Ngân hàng dồn vốn "giải cứu" cho khách hàng gặp khó trong dịch COVID-19

16:33' - 06/04/2020
BNEWS Hàng loạt ngân hàng lớn, nhỏ đã công bố tiếp tục giảm mạnh lãi suất cho vay các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, đồng thời tiếp tục đưa ra các gói tín dụng ưu đãi phục vụ khách hàng.

Sau loạt chính sách hỗ trợ kể từ cuối tháng 1/2020 khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, các ngân hàng tiếp tục triển khai nhiều biện pháp quyết liệt; trong đó giảm sâu lãi suất cho vay từ 2 - 4,5%/năm, nhất là với khách hàng hiện hữu. Các ngân hàng cũng cam kết dành mọi nguồn lực để đồng hành, "giải cứu" doanh nghiệp và người dân qua giai đoạn khó khăn này.

*Sẵn sàng nguồn vốn

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và định hướng của Ngân hàng Nhà nước, hàng loạt các ngân hàng lớn, nhỏ đã công bố tiếp tục giảm mạnh lãi suất cho vay các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, đồng thời tiếp tục đưa ra các gói tín dụng ưu đãi phục vụ nhu cầu vốn của khách hàng.

Trong đó, giảm sâu nhất phải kể tới Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) khi giảm lãi suất vay ưu đãi từ 2 - 4,5%/năm cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong cả nước. Đặc biệt, HDBank sẽ tự động giảm lãi mà không cần khách hàng phải đề nghị hỗ trợ hay chứng minh bất kỳ khó khăn nào gặp phải và miễn phí cam kết rút vốn, phí hạn mức tín dụng dự phòng.

Còn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam (xét theo quy mô tổng tài sản và vốn điều lệ), lãi suất cho vay cũng được công bố giảm đến 2%/năm, áp dụng cho cả vay thế chấp lẫn tín chấp. Theo đó, đối với dư nợ hiện hữu, ngân hàng sẽ cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ gốc, lãi và giảm đến 2%/năm (đối với các khoản vay bằng VND) cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Ngân hàng cũng giảm đến 1%/năm (đối với các khoản vay bằng VND) cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng tín chấp trả nợ bằng lương do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến thu nhập.

Đặc biệt, theo Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trường hợp người lao động mất việc được hưởng trợ cấp 1,8 triệu đồng/người (trong 3 tháng từ tháng 4-6/2020), BIDV cũng định hướng sẽ giảm 2% lãi suất, đồng thời ân hạn chưa thu gốc và lãi đến hạn của các khách hàng này trong thời gian còn dịch.

Đối với nhu cầu vay mới, BIDV có các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 có nhu cầu vay mới với lãi suất giảm 2% so với lãi suất cho vay thời điểm trước khi có dịch (trước ngày 31/12/2019).

Mới đây, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, Vietcombank sẽ kích hoạt gói cho vay mới với tổng dư nợ khoảng 30.000 tỷ đồng, lãi suất giảm 2,5%/năm so với mặt bằng chung. Như vậy, sàn lãi suất cho vay sau giảm tại ngân hàng này sẽ về mức 4,5%/năm.

Trước đó, thống kê đến hết tháng 3/2020, tổng số dư nợ các ngành và lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được Vietcombank hỗ trợ, ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 1,5% so với mặt bằng lãi suất chung đã lên tới trên 112.700 tỷ đồng; giải ngân cho vay mới hơn 41.200 tỷ đồng hỗ trợ đáng kể cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và cân đối dòng tiền.

Tổng dư nợ của các khách hàng gặp khó khăn tạm thời do bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được Vietcombank giữ nguyên nhóm nợ từ đầu năm đến nay là trên 8.200 tỷ đồng. Trong thời gian tới, nhiều trường hợp trong tổng số hơn 50.000 tỷ đồng dư nợ cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ được Vietcombank xem xét cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định.

Cùng xu hướng trên, ước tính sẽ có hơn 85.000 khách hàng thuộc diện thu nhập thấp đang vay vốn trả góp theo ngày tại Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) được giảm đến 25% trong tổng số tiền lãi phải thanh toán kể từ ngày 3/4/2020 cho đến 30/6/2020.

"Đa số khách hàng vay vốn trả góp ngày của Kienlongbank là những người có thu nhập thấp, vừa đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày như: bán vé số, chạy xe ôm, bán quán nước, bán quán ăn và buôn bán nhỏ, lẻ… Trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 như hiện nay, họ thực sự gặp nhiều khó khăn và rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía", bà Trần Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Kienlongbank chia sẻ.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank),... cũng có các chương trình, gói tín dụng hỗ trợ với lãi suất thấp với những tiêu chí cụ thể riêng.

*Tiết giảm chi phí

Tiếp tục giảm mạnh lãi suất cho vay với khoản vay hiện hữu cũng như các khoản vay mới được coi là liều "doping" cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong giai đoạn khó khăn này. Tuy nhiên, giới chuyên gia dự báo biện pháp này có thể làm giảm tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) tại các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có quy mô tín dụng lớn.

Do đó, để dồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch tiết giảm chi phí hoạt động, thậm chí là giảm lương, thưởng và điều chỉnh mục tiêu kinh doanh, kế hoạch lợi nhuận năm 2020.

Theo Tổng Giám đốc SHB, ông Nguyễn Văn Lê, các cấp lãnh đạo Hội đồng quản trị, Ban Điều hành và cán bộ quản lý cấp cao của ngân hàng đã tự nguyện giảm lương 50% cho đến khi công bố hết dịch, các cấp quản lý toàn hệ thống từ cấp Phó phòng trở lên và các chức danh tương đương giảm từ 10 - 30% tùy theo mức thu nhập.

"Năm 2020, SHB cũng điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận với mức tối thiểu 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, quyết liệt rà soát toàn bộ các chi phí hoạt động và tổ chức triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí hoạt động với mức giảm tối thiểu 10%", ông Lê cho hay.

Tiết giảm chi phí, bao gồm cả chi phí huy động vốn cũng đã được VietinBank tính đến. Theo đại diện ngân hàng này, trong thời gian tới, VietinBank sẽ tiếp tục xem xét các biện pháp tiết giảm chi phí phù hợp; trong đó có chi phí huy động và linh hoạt điều hành chính sách lãi suất cho vay bám sát tình hình thị trường, hướng tới kích cầu và hỗ trợ các khách hàng sản xuất kinh doanh tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý và cạnh tranh.

Các biện pháp cấp bách và quyết liệt được Ngân hàng Nhà nước ban hành cũng như do mỗi ngân hàng thương mại chủ động triển khai đều nhắm đến mục tiêu chung là cùng khách hàng, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.

Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) đánh giá, trong quá trình thực hiện nhanh, đồng loạt diện rộng để kịp thời hỗ trợ khách hàng như vậy sẽ khó tránh khỏi phát sinh thiếu sót nhất định tại các ngân hàng thương mại. Do đó, rất cần được đánh giá toàn diện đến bối cảnh trong công tác kiểm tra, giám sát sau này.

Cũng theo vị lãnh đạo này, song song với các giải pháp hỗ trợ tín dụng, thanh toán của ngành ngân hàng, cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân chắc chắn cần thêm những giải pháp đồng bộ khác về tài chính, công thương và đầu tư để trụ được trong giai đoạn tới đây cũng như phục hồi nhanh sau khi kết thúc dịch (như thuế, phí, thủ tục hành chính….).

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về kết quả thực hiện hỗ trợ tín dụng tính từ thời điểm 23/1 - 28/3 cho thấy, các tổ chức tín dụng đã bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 12.000 khách hàng với dư nợ 13.500 tỷ đồng; đã và đang xem xét miễn giảm lãi cho gần 36.000 khách hàng với dư nợ trên 91.000 tỷ đồng.

Các tổ chức tín dụng cũng tích cực triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn so với lãi suất thông thường từ 0,5 - 3% (khoảng 285.000 tỷ đồng, chủ yếu cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa...). Kết quả, đến nay các tổ chức tín dụng đã cho vay mới đối với 47.000 khách hàng với doanh số cho vay đạt gần 80.000 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục