Ngày xuân và câu chuyện gieo mầm văn hóa đọc

15:08' - 13/02/2021
BNEWS Việc gieo mầm văn hóa đọc bắt đầu từ những ngày Xuân, năm mới chắc chắn sẽ là một việc làm mang nhiều ý nghĩa đẹp, góp phần lan tỏa, phát triển văn hóa đọc.

Đường sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 dù không tấp nập, đông vui như dịp Tết Canh Tý 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 song vẫn có khá nhiều người tìm đến tham quan và chọn mua những ấn phẩm sách, báo để đọc hoặc làm quà tặng cho người thân, bạn bè nhân dịp xuân mới.

Chị Nguyễn Xuân Phương ở quận Gò Vấp (Thành phố Hồ Chí Minh) trên tay cầm hai cuốn sách vừa mua có tựa đề “Tết Việt Nam xưa”(Nhà Xuất bản Thế giới) và “Ly và Chũn- Tết là nhất, nhất là Tết”(Nhà Xuất bản Hội Nhà văn), đứng bên sạp mua báo xuân gây quỹ từ thiện ngay tại Đường sách, chia sẻ: Tết năm ngoái chị đã đưa con gái ra Đường sách tham quan, chụp hình kỷ niệm và cùng con chọn mua những cuốn sách hay và cả một số tờ báo Xuân về biếu cha mẹ. Dịp Tết Tân Sửu năm nay, phòng, chống dịch bệnh, hạn chế đông người, chị quyết định một mình đến Đường sách và chọn mua, làm quà tặng đầu xuân cho con gái và cả cha mẹ của mình bằng một số cuốn sách và những tờ báo Xuân đặc sắc.

Theo chị Xuân Phương, con gái của chị đang học tiểu học, ở lứa tuổi này, các con có rất nhiều phương tiện hiện đại để giải trí.

Nếu phụ huynh và các thầy cô ở trường không có những định hướng, hướng dẫn các con chọn và đọc những cuốn sách phù hợp lứa tuổi, lĩnh vực mà các con yêu thích tìm hiểu, trẻ rất dễ bị sa đà vào những chiếc ipad, điện thoại thông minh với vô vàn thông tin rộng lớn, nhưng lại có những điều chưa phù hợp với các con mà cha mẹ rất khó có thể kiểm soát. Vì vậy, hướng con trẻ đến với sách, có thói quen và niềm yêu thích với trang sách, tờ báo phù hợp là việc rất nên làm, không chỉ trong những dịp nghỉ Tết, nghỉ hè.

Quan tâm đến việc phát triển văn hóa đọc, tạo thói quen đọc sách cho trẻ thơ ngay từ nét đẹp văn hóa mừng tuổi (lì xì) cho trẻ dịp Tết bằng chính những cuốn sách hay, nhà văn Hoài  Hương - Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh có những chia sẻ tâm huyết: Dịp Tết Canh Tý năm ngoái, chị đã mạnh dạn mang bộ sách viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh và sách thiếu nhi có chủ đề liên quan đến kỹ năng mềm để làm quà mừng tuổi cho hai cháu bé là con của một người bạn ở Thủ đô Hà Nội.

Sau đó, chị rất xúc động khi được người bạn gửi tấm hình lúc các con say sưa “ôm” sách đọc, quên cả chơi game.

Tết năm nay chị cũng chủ trương gửi món quà mừng tuổi là những cuốn sách cho các con, cháu trong thân tộc, chị đã đi mua sách, tự tay gói thành từng phần quà xinh xinh để tặng vào dịp Tết.

Theo nhà văn Hoài Hương, việc mừng tuổi cho trẻ bằng những cuốn sách bổ ích chính là góp phần khuyến khích trẻ ham đọc, ham học, hiểu những tri thức, kích thích sự say mê khám phá thế giới qua những trang sách. Đây chính là một trong những kênh giáo dục nhân cách trẻ rất hữu hiệu.

Bên cạnh đó, dịp Tết cổ truyền chúng ta có những thú chơi như hoa - cá cảnh - đồ cổ- tranh vẽ - chữ thư pháp, thêm thú “chơi” tao nhã là đọc sách sẽ mang lại cho mỗi người thêm niềm vui, ý nghĩa như sự khởi đầu năm mới thu nạp thêm tri thức nhân loại, hiểu biết thêm về những vẻ đẹp của nhân gian.

Còn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - tác giả của những cuốn truyện được nhiều bạn đọc, nhất là bạn đọc lứa tuổi thanh thiếu nhi yêu thích cho rằng, đến với mỗi cuốn sách, đắm mình vào những trang sách hay chính là trẻ đã bước vào một “cuộc phiêu lưu kỳ thú” của tâm hồn và một khi đã say mê một cuốn sách, những điều hay lẽ phải chứa đựng kín đáo trong những trang văn sẽ ngấm vào tâm hồn trẻ bằng cách vô hình nhất nhưng cũng vững chắc nhất.

Từ thực tế tổ chức tiết đọc sách cho học sinh tại trường học, với góc độ của nhà giáo, cô Trần Thụy Ngọc Trân - giáo viên trường Trung học cơ sở Nguyễn Hiền (quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) nêu quan điểm: “Thực sự, đọc sách không chỉ phát huy tác dụng tích cực đến đời sống tâm hồn mà còn góp phần không nhỏ trong sự phát triển tư duy, ngôn ngữ ở trẻ. Những tác dụng này, những hình thức giải trí hiện đại không thể nào có được hoặc thay thế được. Đó là bằng chứng thực tế về vai trò và tác dụng giáo dục lớn lao của sách trong đời sống học đường”.

Việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ, phát triển văn hóa đọc muốn đạt hiệu quả cao không thể chỉ dừng lại ở những đợt phát động cao điểm hay rầm rộ theo phong trào trong một thời gian ngắn, song việc gieo mầm văn hóa đọc bắt đầu từ những ngày Xuân, năm mới chắc chắn sẽ là một việc làm mang nhiều ý nghĩa đẹp, góp phần lan tỏa, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng./.

Tin liên quan

  • Làng gốm cổ Phù Lãng vào xuân Đời sống

    Làng gốm cổ Phù Lãng vào xuân

    06:40' - 28/01/2021

    Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, những ngày này, tại làng gốm Phù Lãng, xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh luôn tấp nập khách đến chọn và mua gốm.

  • Đem sắc xuân đến đồng bào vùng biên Kinh tế & Xã hội

    Đem sắc xuân đến đồng bào vùng biên

    17:03' - 24/01/2021

    Chương trình diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực như: Giao lưu, thi đấu bóng chuyền nữ; thi gói bánh chưng; thi kéo co, đẩy gậy, ném còn; khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí...


Tin cùng chuyên mục