Ngăn chặn vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc

17:47' - 15/05/2019
BNEWS Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng tại 29 tỉnh, thành, Tỉnh ủy Cà Mau đã ban hành công văn về việc tăng cường lãnh đạo, thực hiện phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
29 tỉnh/thành có dịch tả lợn châu Phi. Nguồn: Infographics.vn

Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng tại 29 tỉnh, thành và có nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch vào địa bàn tỉnh Cà Mau rất cao, Tỉnh ủy Cà Mau đã ban hành công văn số 1153-CV/TU ngày 14/5/2019 về việc tăng cường lãnh đạo, thực hiện phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.

Cơ quan chức năng tỉnh thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc tỉnh Cà Mau không cho vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, không có giấy xác nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền vào địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, hướng dẫn các cấp ủy, cơ quan báo chí của tỉnh đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; kịp thời định hướng dư luận, đảm bảo người dân và người tiêu dùng hiểu rõ, hiểu đúng, không gây hoang mang trong xã hội.

Mặt khác, tỉnh bố trí thêm các trạm chốt ở tất cả các tuyến đường bộ và đường thủy để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn vào địa bàn tỉnh; quản lý chặt hoạt động giết mổ, kinh doanh thịt lợn và kiểm soát nguồn gốc, vận chuyển, buôn bán sản phẩm thịt lợn tại các chợ, siêu thị, các điểm bán lẻ, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn. Đồng thời thực hiện các chính sách hỗ trợ các hộ, cơ sở chăn nuôi có lợn bị nhiễm bệnh và tiêu hủy theo đúng quy định của Nhà nước.

Liên quan đến vấn đề trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, thành phố Cà Mau và các sở, ngành, đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cùng với đó, tỉnh Cà Mau tổ chức diễn tập ứng phó bệnh dịch tả lợn châu Phi; xây dựng phương án xử lý đối với trường hợp phải tiêu hủy số lượng lớn và kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra vào tỉnh; tổ chức phun thuốc sát trùng, tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua trạm, chốt kiểm dịch động vật tạm thời, trạm kiểm dịch động vật tại đầu mối giao thông theo kế hoạch được duyệt.

Trong khi đó, tỉnh Phú Thọ cũng đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để khống chế dịch, tránh lây lan, ảnh hưởng ngành chăn nuôi trên địa bàn.

Theo đó, tỉnh Phú Thọ giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ động phối hợp với Công an, Cục Quản lý thị trường tỉnh tập trung kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn vào địa bàn tỉnh không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là việc nhập con giống lợn vào địa bàn tỉnh; xác định những nơi có nguy cơ nhiễm bệnh cao; tập trung xử lý môi trường phòng bệnh, đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu đưa vào chế biến giò, chả, nem, thịt chua, thịt hun khói, xúc xích… tại các cơ sở chế biến

UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo các Đội kiểm soát lưu động, UBND các xã, phường, thị trấn kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ vận chuyển, buôn bán, kinh doanh lợn giống, lợn thịt và các sản phẩm từ thịt lợn tại các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến; chú trọng kiểm tra nguồn gốc lợn giống, các sản phẩm từ thịt lợn vào các chợ. Phát hiện các trường hợp vi phạm, kiên quyết xử lý theo quy định, nhất là buôn bán lợn giống.

UBND thành phố Việt Trì, các huyện: Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Thủy chỉ đạo nâng cao trách nhiệm của các chốt kiểm soát tạm thời cấp huyện, xã kiểm tra, kiểm soát chặt việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua các cầu, bến phà, bến đò ngang từ tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội; tập trung kiểm tra, tổ chức khử trùng tiêu độc ở những nơi có nguy cơ cao; tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; thực hiện phun khử trùng tiêu độc, rắc vôi khu vực chăn nuôi định kỳ 1-2 lần/tuần; nghiêm túc thực hiện “5 không” trong phòng chống dịch...

Trước tình trạng người dân mua con giống từ địa phương khác về tái đàn đã gây ra nguy cơ lây lan dịch bệnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải yêu cầu lực lượng công an, quản lý thị trường cần siết chặt quản lý thị trường và tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến lợn, sản phẩm từ lợn mà không xuất trình giấy chứng nhận kiểm dịch và nguồn gốc sản phẩm.

Đối với các địa phương có lợn ốm, chết cần lấy mẫu máu xét nghiệm và tổ chức tiêu hủy đồng thời áp dụng các biện pháp chống dịch như phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột toàn khu vực; rà soát và theo dõi diễn biến hằng ngày đối với các điểm dịch và vùng giáp ranh...

Ông Nguyễn Tất Thành, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Thọ cho biết, mới đây trên địa bàn huyện Phù Ninh, Cẩm Khê đã xuất hiện 3 điểm phát dịch tả lợn châu Phi của 3 hộ gia đình. Sau khi phát hiện, ngành đã tập trung xử lý, tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh, đồng thời thống kê số lợn mắc bệnh đã tiêu hủy để có biện pháp hỗ trợ theo quy định...

Trước thực trạng dịch bệnh tả lợn châu Phi hiện đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, UBND tỉnh Bắc Giang đã có công văn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, UBND các huyện, thành phố yêu cầu tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, tỉnh yêu cầu ngành chức năng, đơn vị liên quan, các địa phương thực hiện thường xuyên tuyên truyền về bệnh dịch tả lợn châu Phi bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là qua hệ thống loa phát thanh của địa phương; in tờ rơi phát cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ để người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Bên cạnh đó, phân công và xác định rõ trách nhiệm của từng đồng chí lãnh đạo, cán bộ chuyên môn của cơ quan, đơn vị về phòng, chống dịch đối với địa bàn được phân công phụ trách, tập trung triển khai tích cực, đồng bộ các biện pháp với mục tiêu khống chế và đẩy lùi không để dịch bệnh lây nhiễm vào địa phương, nhất là các trang trại, các hộ chăn nuôi lớn.

Riêng các vùng đã có dịch, chỉ đạo lực lượng chức năng, cán bộ chuyên môn chủ động nắm địa bàn cơ sở để kịp thời xác minh lợn ốm chết, thiết lập hồ sơ pháp lý; khẩn trương thực hiện ngay việc tiêu hủy và thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi  theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp trên; tuyệt đối không vứt lợn chết ra ngoài môi trường; tổ chức kiểm tra, thu gom xác lợn chết ngoài môi trường để thực hiện chôn hủy, tránh làm phát tán và lây lan dịch bệnh.

Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung cao việc chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp chuyên môn nhằm sớm ngăn chặn và khống chế dịch bệnh; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh về phòng chống dịch nếu để dịch bệnh bùng phát lây lan trên diện rộng gây thiệt hại cho nhân dân.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang, bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện đã xảy ra tại 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 13/5, toàn tỉnh đã có 78.831 con lợn nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, buộc phải tiêu hủy với tổng trọng lượng là 4.724 tấn. Dịch chủ yếu xảy ra tại các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Hiện tại chưa có trại chăn nuôi quy mô lớn (từ 1.000 con lợn trở lên) bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Tuy nhiên, việc phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Bắc Giang hiện còn những tồn tại, hạn chế như chính quyền cấp cơ sở (xã, thôn) nhiều địa phương còn lơ là, chưa quyết liệt trong phòng chống dịch bệnh.

Hơn nữa, việc hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy của các huyện, thành phố còn chậm. Tại một số trạm, chốt chưa có người trực thường xuyên theo quy định, chưa có đồ bảo hộ lao động phù hợp, trang thiết bị còn thiếu, nhất là máy phun hóa chất tiêu độc khử trùng..../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục