Ngân hàng cùng tìm hướng "cứu" ngành hàng không

21:21' - 28/09/2021
BNEWS Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho biết, các hãng hàng không đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Doanh thu ngành hàng không từ cuối tháng 5 đến nay giảm từ 80 - 90%.

Chiều ngày 28/9, tại cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước với các doanh nghiệp hàng không và các ngân hàng thương mại, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ, chưa khi nào ngành hàng không lại khó khăn như hiện nay và ngành ngân hàng luôn chia sẻ, đồng hành với nền kinh tế cũng như ngành hàng không.
Báo cáo tại cuộc họp, TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho biết, các hãng hàng không đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Doanh thu ngành hàng không từ cuối tháng 5 đến nay giảm từ 80 - 90%. Hiện các đường bay thương mại trong nước và quốc tế đều bị dừng.

Trong khi đó, các khoản chi phí cố định vẫn phải chi trả trong khi doanh thu giảm khiến cân đối dòng tiền khó được đảm bảo, tính thanh khoản bị giảm, nhiều khoản nợ không thể được thanh toán đúng hạn. Mỗi ngày, các hãng hàng không phải chi trên 100 tỷ đồng trong thời gian máy bay phải ngừng bay.
TS. Bùi Doãn Nề cho biết, tổng nhu cầu cần hỗ trợ của các hãng bay là 30.000 tỷ đồng bởi hiện nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất cả nước đã lên tới 36.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo của các hãng hàng không, nhu cầu tín dụng để trang trải các khoản nợ phải trả của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines (VNA) cần hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ 10.000 - 12.000 tỷ đồng để cân đối dòng tiền.

Hãng hàng không Vietjet Air đề nghị hỗ trợ khoản vay tín dụng trên 10.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn từ các ngân hàng thương mại như đã áp dụng với VNA và khoản tín dụng ưu đãi lãi suất thời gian 3 - 4 năm.
Đồng thời, hãng hàng không Bamboo Airways  đề nghị được vay 5.000 tỷ đồng dưới hình thức tái cấp vốn từ các ngân hàng thương mại như đã áp dụng với VNA và khoản tín dụng dài hạn với lãi suất, điều kiện ưu đãi. Còn hãng hàng không Vietravel Airlines đề nghị cho vay 1.000 tỷ đồng với mức lãi suất 0% hoặc lãi suất ưu đãi và thời gian trả nợ dài hạn…
Đại diện hãng hàng không Bamboo Airways cho biết, năm 2021, hãng chỉ bay được 3 tháng khiến doanh thu giảm 70%, cao điểm giảm 90% trong khi đó, các chi phí vẫn phải chi trả. Dù đã có sự hỗ trợ của Chính phủ nhưng doanh nghiệp vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn. Hiện dư nợ của Bamboo Airways là hơn 3.000 tỷ đồng. Hãng đã làm việc với các ngân hàng và có kiến nghị về những tháo gỡ về chính sách và các khoản vay ưu đãi.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, cùng với việc cơ cấu nợ, giảm lãi, phí, Vietcombank vẫn cấp tín dụng dù tình hình tài chính của doanh nghiệp hàng không có khó khăn.

Không chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp hàng không mà Vietcombank còn hỗ trợ doanh nghiệp trong hệ sinh thái, chuỗi giá trị của ngành hàng không như doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mặt đất, cấp nhiên liệu hàng không, dịch vụ  với các giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất.... 

Đến nay Vietcombank cấp tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không và hệ sinh thái lên đến 16.000 tỷ đồng....
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, mặt bằng lãi suất Vietcombank cho các doanh nghiệp hàng không vay rất thấp, nếu tính các chi phí, trích lập dự phòng thì lãi suất cho vay với doanh nghiệp hàng không mang tính hỗ trợ.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh cho biết hiện tại, Chính phủ đã đưa ra gói tín dụng 4.000 tỷ đồng cho VNA.
Phó Thống đốc đề nghị các ngân hàng thương mại ưu tiên cho các hãng hàng không vay vì đây là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế và khả năng dịch được khống chế, hoạt động bay trở lại được thì sẽ hồi phục nhanh. Cùng với việc ưu tiên vốn cho các hãng bay, các ngân hàng nên giảm lãi suất cho vay đối với các hãng hàng không; trong đó chủ động mạnh dạn cho vay tín chấp.
Theo Phó Thống đốc, thời gian tới  Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp nghiên cứu để đề xuất gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không và sớm trình lên Chính phủ.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy dư nợ tín dụng hiện nay đối với các hãng bay khoảng 24.000 tỷ đồng. Số này chiếm tỷ lệ nhỏ so với dư nợ 9,8 triệu tỷ đồng của toàn nền kinh tế và so với khoảng 3,5 - 4 triệu tỷ đồng dư nợ các doạnh nghiệp đang gặp khó khăn bởi dịch COVID-19./.

>>>Giảm 50% giá hạ cất cánh các chuyến bay nội địa hỗ trợ các hãng hàng không

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục