Ngăn chặn hàng nhập lậu, kém chất lượng trong dịp Tết Trung thu

14:16' - 20/09/2021
BNEWS Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở để nhập lậu một khối lượng lớn bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất không rõ nguồn gốc xuất xứ, ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng.

Một tuần trở lại đây khi thời điểm Tết Trung thu càng đến gần thì những vi phạm về nhập lậu, hàng hoá không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng cũng liên tiếp bị lực lượng chức năng kiểm tra và bắt giữ. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều địa phương phải áp dụng biện pháp giãn cách cũng là thời điểm để các đối tượng lợi dụng để tuồn hàng nhập lậu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào tiêu thụ tại thị trường nội địa.

*Hàng lậu trôi nổi

Nắm bắt nhu cầu lớn của người tiêu dùng trong dịp Tết Trung thu, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi không ít đối tượng đã lợi dụng những kẽ hở của thị trường để nhập lậu một khối lượng lớn bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất không rõ nguồn gốc xuất xứ, ảnh hưởng tới sức khoẻ của người tiêu dùng.

Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thị trường, trong những ngày qua lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã đồng loạt triển khai kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là các mặt hàng phục vụ mùa Trung thu như các loại bánh nướng, bánh dẻo, bánh trung thu do nước ngoài sản xuất, đồ chơi…

Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), chỉ trong 3 ngày từ 14/9 - 16/9/2021, Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An đã xử lý 15 vụ, thu phạt trên 90 triệu đồng gồm 480 đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực như súng nhựa, kiếm nhựa; 51 đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ; 1.450 bánh trung thu không có nguồn gốc xuất xứ; 85 bánh ngọt quá hạn sử dụng và 15 gói bột nguyên liệu làm bánh quá hạn.

Cũng trong chiến dịch kiểm tra kiểm soát thị trường dịp Tết Trung thu, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh đã tạm giữ, buộc tiêu hủy hơn 2.000 chiếc bánh trung thu các loại, 40kg hạt hạnh nhân làm bánh và 320 món đồ chơi trẻ em.

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Thái Nguyên) tiến hành kiểm tra một số cơ sở kinh doanh bánh kẹo thực phẩm trên địa bàn và phát hiện tại 2 cơ sở kinh doanh là cửa hàng Thanh Trà 2, địa chỉ tổ 2, phường Gia Sàng và cửa hàng Lê Thảo, địa chỉ tổ 6, phường Gia Sàng bày bán nhiều mặt hàng thực phẩm có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Sau quá trình làm việc, các chủ cơ sở kinh doanh khai nhận số hàng hóa trên được mua trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời.

Ngoài ra, nắm bắt xu thế mới của người tiêu dùng trong bối cảnh dịch COVID-19, một số đối tượng đã chuyển sang bán hàng online nhằm thu hút người mua với hình ảnh bắt mắt, giá rẻ hơn nhiều so với bánh Trung thu truyền thống được bán tại thị trường trong nước.

Cũng chính bởi tâm lý ham rẻ và cả tin nên nhiều người không những tiền mất mà tật lại mang. Bánh mua về cái thì cứng, cái thì mốc mà phản hồi lại chủ tài khoản trên mạng thì không có hồi âm.

Mới đây nhất, qua sàng lọc, theo dõi, tìm kho chứa của trang Facebook có tên https://www.facebook.com/khobuongiasigialai, tại Gia Lai, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường Gia Lai đã tiến hành khám kho chứa hàng của ông Nguyễn Xuyến Thắng Thiện ở tại địa chỉ số nhà 2/1 đường Đinh Công Tráng, phường Thống Nhất, thành phố Pleiku phát hiện 110 thùng sản phẩm thực phẩm bánh trung thu với số lượng 6.000 chiếc trên nhãn ghi chữ nước ngoài.

Chủ lô hàng không cung cấp được hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Toàn bộ số bánh đang chuẩn bị đóng gói để chuyển đến các khách hàng đã chốt đơn trên trang Facebook trước đó.

Qua làm việc, chủ lô hàng thừa nhận nhập số bánh trôi nổi trên thị trường để chứa tại kho và sử dụng mạng xã hội để bán kiếm lời.

Cũng tại tỉnh này, tại thôn La Lâm, xã La Krêl, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, Đội Quản lý thị trường số 3 đã phát hiện và tiến hành khám đột xuất phương tiện vận tải xe “luồng xanh” do ông Vũ Châu Quốc Hoàn điều khiển. Ông Hoàn có địa chỉ thường trú tại phường Yên Đỗ, Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Tại đây, Đoàn kiểm tra đã phát hiện gần 60 thùng hàng hóa với tổng cộng trên 3.000 cái bánh trung thu các nhãn hiệu như: GANCHI TANGYUAN, AIDEBAO, JZYUKANG. Toàn bộ số hàng hóa có ghi nhãn tiếng nước ngoài nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.

Chủ sở hữu lô hàng đã thừa nhận nhập số bánh trôi nổi trên thị trường vận chuyển từ TP. Pleiku qua Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ để xuất qua nước Campuchia bán kiếm lời.

Trong khi đó, tại Hà Nội, vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 24 đã phối hợp với lực lượng Công an tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ số 1, ngõ 72, đường La Phù, Hoài Đức (Hà Nội) do ông Nguyễn Quang Thạch là chủ.

Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ 11.130 chiếc bánh trung thu, do nước ngoài sản xuất, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

*Tăng cường hậu kiểm

Để góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Công văn số 1799/TCQLTT-CNV về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Trung thu năm 2021.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh: Nhằm góp phần ổn định thị trường và đẩy lùi thực phẩm bẩn trong dịp Tết Trung thu năm 2021, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã và đang tăng cường quản lý địa bàn, thu thập thông tin, giám sát thị trường để kịp thời triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường cũng kịp thời ngăn chặn, xử lý các vị phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Trung thu.

Cùng với đó, lực lượng quản lý thị trường cả nước cũng chú trọng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã, nhãn hiệu, chất lượng, an toàn thực phẩm, đo lường, các nguyên liệu, thành phẩm có nguồn gốc nước ngoài.

Theo ông Trần Hữu Linh, bên cạnh những nhiệm vụ trên, Tổng cục Quản lý thị trường cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố khu vực biên giới và các tỉnh, thành phố dọc theo tuyến vận chuyển từ biên giới vào nội địa cần có phương án kiểm tra đột xuất, ngăn chặn và xử lý kịp thời vi phạm.

Song song với đó, Cục Quản lý thị trường các địa phương cần tăng cường hậu kiểm an toàn thực phẩm đối với mặt hàng bánh Trung thu lưu thông trên thị trường…

Đáng lưu ý, trong quá trình rà soát, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm, các đội tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền. Đặc biệt, trong lúc thẩm tra, xác minh, kiểm tra, xử lý phải bảo đảm các quy định phòng chống dịch COVID-19 do Bộ Y tế, UBND thành phố và địa phương quy định.

Mặt khác, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cũng khuyến cáo người tiêu dùng không nên lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc xuất xứ, hàng hết hạn sử dụng, hàng lậu không có giấy tờ kiểm định của hải quan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục