Ngân hàng Indonesia lội ngược dòng bất chấp đại dịch

10:51' - 04/02/2022
BNEWS Lợi nhuận ròng của Bank Negara Indonesia (BNI) đã tăng gấp đôi trong năm 2021, trong khi lợi nhuận ròng của Bank Mandiri, ngân hàng lớn nhất về giá trị tài sản của Indonesia, tăng hơn 60%.

Bất chấp tác động của đại dịch COVID-19, năm 2021, các ngân hàng lớn của Indonesia đã ghi nhận kết quả kinh doanh tốt, nhờ sự phục hồi kinh tế từ tình trạng suy thoái năm 2020 và các chính sách hỗ trợ của chính phủ.

Lợi nhuận ròng của Bank Negara Indonesia (BNI) thuộc sở hữu của nhà nước đã tăng gấp đôi trong năm 2021, trong khi lợi nhuận ròng của Bank Mandiri, ngân hàng lớn nhất về giá trị tài sản của Indonesia, tăng hơn 60%.

Cả hai ngân hàng quốc doanh nói trên đã lội ngược dòng thành công sau một năm 2020 đầy ảm đạm khi lợi nhuận lần lượt sụt giảm tới 78% và 38%.

 

Bank Central Asia (BCA), ngân hàng tư nhân lớn nhất của Indonesia, ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 15% vào năm 2021 sau khi sụt giảm 5% vào năm trước. Lợi nhuận ròng của BCA cũng cao nhất hệ thống ngân hàng nước này.

Lãnh đạo của ba ngân hàng nói trên cho biết những con số nói trên nằm ngoài dự đoán của họ cũng như kỳ vọng của thị trường. Tuy nhiên, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc BNI Royke Tumilaar cho rằng lợi nhuận của ngân hàng này “vẫn còn nhiều khả năng cải thiện”.

Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Cải cách Kinh tế (CORE) Piter Abdullah cho rằng ít nhất hai chính sách đã góp phần cải thiện đáng kể lợi nhuận của các ngân hàng trong năm vừa qua.

Một là, chương trình tái cơ cấu nợ cho phép các ngân hàng tái phân loại một số khoản cho vay kém hiệu quả (NPL) thành các khoản cho vay tốt, có nghĩa là những khoản vay này không bắt buộc phải trích lập dự phòng ngay lập tức, điều có thể làm xói mòn thu nhập của các ngân hàng.

Hai là, lãi suất điều hành được Ngân hàng Indonesia (BI) duy trì ở mức thấp nhất mọi thời đại cho phép các ngân hàng cắt giảm chi phí trong bối cảnh lãi suất cho vay gần như không thay đổi.

Theo ông Piter, tiến độ giải ngân tín dụng tốt hơn trong năm 2021 cũng làm tăng lợi nhuận của các ngân hàng. Kinh tế phục hồi, tiêu dùng gia tăng và hoạt động đi lại được nới lỏng làm tăng nhu cầu tín dụng trong bối cảnh COVID-19 được kiểm soát tốt, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2021.

Giải ngân tín dụng của BNI, BCA và Mandiri đã tăng 5,3-8,8% vào năm 2021. Tín dụng doanh nghiệp dành cho cơ sở hạ tầng, viễn thông, sản xuất, dầu cọ và khai khoáng là những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng cao.

Các chính sách ưu đãi thuế của chính phủ đối với nhà ở và ô tô đã thúc đẩy tín dụng tiêu dùng với vốn giải ngân vượt mức trước đại dịch, mặc dù các khoản vay mua ô tô đạt thấp do tình trạng thiếu chip toàn cầu.

Theo dữ liệu của Cơ quan Dịch vụ Tài chính (OJK), tăng trưởng cho vay tại ba ngân hàng lớn nói trên cao hơn mức trung bình 5,2% của toàn ngành, trong khi năm 2020 sụt giảm 2,4%.

Trong bối cảnh các hoạt động kinh tế được nối lại, có thêm nhiều khách hàng có thể hoàn trả các khoản nợ hơn. Tỷ lệ nợ có rủi ro (LAR) của ba ngân hàng này, bao gồm các khoản cho vay được cơ cấu lại và nợ xấu, giảm khoảng 4 điểm phần trăm xuống còn 14,6-23,3% tổng các khoản cho vay.

Mặc dù các điều kiện được cải thiện, BCA và BNI đã tăng trích lập dự phòng LAR thêm 10 điểm phần trăm lên mức 39% và 37%, trong khi mức trích lập dự phòng LAR của Mandiri giảm 3 điểm phần trăm xuống còn 64,33%.

Trong năm 2022, BNI đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 7-10%, trong khi mục tiêu của Mandiri là trên 8%. Về phần mình, BCA đặt mục tiêu khiêm tốn hơn từ 6-8%, thấp hơn mức năm 2021.

Nhà nghiên cứu Nailul Huda thuộc Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính (Indef) cho rằng bên cạnh hoạt động đi lại, lãi suất và tính thanh khoản, tăng trưởng của ngành ngân hàng trăm năm này còn phụ thuộc vào việc quản lý nợ xấu và LAR.

Theo ông Nailul, phản ứng chống đại dịch của chính phủ trong năm 2022 vẫn sẽ là yếu tố quyết định đối với tăng trưởng cho vay, trong khi lo ngại hiện đang tăng trước tốc độ lây lan nhanh của biến thể Omicron.

Cụ thể, nếu có nhiều biện pháp hạn chế hơn, điều này sẽ tác động tiêu cực đến ngành ngân hàng. Ngoài ra, động thái tăng lãi suất sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng cần được xem xét do điều này sẽ ảnh hưởng đến quyết định của BI về lãi suất điều hành.

Ông Nailul cho rằng: “Nếu các điều kiện vẫn tương tự như năm 2021 khi chính sách tiền tệ được nới lỏng và lãi suất điều hành được duy trì ở mức thấp, các mục tiêu của ngành ngân hàng là có thể đạt”./.

>>Indonesia nỗ lực thu hút 84 tỷ USD vốn đầu tư trong năm nay

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục