quyết định có thể kích thích thị trường và ngăn giá giảm xuống dưới 40 USD/thùng".

Những diễn biến phức tạp liên quan đến đại dịch COVID-19 có thể làm thay đổi các dự báo kinh tế giai đoạn 2021-2022.

Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) Patrick Kirby nhận định: "Sẽ có sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, song sẽ rất chậm. Chúng tôi cho rằng trong một vài năm nữa, chúng ta vẫn ở dưới mức của năm 2019 và gần như sẽ không bao giờ đạt được tốc độ tăng trưởng như trước đây". Theo ông, tình hình hiện nay ở nhiều nước, dù có kết quả khả quan trong quý III/2020, nhưng xét về nhiều khía cạnh, có thể so sánh với hậu quả "nặng nề nhất" của cuộc khủng hoảng 2008-2009.

Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố Nga sẽ tăng cường xuất khẩu khí đốt sang châu Á, cụ thể là Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, vì khu vực này đang phát triển nhanh chóng và có tiềm năng lớn. 

Tại Diễn đàn Đầu tư vốn VTB lần thứ 12 với chủ đề "Russia Calling" (Nước Nga mời gọi) diễn ra ngày 29/10, Tổng thống Putin nhấn mạnh: "Chúng ta cũng sẽ mở rộng xuất khẩu sang châu Á. Thị trường này có tiềm năng rất lớn, đến Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước khác đang phát triển và có tiềm năng lớn".

Nga bắt đầu xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc thông qua đường ống dẫn khí đốt "Power of Siberia" (Sức mạnh Siberia) vào cuối năm 2019. Theo tập đoàn Gazprom của Nga, tuyến đường ống này sẽ cho phép Nga xuất khẩu tới 38 tỷ m3 khí đốt sang Trung Quốc mỗi năm. Mặc dù vậy, các nước châu Âu vẫn là nhà nhập khẩu khí đốt chính của Nga, với 198 tỷ m3 khí đốt trong năm ngoái.

Cũng trong ngày 29/10, Giám đốc điều hành Công ty dầu khí Naftogaz của Ukraine, ông Andriy Kobolyev cho biết, Tập đoàn Gazprom mùa Hè vừa qua đã đặt vấn đề với Naftogaz về việc tăng công suất vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu qua Ukraine. Theo ông Kobolyev, Gazprom đã đặt hàng với Ukraine về công suất vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu trong năm nay là 65 tỷ m3 khí đốt, nhưng hiện chưa rõ Nga muốn tăng công suất lên bao nhiêu. 

Dự án "Nord Stream 2" (Dòng chảy phương Bắc 2) dẫn khí đốt trực tiếp xuyên biển từ Nga sang Đức và Tây Âu mà không qua Ukraine đã bị đình trệ từ cuối năm ngoái do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ông Kobolyev cho biết, nếu dự án này không được hoàn thành, Nga có thể sẽ phải tăng công suất vận chuyển khí đốt qua Ukraine vào năm tới. Hiện Gazprom chưa đưa ra bình luận gì về vấn đề trên.

Chính quyền Mỹ cho rằng dự án "Nord Stream 2" sẽ làm tăng ảnh hưởng của Nga tại châu Âu, trong khi Đức và các quốc gia khác khẳng định đây là dự án thương mại. Hiện các nhà lập pháp Mỹ đang tìm kiếm các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào dự án "Nord Stream 2"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục