Ngân hàng đồng loạt điều chỉnh lãi suất, kỳ vọng tiếp tục giảm trong năm tới

19:12' - 19/11/2019
BNEWS Đến thời điểm này, áp lực huy động vốn đã giảm bớt, kéo theo việc giảm lãi suất huy động để tiết giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện giữ ổn định và có thể giảm tiếp lãi suất cho vay.
Nhiều ngân hàng thương mại đã bắt đầu điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo quyết định mới phát đi của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Ngày 19/11, nhiều ngân hàng thương mại đã bắt đầu điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo quyết định mới phát đi của Ngân hàng Nhà nước vào chiều tối qua.

Mức lãi suất giảm sâu nhất hiện nay lên đến 1%/năm tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) khi lãi suất cao nhất gửi tại quầy của ngân hàng này giảm từ 8,6%/năm xuống còn 7,6-7,8%/năm với kì hạn gửi 24 tháng. Các kỳ hạn khác tại TPBank cũng giảm từ 0,1-0,2%/năm.
Còn tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn được điều chỉnh giảm 0,1%/năm kể từ ngày hôm nay 19/11; trong đó, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng giảm còn 4,8%/năm, kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng giảm còn 6,4%/năm.
Trước đó, ngay từ đầu tháng 11/2019, một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm nhẹ mức lãi suất từ 0,1 - 0,3%/năm, tập trung chủ yếu ở các kỳ hạn trên 12 tháng; trong đó có Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)...
Góp mặt trong xu hướng giảm lãi suất đầu vào lần này còn có cả các ngân hàng lớn "Big 4" khi ngay trong chiều 18/11, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đều đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động giảm 0,2%/năm với một số kỳ hạn, đưa lãi suất tại các ngân hàng này xuống còn 4,3-4,8%/năm với các kỳ hạn từ 1-3 tháng và 5,3%/năm với các kỳ hạn 6 và 9 tháng, mức lãi suất cao nhất tại các ngân hàng này là 6,8%/năm.
Còn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), biểu lãi suất huy động chưa được điều chỉnh, các kì hạn ngắn dưới 6 tháng hiện cao hơn Vietcombank và VietinBank 0,2%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất cao nhất vẫn chỉ ở mức 6,8%/năm với các kỳ hạn dài.
Xét trong nhóm "Big 4", hiện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang niêm yết mức lãi suất huy động cao nhất tính đến thời điểm hiện tại là 7%/năm, áp dụng cho kỳ hạn hạn 24 tháng và 36 tháng.
Song song với việc giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay cũng đã phần nào "hạ nhiệt". Vietcombank là ngân hàng đầu tiên phát đi thông báo giảm đồng loạt 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu bằng VND của doanh nghiệp trong 2 tháng cuối năm 2019. Đây là đợt giảm lãi suất "lớn nhất từ trước đến nay" bởi áp dụng cho tất cả doanh nghiệp thay vì chỉ trong lĩnh vực ưu tiên.   
Cụ thể, đối với các khoản vay thuộc lĩnh vực ưu tiên của các doanh nghiệp, lãi suất giảm xuống mức tối đa là 5,0%/năm đối với cho vay ngắn hạn hiện hữu, đưa lãi suất về mức thấp hơn 1,5%/năm so với quy định của Ngân hàng Nhà nước. Còn đối với các khoản vay thông thường của các doanh nghiệp, Vietcombank giảm đồng loạt 0,5%/năm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019. Đáng chú ý, mức lãi suất này áp dụng cho các khoản vay từ ngày 1/11/2019.
Ngay sau thông báo của Vietcombank, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng công bố giảm mạnh tới 2% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng doanh nghiệp và chủ hộ kinh doanh; giảm tới 3,6% lãi suất phục vụ mục đích sản xuất, chăn nuôi… nông nghiệp.
Theo đó, lãi suất cho vay khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tối thiểu áp dụng cho kỳ hạn từ 3 tháng là 6,99%, kỳ hạn từ 6 tháng là 7,49% dành cho khách hàng vay lần đầu.
MSB cũng dành ưu đãi lãi suất đặc biệt cho các khách hàng mới là các doanh nghiệp siêu nhỏ (SSE - có mức doanh thu dưới 20 tỷ đồng) với mức lãi suất thấp nhất cho kỳ hạn từ 3 tháng là 7,49% và kỳ hạn từ 6 tháng là 7,99%. Mức lãi suất ưu đãi nằm trong gói tín dụng 2.000 tỷ đồng được MSB áp dụng đến 31/12/2019 (hoặc khi gói tín dụng 2.000 tỷ được sử dụng hết).
Cùng với đó, nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng với mục đích sử dụng vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, MSB cũng áp dụng mức giảm lãi suất hấp dẫn 3,6% áp dụng trong 3 tháng đầu với khoản vay kỳ hạn từ 6 tháng.
Trước đó, nhiều gói tín dụng ưu đãi cũng đã được các ngân hàng tung ra nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mùa cuối năm. Như tại Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ từ 6,5%/năm đối với các khoản vay dài hạn từ 36 đến 120 tháng và từ 7,5%/năm với các khoản vay trung hạn, từ 24 tháng đến dưới 36 tháng. Lĩnh vực tín dụng xanh được Nam A Bank ưu đãi lãi vay 7,5%/năm.
Trong khi đó, Eximbank lại dành 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 6,99%/năm cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ với mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp này có thể chủ động được nguồn vốn kinh doanh.
Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), từ nay đến hết ngày 31/12/2019, ngân hàng này đưa ra gói tín dụng 5.000 tỷ đồng cho vay bổ sung vốn lưu động, lãi suất vay từ 7,5%/năm...
Trước diễn biến của thị trường tiền tệ vừa qua, các chuyên gia cho rằng đến thời điểm này, nhiều ngân hàng đã đạt các tiêu chuẩn đề ra về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, quy định an toàn vốn, đáp ứng chuẩn Basel II, nên áp lực huy động vốn đã giảm bớt, kéo theo việc giảm lãi suất huy động để tiết giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện giữ ổn định và có thể giảm tiếp lãi suất cho vay.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), với tình hình thanh khoản của các ngân hàng tốt như hiện nay và nhiều ngân hàng thời gian qua đã đạt chuẩn Basel II thì áp lực huy động vốn năm 2020 sẽ không còn quá lớn. Thêm vào đó, thu nhập của người dân đang tăng lên, thị trường Việt Nam đang thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài… Đây là những yếu tố khiến dòng tiền vào hệ thống ngân hàng Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng lên trong năm tới. "Do đó, tôi hy vọng, trong năm 2020, mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục ổn định và giảm dần", ông Tùng chia sẻ.
Trong khi đó, nhóm phân tích SSI Retail Research (Công ty Chứng khoán SSI) gần đây nhận định rằng trong ngắn hạn từ giờ đến cuối năm, lãi suất trên thị trường 1 (huy động từ cá nhân và tổ chức) vẫn khó giảm do tính mùa vụ, nhưng khả năng sẽ giảm từ đầu năm 2020.
SSI cho rằng dù một số ngân hàng thương mại công bố điều chỉnh giảm nhẹ 10-20 điểm trên biểu lãi suất nhưng mức lãi suất thực tế không có nhiều thay đổi, mức giãn cách giữa các nhóm ngân hàng vẫn rất rộng.
Tính đến chiều 19/11, dù lãi suất huy động dài hạn tại nhiều ngân hàng đã hạ nhưng khoảng cách chênh lệch vẫn rất rộng. Lãi suất cao nhất tại một vài ngân hàng thương mại vẫn ở mức 8-8,6%/năm trong khi tại các ngân hàng nhà nước, lãi suất cao nhất chỉ ở mức 6,8-7%/năm.
Chiều tối 18/11, Ngân hàng Nhà nước công bố giảm lãi suất tiền gửi và cho vay kể từ ngày hôm nay. Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Đồng thời, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7,0%/năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục