Ngân hàng Hàn Quốc tăng mạnh lợi nhuận từ chi nhánh nước ngoài

08:36' - 14/04/2022
BNEWS Theo Cơ quan Dịch vụ Giám sát Tài chính Hàn Quốc (FSS), trong năm 2021 lợi nhuận từ hoạt động ở nước ngoài của các ngân hàng Hàn Quốc đã tăng gần 62% so với một năm trước đó.
FSS cho biết, lợi nhuận ròng của 204 chi nhánh và công ty con ở nước ngoài của các ngân hàng Hàn Quốc đạt 1,17 tỷ USD trong năm 2021, tăng 62,1% so với một năm trước đó.

Cụ thể, hoạt động tại Campuchia ghi nhận mức tăng lợi nhuận lớn nhất với 290 triệu USD, tiếp theo là tại Hong Kong (Trung Quốc) với 214 triệu USD và tại Việt Nam với 172 triệu USD. Tổng tài sản của các hoạt động ở nước ngoài đạt 183,22 tỷ USD tính đến cuối tháng 12/2021, tăng 11% so với một năm trước đó.

 
Số lượng chi nhánh ở nước ngoài của các ngân hàng Hàn Quốc đã tăng 7 chi nhánh so với năm trước đó, trong đó số chi nhánh ở các quốc gia châu Á đạt 141 chi nhánh, tương đương 69,1% tổng số. Tỷ lệ nợ xấu của các chi nhánh này ở mức 1,91% vào cuối năm ngoái, giảm 0,22 điểm phần trăm so với một năm trước.

Trong một thông tin liên quan, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) cho biết giao dịch ngoại tệ của Hàn Quốc đạt 29,52 tỷ USD, trong quý I/2022, tăng 3,54 tỷ USD so với quý trước, nhờ nhu cầu ổn định đối với đồng USD và NDT.

Số liệu từ BoK cũng cho thấy trong tháng Ba giá trị các khoản vay ngân hàng của các hộ gia đình Hàn Quốc đã giảm tháng thứ tư liên tiếp do lãi suất cao và chính phủ hạn chế cho vay.

Cụ thể, dư nợ tại ngân hàng của các hộ gia đình đứng mức 1.059.000 tỷ won (861,3 tỷ USD) tính đến cuối tháng Ba, giảm 1.000 tỷ won so với tháng trước. Mức sụt giảm trong tháng Ba còn mạnh hơn mức giảm 200 tỷ won trong tháng trước, giữa bối cảnh chính phủ tiếp tục hạn chế cho vay, chi phí đi vay tăng do lãi suất cao hơn và nhu cầu mua nhà ít hơn.

Theo BoK, các khoản vay mua nhà đã tăng 2.100 tỷ won trong tháng Ba lên 784.800 tỷ won, song các loại cho vay khác, chủ yếu là cho vay không có bảo đảm đã giảm 3.100 tỷ won xuống còn 273.000 tỷ won.

Chính phủ Hàn Quốc đã duy trì sự thắt chặt đối với hoạt động cho vay của các ngân hàng như một phần trong nỗ lực kiềm chế nợ hộ gia đình vốn đã nổi lên như một nguy cơ tiềm ẩn đối với nền kinh tế.

Bên cạnh đó, BoK cũng đã tiến hành một loạt các đợt tăng lãi suất kể từ tháng 8/2021 nhằm kiềm chế đà tăng của lạm phát, khiến chi phí đi vay trở nên đắt đỏ hơn.

Ứng cử viên cho vị trị tân Thống đốc BoK Rhee Chang-yong, từng lên tiếng bày tỏ lo ngại về vấn đề nợ hộ gia đình, đồng thời đánh đi tín hiệu BoK có thể tăng chi phí đi vay cao hơn nữa để tránh tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, thị trường đang gia tăng kỳ vọng chính phủ mới của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sẽ nới lỏng chính sách hạn chế cho vay và tạo ra một sự thay đổi đối với chính sách cho vay và bất động sản.

Một cuộc khảo sát trước đó của BoK cho thấy các ngân hàng dự kiến sẽ nới lỏng chính sách cho vay đối với hộ gia đình và doanh nghiệp trong quý II/2022.

Tính đến cuối tháng Ba, giá trị khoản vay ngân hàng của các doanh nghiệp đã tăng 8.600 tỷ won lên 1.093.900 tỷ won, khi các ngân hàng tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp chịu thiệt hại do đại dịch COVID-19 và nhu cầu vay vốn phục vụ hoạt động kinh doanh gia tăng./.

>>>OECD: Vốn ODA của Hàn Quốc cao kỷ lục

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục