Nga đối mặt với nhiều thách thức kinh tế

09:54' - 28/04/2022
BNEWS Bộ Kinh tế Liên bang Nga ngày 27/4 cho hay chỉ số lạm phát tính theo năm của nước này đã tăng nhanh, lên mức 17,7%. Một tuần trước đó, vào ngày 22/4, chỉ số này là 17,62%.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Rosstat, trong tuần từ 16/4-22/4, giá một số mặt hàng thực phẩm đã tăng đáng kể, trong đó tăng nhiều nhất là bơ thực vật 2,8%, trà đen 1,8%, muối 1,8%, bánh quy 1,5%, sữa 1,4%, gạo 1,4%. Nhóm hàng phi thực phẩm có xà phòng tăng 2,4%, bột giặt tăng 2,1% và thức ăn khô cho vật nuôi tăng 1,7%.

 

Trong khi đó, các mặt hàng rau quả giảm giá trung bình khoảng 0,4%. Ngoài ra, điện thoại thông minh giảm 2,7%, TV giảm 2,1%, máy hút bụi giảm 2,0%.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Liên bang Nga Anton Siluanov cho hay theo ước tính sơ bộ, thâm hụt ngân sách của Nga năm 2022 sẽ lên tới 1.600 tỷ ruble, tương đương hơn 20 tỷ USD.

Theo ông Siluanov, chỉ số thâm hụt ngân sách cuối cùng “sẽ phụ thuộc vào phản ứng chống khủng hoảng của Chính phủ” và các biện pháp hỗ trợ dành cho nền kinh tế Nga.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm hụt này xuất phát từ quyết định hoãn thuế. Trước đó, hồi đầu tháng Tư, Thủ tướng Mikhail Mishustin dự báo thặng dư ngân sách năm 2022 của Liên bang Nga sẽ bằng “0”.

Bộ trưởng Tài chính Siluanov cho hay cơ quan này đang nghiên cứu các đề xuất về quy định ngân sách mới. Ông Siluanov nói: “Chúng tôi nghiên cứu xây dựng ngân sách trên cơ sở các nguyên tắc dễ hiểu đối với tất cả mọi người. Trong tình hình hiện tại, các quy tắc cũ tất nhiên sẽ không thể thực hiện đươc, vì vậy Bộ Tài chính có đề xuất về các quy tắc ngân sách mới”.

Bộ trưởng Siluanov khẳng định ngân sách giai đoạn 2023-2025 sẽ được hình thành theo quy tắc ngân sách mới. Theo đó, Quỹ Phúc lợi Quốc gia (NWF) của Nga sẽ bắt đầu được bổ sung bằng đồng ruble kể từ năm 2023.

Ngoài ra, Bộ trưởng Siluanov thông báo thời gian tới, Nga sẽ tìm kiếm nhiều đối tác khác muốn mua năng lượng của nước này. Ông Siluanov nói: “Chúng tôi hiểu rằng các nước phương Tây sẽ từ chối, chúng tôi sẽ tìm kiếm các nguồn tiêu thụ năng lượng khác. Nếu ở một nơi họ từ chối, chúng tôi sẽ bán ở những nơi khác”.

Ông Siluanov không loại trừ khả năng sản lượng khai thác dầu ở Nga năm 2022 sẽ suy giảm 17%. Dự đoán về việc giảm sản lượng nói trên đã được tính đến trên cơ sở tỷ giá hối đoái, khối lượng sản xuất và giá năng lượng trong tình hình hiện tại.

Trong khi đó, tờ Bloomberg đưa tin có ít nhất 10 doanh nghiệp châu Âu mua khí đốt tự nhiên của Nga đã mở tài khoản ở ngân hàng Gazprombank để thanh toán bằng đồng ruble.

Theo một nguồn tin cơ quan thân cận với tập đoàn khí đốt Nga Gazprom, 4 công ty đã thanh toán tiền mua khí đốt Nga bằng đồng ruble của nước này.

Trước đó, ngày 27/4, Gazprom thông báo ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt cho các công ty Bulgargaz (Bulgaria) và PGNIG (Ba Lan) do không thanh toán bằng đồng ruble./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục