Ngăn chặn "vàng hóa", "đô la hóa"

07:53' - 15/12/2022
BNEWS Các chuyên gia kinh tế cho rằng tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế Việt Nam đã giảm mạnh. Theo đó, tỷ lệ đô la hóa thường lớn hơn 20% giai đoạn trước năm 2010 thì sau giai đoạn 2010 là lớn hơn 10%
Những năm gần đây, tình trạng “đô la hóa”, “vàng hóa”, đã được kiểm soát khá chặt chẽ, giúp cho việc ổn định tiền VND và chống lạm phát. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Nhà nước vẫn cần tiếp tục các giải pháp hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, chuyển tài sản bằng tiền đồng sang ngoại tệ, ngăn chặn tình trạng "đô la hoá" và "vàng hoá" trong nền kinh tế.

Đô la hoá là tình trạng đồng ngoại tệ thay thế đồng bản tệ trong việc thực hiện các chức năng của tiền tệ là dự trữ giá trị, phương tiện thanh toán và đơn vị tính toán. Tại Việt Nam, đô la hoá vẫn khá phổ biến với thói quen dự trữ tài sản bằng ngoại tệ, giao dịch, mua bán, niêm yết giá bằng ngoại tệ.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế Việt Nam đã giảm mạnh. Theo đó, tỷ lệ đô la hóa thường lớn hơn 20% giai đoạn trước năm 2010 thì sau giai đoạn 2010 là lớn hơn 10%.
 
Cũng theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân của tình trạng đô la hóa là do nhu cầu thanh toán quốc tế gia tăng và do ảnh hưởng của các dòng vốn quốc tế. Ngoài ra, kiều hối gia tăng cùng với các quy định cho phép các cá nhân nắm giữ ngoại tệ dưới hình thức tiết kiệm và tài khoản ngoại tệ tại hệ thống ngân hàng, cất giữ dưới dạng ngoại tệ tiền mặt.

Bên cạnh đó, tình trạng đô la hóa do chưa cân bằng lợi ích nắm giữ giữa VND và đô la, chủ yếu do biến động về tỷ giá, lãi suất thực tế và kỳ vọng, nhất là khi VND chưa phải là đồng tiền chuyển đổi, lạm phát của Việt Nam tương đối cao so với các nước trên thế giới và khu vực.

Với chủ trương của Chính phủ kiên định kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, lãi suất VND luôn hấp dẫn so với ngoại tệ thì người dân chuyển đổi ngoại tệ ra VND để gửi hệ thống ngân hàng sẽ có lợi hơn. Đặc biệt từ sau Quyết định 2589/QĐ-NHNN ngày 17/12/2015 của Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất tiền gửi USD của cả tổ chức và cá nhân xuống còn 0%/năm, kết hợp đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tiền đã giúp hạn chế được tình trạng đô la hóa. Nhưng Việt Nam cần tiếp tục có các chính sách điều tiết thị trường, bởi thị trường hiện nay vẫn luôn hiện hữu những yếu tố tác động tới mục tiêu hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Đỗ Duy Cường cho rằng, việc gia tăng tình trạng đô la hóa sẽ khiến thị trường ngoại hối bất ổn vừa làm cho nhập siêu, lạm phát gia tăng, tác động tiêu cực đến lòng tin đối với đồng tiền quốc gia, vừa “bào mòn” nguồn dự trữ ngoại hối của quốc gia.

Do đó, thực hiện các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định giá trị VND, chuyên gia Đỗ Duy Cường cho rằng cần tiếp tục cơ cấu ổn định mệnh giá VND, sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ để tác động đến điều kiện thị trường nhằm làm cho VND hấp dẫn hơn đô la. Bên cạnh đó, chính sách lãi suất phải nhằm mục đích tạo ra và duy trì được một chênh lệch lãi suất dương giữa tiền gửi VND và đô la, qua đó hạn chế xu hướng chuyển đổi từ VND sang USD. 

Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để chống đô la hóa như phối hợp giữa chính sách lãi suất và tỷ giá để duy trì sức hấp dẫn của VND so với USD.

Tương tự như vậy, “vàng hóa” là hiện tượng vàng lấn át hoặc thay thế VND, được sử dụng rộng rãi như một loại tiền tệ. Theo các chuyên gia kinh tế, chủ trương chống vàng hóa trong nhiều năm nay và cụ thể là từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, kim loại quý này đã không còn vị thế như trước đây.

Thực tế cho thấy, vàng không còn là phương tiện thanh toán, nhu cầu về vàng hiện nay cũng không đến từ việc đầu cơ mà đã trở về nhu cầu thực của người dân như đồ trang sức, làm quà tặng hoặc tìm kiếm sự may mắn mỗi dịp đầu năm.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn DOJI cho biết, trước thời điểm năm 2012, giá vàng thay đổi liên tục, tác động rất xấu đối với nền kinh tế. Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện Nghị định 24, tác động của Nghị định không chỉ thuần túy đối với thị trường vàng miếng, với các hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh vàng và ngân hàng; mà còn tạo ra hành lang pháp lý tương đối chuẩn trong lĩnh vực sản xuất vàng trang sức.

Các chuyên gia đánh giá, thị trường vàng, ngoại hối đã ổn định hơn 10 năm qua, khiến Việt Nam chủ động trước những biến động của thị trường vàng và tác động đến thị trường ngoại tệ.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, có 3 nhu cầu đối với vàng là làm phương tiện thanh toán, đầu tư và làm trang sức. Song, nhu cầu làm phương tiện thanh toán giờ không còn bởi chính sách của Nhà nước đã loại vàng ra khỏi phương tiện thanh toán, nhu cầu đầu tư không còn là kênh đầu tư hấp dẫn bởi rủi ro cao, còn nhu cầu làm trang sức không còn sức ảnh hưởng lớn đến thị trường.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong điều hành thị trường vàng, mặc dù giá vàng đã lần lượt vượt qua các mốc 50 - 55 triệu đồng/lượng, thời điểm hiện nay đang là 65-66 triệu đồng/lượng nhưng không còn những cơn sốt, cung - cầu thị trường cũng luôn cân bằng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường, nếu có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước sẽ có các giải pháp và đủ nguồn lực để bình ổn thị trường.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, để hạn chế vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế, cần hướng tới phát triển một thị trường lành mạnh và hạn chế đầu cơ vàng, việc khuyến khích thị trường vàng trang sức mỹ nghệ như một ngành sản xuất hàng hóa, có cạnh tranh lành mạnh cũng là một vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục