Ngân hàng Nhà nước từng thanh tra và xử phạt vụ căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch

19:44' - 11/05/2018
BNEWS Ngày 11/5, phiên tòa xét xử sơ thẩm 28 bị cáo trong vụ án thất thoát hơn 6.300 tỷ đồng tại Ngân hàng Đại Tín tiếp tục phần xét hỏi làm rõ hành vi nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch.

Ngày 11/5, phiên tòa xét xử sơ thẩm 28 bị cáo trong vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại Cổ phần Đại Tín (gọi tắt là Ngân hàng Đại Tín) tiếp tục phần xét hỏi làm rõ hành vi nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch lên 1.268 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín 1.105 tỷ đồng.

* Đã từng bị thanh tra và xử phạt

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 11/5. Ảnh: Thành Chung - TTXVN

Tại phiên tòa hôm nay, ông Lê Hồng Quân - Cục Thanh tra giám sát ngân hàng được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ủy quyền tham dự phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Trả lời các câu hỏi của luật sư đặt ra, ông Quân cho biết đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước có quyết định thanh tra đối với Ngân hàng Đại Tín, thời hạn thanh tra đến ngày 29/2/2012. Theo kết luận thanh tra số 224 ngày 10/7/2012, nội dung thanh tra gồm 9 vấn đề trong đó có việc mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch.

Theo ông Quân, tại thời điểm thanh tra, Ngân hàng Đại Tín đã vi phạm các quy định pháp luật về việc mua bán tài sản cố định vào thời gian trước đó và việc mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch thì càng vi phạm nữa. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định xử phạt hành chính hành vi này.

Khi được hỏi vì sao khi thanh tra phát hiện sai phạm nhưng không đề nghị xử lý hình sự mà lại xử phạt hành chính, đại diện Ngân hàng Nhà nước nói sẽ trả lời sau bằng văn bản.

Theo quy định, tỉ lệ đầu tư mua sắm tài sản cố định không vượt quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của ngân hàng. Cáo trạng thể hiện, trong việc quyết định mua nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, các thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại Tín biết rõ các điều kiện và quy định về mua sắm tài sản cố định nhưng vẫn quyết định với giá 1.260 tỷ đồng là trái quy định pháp luật.

Bị cáo Trần Sơn Nam (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Tín) cho biết, số tiền dùng để mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch là từ vốn điều lệ của ngân hàng. Trong thời điểm mua căn nhà này, tính thanh khoản của ngân hàng vẫn đảm bảo.

* “Sốc” vì giá trị căn nhà

Bị cáo Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín) tại phiên tòa ngày 11/5. Ảnh: Thành Chung - TTXVN

Trả lời câu hỏi của luật sư về vấn đề sau khi mua Ngân hàng Đại Tín, VNCB đã định giá lại căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch và kết quả giá trị thời điểm đó là 181 tỷ đồng, ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCB) cho biết, bản thân “rất bàng hoàng”, “sốc” vì giá trị thấp hơn con số 1.268 tỷ rất nhiều lần. Còn ông Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB) cho biết, thời điểm đó nếu bán căn nhà này với giá thị trường thì VNCB sẽ càng lỗ sâu và càng gặp khó khăn hơn.

Chủ tọa phiên tòa hỏi đại diện Ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xây dựng Việt Nam (CB), đơn vị kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của Ngân hàng Đại Tín có yêu cầu bị cáo Hứa Thị Phấn và đồng phạm bồi thường số tiền 1.105 tỷ đồng hay không. Tuy nhiên, vị đại diện này khá lúng túng mới trả lời là CB có yêu cầu “hoàn trả”. Hội đồng xét xử giải thích, vì bị cáo Hứa Thị Phấn và các đồng phạm bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nên nếu có yêu cầu liên quan đến số tiền 1.105 tỷ đồng thì phải là “bồi thường” chứ không phải “hoàn trả”.

Chủ tọa cũng nhắc nhở vị đại diện này cần trao đổi rõ với người ủy quyền mình để thể hiện chính xác ý muốn của người ủy quyền. Đồng thời lưu ý rằng việc xem xét hợp đồng mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch có hợp pháp hay không thì đây không phải là nội dung xem xét tại vụ án hình sự này.

Ngày 14/5, phiên tòa tiếp tục xét xử./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục