Ngân hàng của BRICS xem xét tăng cường huy động vốn bằng các đồng nội tệ

08:03' - 11/08/2023
BNEWS Theo các nhà phân tích, việc tăng cường huy động vốn bằng đồng tiền của các nước và từ các thành viên mới có thể hữu ích cho NDB trong những thời điểm khó khăn.
Theo Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Enoch Godongwana, do tác động của các lệnh trừng phạt nhằm vào thành viên sáng lập là Nga, Ngân hàng Phát triển mới (NDB) do Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) thành lập cần tăng cường huy động vốn bằng đồng nội tệ của các nước thành viên và cho vay.

Ông Godongwana cho rằng việc tăng cường sử dụng đồng tiền giữa các thành viên của NDB cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh của khối trong tháng này, nhằm ngăn chặn rủi ro tác động từ biến động tỷ giá hơn là phi đô-la hóa.

 
Đồng bạc xanh tăng giá so với các đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi kể từ khi nổ ra xung đột giữa Nga và Ukraine và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát vào đầu năm 2022, khiến chi phí trả lãi cho các khoản nợ bằng đồng USD của những nước này cao hơn.

Theo ông Godongwana, hầu hết các nước thành viên của NDB đang khuyến khích ngân hàng này cấp các khoản vay bằng đồng tiền của các nước thành viên.

NDB được thành lập năm 2015 là dự án tài chính trọng điểm của khối. Tham vọng phục vụ các nền kinh tế mới nổi và nỗ lực phi đô-la hóa của ngân hàng này gặp trở ngại do tình hình kinh tế và xung đột giữa Nga và Ukraine.

Theo các nhà phân tích, việc tăng cường huy động vốn bằng đồng tiền của các nước và từ các thành viên mới có thể hữu ích cho NDB trong những thời điểm khó khăn, giảm sự phụ thuộc vào các thị trường vốn của Mỹ, khi các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga khiến chi phí đi vay tăng.

Số thành viên của NDB từ 5 đã tăng lên 8 và ngân hàng này chỉ cấp các khoản vay cho các nước thành viên.

Giám đốc Tài chính Leslie Maasdorp cho biết mục tiêu của NDB là tăng tỷ lệ cho vay bằng đồng tiền của các nước thành viên từ 22% lên 30% vào năm 2026, nhưng có những hạn chế trong việc phi đô-la hóa.

Theo một báo cáo hồi tháng 4, trong hơn 30 tỷ USD các khoản vay mà NDB cấp, 2/3 là bằng USD./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục