TP.HCM đảm bảo nguồn cung trước tình hình dịch tả lợn châu Phi phức tạp

16:12' - 14/05/2019
BNEWS Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Công Thương làm việc với các doanh nghiệp về khả năng cung ứng, dự trữ nguồn thịt lợn.
Nguồn cung thịt lợn tại Thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo ổn định. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam, ngày 14/5, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND Tp. Hồ Chí Minh về phòng chống dịch bệnh, các giải pháp kiểm soát và đảm bảo nguồn cung thịt lợn an toàn cho thị trường.

Báo cáo tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Tp. Hồ Chí Minh hiện có 3.917 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn 274.154 con; trong đó có 274 hộ nuôi lợn bằng nguồn thức ăn thừa tại các nhà hàng quán ăn, có nguy cơ cao đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Tp. Hồ Chí Minh là đầu mối tiêu thụ thịt lợn lớn của khu vực phía Nam, hiện có 11 lò giết mổ với số lượng giết mổ bình quân từ 6.500 -7.000 con lợn/ngày. Nguồn lợn nhập vào thành phố giết mổ chủ yếu từ Đồng Nai (46,41%), Bình Dương (19,03%), Bình Thuận (10,88%), Bà Rịa-Vũng Tàu (8,01%)… Ngoài ra, thành phố còn tiếp nhận khoảng 2.300 - 2.500 con lợn đã giết mổ từ các tỉnh như Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai cung cấp cho thị trường.

Chính vì vậy khi các địa phương lân cận như Đồng Nai, Bình Phước xảy ra dịch tả lợn châu Phi thì nguy cơ xâm nhiễm vào Tp. Hồ Chí Minh là rất cao. Trước tình hình trên, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã bổ sung các giải pháp phòng chống dịch phù hợp với diễn biến thực tế.

Cụ thể, ngoài việc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch như khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với các sở, ngành thành lập thêm các chốt kiểm soát, hoạt động 24/24h trên các tuyến đường trọng yếu, cửa ngõ ra vào thành phố, các đoàn kiểm tra chuyên ngành cũng tăng cường tần suất kiểm soát, lấy mẫu để đảm bảo ngăn chặn sớm nguy cơ xâm nhiễm mầm bệnh từ bên ngoài vào thành phố.

Ông Lê Việt Bảo, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tp. Hồ Chí Minh cho biết thêm, ngay khi Đồng Nai xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tp. Hồ Chí Minh đã làm việc với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai và các địa phương lân cận có cung ứng thịt lợn cho thành phố để thiết lập kênh liên lạc, thống nhất giải pháp kiểm soát vận chuyển và duy trì nguồn cung lợn an toàn cho thành phố.

Song song đó, việc đảm bảo an toàn cho đàn lợn trên địa bàn cũng được tăng cường tối đa. Cụ thể, Tp. Hồ Chí Minh đã phát hơn 4.000 tờ rơi cung cấp thông tin, dấu hiệu nhận biết và hướng dẫn thực hiện biện pháp an toàn sinh học phòng chống dịch bệnh tới các hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ, kinh doanh lợn và các sản phẩm từ thịt lợn trên địa bàn; trong đó đặc biệt chú trọng tới việc hướng dẫn xử lý thức ăn cho những hộ sử dụng thức ăn thừa để chăn nuôi, vì đây là nhóm dễ phát sinh dịch tả lợn châu Phi nhất. Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND thành phố, sự tham gia tích cực của các sở, ngành trong việc thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phòng chống thì đến nay Tp. Hồ Chí Minh chưa ghi nhận bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá cao những nổ lực của Tp. Hồ Chí Minh trong việc tổ chức phòng, chống dịch tả lợn châu Phi thời gian vừa qua và yêu cầu thành phố tiếp tục siết chặt việc kiểm soát các nguy cơ xâm nhiễm mầm bệnh trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam ngày càng phức tạp. Đặc biệt, thành phố cần xác định thực hiện an toàn sinh học là biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống dịch tả lợn châu Phi và kiểm soát tốt các cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn, giúp hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra dịch bệnh.

Song song với các biện pháp đang thực hiện, Tp. Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp người chăn nuôi hiểu rõ tình trạng, tác động của dịch bệnh và người tiêu dùng yên tâm sử dụng thịt lợn. Cần nhấn mạnh, dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh cho người và với việc kiểm soát  chặt chẽ như hiện nay, lợn phát hiện nhiễm dịch tả lợn châu Phi sẽ được tiêu hủy toàn bộ, không thể lưu thông ra thị trường.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ sẽ tiếp tục đề xuất Chính phủ xem xét cơ chế hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy theo hướng có lợi hơn cho người dân để giúp các địa phương thuận lợi trong việc vận động người dân chủ động khai báo dịch bệnh và chấp hành nghiêm yêu cầu tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh, giảm áp lực cho các cơ quan phòng, chống dịch.

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Công Thương làm việc với các doanh nghiệp về khả năng cung ứng, dự trữ nguồn thịt lợn đảm bảo cân đối cung cầu thị trường thành phố. Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, qua làm việc với các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh thịt trên địa bàn như Vissan, Sargifood, C.P, San Hà có thể đảm bảo cung ứng 106,5 tấn thịt lợn/ngày.

Liên quan tới giải pháp giết mổ cấp đông để giảm áp lực phòng chống dịch và tiêu hủy thịt lợn mà Cục Chăn nuôi đề xuất gần đây, bà Nguyễn Huỳnh Trang cho rằng, hiện nay cung – cầu thị trường thịt lợn đang khá cân bằng, có hiện tượng một số người tiêu dùng trước đây mua thịt lợn ở chợ truyền thống nay chuyển qua mua tại các hệ thống phân phối hiện đại nhưng nhìn chung sản lượng thịt lợn tiêu thụ của thành phố không có biến động nhiều. Nếu cấp đông thì phải tính đến việc hỗ trợ nguồn vốn thu mua cho doanh nghiệp và các chi phí phát sinh cũng như hướng giải quyết các bộ phận không cấp đông được gồm đầu, xương, lòng...

Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Vissan phân tích, hiện nay Vissan có công suất giết mổ, pha lóc có thể đạt 1.300 con/ngày. Từ khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, công ty đã tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát nguồn cung đầu vào cho cơ sở giết mổ và đề ra giải pháp đảm bảo lượng thịt cung cấp cho thị trường; trong đó có thu mua giết mổ cấp đông dự trữ cho những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, nếu phải tổ chức giết mổ lợn cấp đông hàng loạt thì sẽ vướng không ít khó khăn do hầu hết người tiêu dùng ưa chuộng thịt tươi sống, chưa có thói quen sử dụng thịt cấp đông. Ông An lo ngại số thịt cấp đông dự trữ không biết có tiêu thụ được hay không. Thêm vào đó, chi phí cấp đông và lưu kho cũng không nhỏ, ước tính chi phí cấp đông thịt từ 3 - 3,4 triệu đồng/tấn và chi phí trữ đông từ 12.000 -14.000 đồng/tấn/ngày trong khi các bộ phận, phụ phẩm khác như đầu, xương, không cấp đông được và giá trị thấp sẽ khiến giá thành thịt lợn cấp đông tăng cao.

Vì vậy, các doanh nghiệp rất khó trong việc xác định mức chi phí cần hỗ trợ nếu thực hiện trữ đông hoàng loạt. Thay vào đó, doanh nghiệp đề xuất sẽ chọn lọc thu mua, giết mổ số lợn đến tuổi, còn lại vẫn duy trì hoạt động chăn nuôi và tuyên truyền người tiêu dùng không quay lưng lại với thịt lợn.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, mặc dù tổng đàn lợn của Tp. Hồ Chí Minh không lớn nhưng việc duy trì ngành chăn nuôi là rất quan trọng. Tp. Hồ Chí Minh đang tiến hành tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn, trở thành trung tâm cung cấp con giống cho tỉnh phía Nam. Vì vậy, các sở, ngành của thành phố phải làm tốt phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sự an toàn cho ngành chăn nuôi cũng như duy trì nguồn cung thịt lợn an toàn cho người tiêu dùng và hoạt động chế biến của các doanh nghiệp, góp phần ổn định kinh tế - xã hội của thành phố./.

>>> 29 tỉnh/thành có dịch tả lợn châu Phi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục