Nga, Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận kế hoạch mở hành lang xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine

17:15' - 31/05/2022
BNEWS Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ thăm Ankara vào tuần tới và thảo luận việc mở một hành lang an ninh ở Biển Đen để phục vụ hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine.

Ngày 31/5, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu thông báo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ thăm Ankara vào tuần tới và thảo luận việc mở một hành lang an ninh ở Biển Đen để phục vụ hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine.

 

Phát biểu với báo giới, ông Cavusoglu nêu rõ: "Ngoại trưởng Lavrov sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 8/6 tới để thảo luận việc mở một hành lang an ninh ở Biển Đen, trong đó có vấn đề vận chuyển ngũ cốc ở khu vực này.

Ngoại trưởng Cavusoglu khẳng định đây là vấn đề quan trọng nhất, và cho biết Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch thành lập một trung tâm ở thành phố Istanbul để giám sát hành lang biển. Ông Lavrov sẽ được một phái đoàn quân sự tháp tùng trong chuyến thăm sắp tới.

Thông báo trên được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, trong đó ông Putin tuyên bố Moskva sẵn sàng tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, bao gồm ngũ cốc từ các cảng của Ukraine.

Hồi tháng 3 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo sẽ không cho bất kỳ tàu chiến nào đi qua 2 eo biển chiến lược Bosphorus và Dardanelles của mình.

Theo Công ước Montreux năm 1936, Thổ Nhĩ Kỳ được quyền kiểm soát 2 eo biển Bosphorus và Dardanelles, đồng thời có thể hạn chế tàu chiến qua lại trong thời chiến hoặc nếu bị đe dọa. Hiện tại, Ankara đã cấm cả tàu quân sự Nga và Ukraine đi qua các eo biển này để vào Biển Đen.

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt chống Nga, nguồn cung lúa mì và nhiều mặt hàng khác xuất khẩu từ hai nước này đã bị gián đoạn. Hàng chục tàu container cùng với lúa mì, dầu hướng dương và nhiều loại thực phẩm khác cũng như phân bón mắc kẹt tại nhiều cảng của Ukraine.

Trước tình hình này, giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ thực phẩm thiếu hụt và nạn đói xảy ra trên khắp thế giới. Trước khi xung đột nổ ra, Nga và Ukraine cung cấp tổng cộng 30% lượng lúa mì trên toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục