Ngành công nghiệp sản xuất ô tô châu Âu đình đốn vì xung đột ở Ukraine

06:30' - 15/03/2022
BNEWS Báo Le Monde vừa đăng bài viết cho rằng “dư chấn địa chính trị” bắt đầu được cảm nhận rõ dần tại các nhà máy sản xuất ô tô ở châu Âu.

Chưa hết khủng hoảng này đã đến khủng hoảng khác, hay nói chính xác hơn, từ đại dịch toàn cầu đến xung đột quân sự..., ngành công nghiệp ô tô đang phải đương đầu với một làn sóng bất ổn mới, trong khi đại dịch COVID-19 và tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn đã khiến sản lượng của ngành sụt giảm mạnh mẽ kể từ năm 2020. Sau cú sốc COVID-19, các nhà sản xuất ô tô châu Âu lập tức phải hứng chịu hệ lụy từ chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga phát động nhằm vào Ukraine.

Tâm chấn của “trận động đất mới” này rõ ràng nằm trên lãnh thổ Nga, và nhà sản xuất ô tô bị ảnh hưởng nhiều nhất chắc chắn là Renault của Pháp, vốn đã bán được 500.000 xe và đang duy trì 3 nhà máy lớn ở Nga.

Một nhà máy mang thương hiệu Renault nằm gần Moskva và hai nhà máy còn lại lấy danh nhà sản xuất lịch sử AvtoVAZ (thương hiệu Lada), trong đó hãng xe Pháp là cổ đông lớn nắm giữ 68% vốn. Renault là tập đoàn “Nga” nhất trong số các nhà sản xuất xe ô tô lớn, với 40.000 nhân viên và khoảng 50 chuyên gia người Pháp có mặt tại nước này.

Renault đã phải ngừng sản xuất tại cơ sở ở Moskva kể từ cuối tháng Hai do việc vận chuyển các bộ phận thiết yếu cho quá trình sản xuất không thể đi qua đường biên giới. Ngoài ra, AvtoVAZ, công ty đứng đầu về doanh số bán hàng tại Nga, đã buộc phải đóng cửa các xưởng sản xuất trong ít ngày “do có vấn đề về nguồn cung chất bán dẫn”. 

Tuy nhiên, Renault không phải là hãng duy nhất bị ảnh hưởng bởi xung đột. Ngày 3/3, Volkswagen, nhà sản xuất ô tô hàng đầu châu Âu, cũng buộc phải thông báo dừng các hoạt động tại Nga, nơi tập đoàn này có hai cơ sở sản xuất. Hoạt động xuất khẩu từ Nga đang bị gián đoạn và tập đoàn của Đức không thể giao bất cứ đơn hàng nào từ nước này.

Cùng thời điểm, Mercedes cũng thông báo tạm dừng sản xuất và xuất khẩu xe lắp ráp tại Nga. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã hoan nghênh “sự ủng hộ hoàn toàn của các doanh nghiệp đối với các lệnh trừng phạt Nga”.

Nhưng cũng không hẳn như vậy, bởi đằng sau quyết định này còn có những lý do kinh tế. Sau khi loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, độ tin cậy của các dòng tài chính và chuỗi cung ứng đến và đi từ Nga bắt đầu bị đặt vấn đề.

Toyota là một minh chứng khác cho hậu quả của khủng hoảng địa chính trị. Nhật Bản này đã quyết định ngừng sản xuất tại Nga “cho đến khi có thông báo mới” kể từ thứ ngày 4/3. Việc nhập khẩu vào thị trường này cũng bị đình chỉ do “những xáo trộn trong chuỗi cung ứng” liên quan đến xung đột Nga-Ukraine. Các nhà sản xuất khác của Nhật Bản gồm Suzuki, Honda và Mazda cũng đã tạm dừng hoặc giảm bớt hoạt động tại Nga.

Nissan đã ngừng xuất khẩu sang Nga, nhưng vẫn tiếp tục vận hành một nhà máy ở Saint Petersburg trong cảnh “thấp thỏm”. Tình hình tương tự đối với Mitsubishi, hiện đang vận hành một nhà máy ở Kaluga, cách Moskva 160 km, với tập đoàn Stellantis liên danh Pháp-Italy-Mỹ. Cơ sở này vẫn đang hoạt động nhưng đang trải qua những gián đoạn nghiêm trọng về mặt hậu cần và quyết định tạm dừng chỉ còn là vấn đề thời gian.

Tuy nhiên, dư chấn không chỉ dừng ở nền kinh tế Nga. Sự gián đoạn trong chuỗi nhà thầu phụ đang ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động sản xuất tại nhiều nhà máy ở châu Âu. Cụ thể, các hãng đang phải chịu hậu quả của việc nhà thầu phụ Leoni ngừng hoạt động. Đây là công ty có một nhà máy lớn ở miền Tây Ukraine, với 7.000 nhân viên, chuyên sản xuất mạng cáp và linh kiện bảng điều khiển. Volkswagen và Porsche đã phải ngừng một số dây chuyền sản xuất tại Đức. Với Audi, việc sản xuất các mẫu xe A4, A5, A6 và A7 cũng đã phải tạm ngừng từ đầu tuần này.

Về phần mình, BMW dự kiến sẽ ngừng vận hành một số nhà máy của mình (tại Đức, Áo, Hà Lan và Anh) trong một tuần. Tại Dingolfing, Bavaria, cơ sở lớn nhất châu Âu của BMW, với khoảng 10.000 nhân viên, cũng bị liên đới. Báo Handelsblatt của Đức cho biết hãng Mercedes cũng thông báo ngừng công việc vào tuần này tại Sindelfingen, nơi sản xuất các mẫu sedan hạng sang E-Class, S-Class và EQS.

Các nhà sản xuất thiết bị tất nhiên cũng không được miễn trừ trước những khó khăn này. Tập đoàn Michelin cho biết sẽ ngừng sản xuất tại một số nhà máy ở châu Âu, đặc biệt là ở Cholet, vì các vấn đề về “hậu cần” liên quan đến “khủng hoảng nghiêm trọng ở Ukraine”. Những xáo trộn này có thể sẽ ảnh hưởng đến thị trường xe hơi thế giới. 

Trong một bài viết ngày 3/3, viện nghiên cứu Ifo của Đức đã lưu ý rằng các nhà sản xuất đều dự báo giá các mẫu xe sẽ tăng mạnh. “Tất cả các hãng ô tô đều báo cáo tình trạng thiếu hụt các sản phẩm trung gian đã đột ngột trở nên tồi tệ hơn do tình hình ở Ukraine. Các đơn đặt hàng vẫn còn rất nhiều và không thể đáp ứng được”, Oliver Falck, một chuyên gia của Ifo, cho biết.

Khó khăn chưa dừng lại ở đây. Laurent Petizon, Tổng Giám đốc công ty tư vấn AlixPartners tại Pháp, phân tích: “Dự kiến sẽ có sự thiếu hụt palladium, một kim loại quý được khai thác chủ yếu ở Nga. Vật liệu này rất cần cho bộ chuyển đổi xúc tác của xe ô tô. Tình trạng cũng diễn ra tương tự với khí neon, vốn rất cơ bản đối với chất bán dẫn. Nếu cộng thêm giá năng lượng tăng cao khiến giá nhôm và thép tăng theo, các hãng sẽ sản xuất ít xe hơn và giá thành cũng ngày càng đắt hơn”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục