Ngành dệt may thay đổi để bắt kịp xu hướng - Bài 2: Giải pháp sống còn

10:46' - 30/12/2017
BNEWS Năm 2018 được dự báo sẽ là năm khởi sắc và có nhiều triển vọng của ngành dệt may. Tuy nhiên, song hành với cơ hội thì còn nhiều khó khăn nhất định.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành trong việc tháo gỡ khó khăn cho ngành dệt may phát triển, bản thân các doanh nghiệp cần chuẩn bị cả nguồn lực về vốn, thị trường, công nghệ trong quá trình đầu tư, sản xuất mới, đặc biệt là xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 đã đến với tốc độ rất nhanh.

Sản xuất khăn bông tại Công ty TNHH Dệt may 29-3. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

*Thay đổi từ công nghệ

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), với những lợi thế cạnh tranh và FTA trong năm 2017, năm 2018 dự kiến xuất khẩu dệt may có thể đạt kim ngạch từ 33,5 - 34 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu trên, ngành dệt may đã xây dựng một số giải pháp mang tính chiến lược cho sự phát triển của ngành trong năm 2018. Cụ thể, Vitas sẽ xây dựng chiến lược phát triển công nghệ 4.0 vào ngành dệt may Việt Nam.

Đây là một giải pháp bắt buộc phải có của các doanh nghiệp để nâng cao tính cạnh tranh, tạo sự đột phá, khác biệt trong ngành so với những năm trước cũng như đi trước so với một số nước ASEAN.

Trong năm 2018, Vitas sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực hiện đang thiếu hụt trong ngành, nhằm hạn chế tối đa việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu, góp phần tăng thặng dư thương mại.

Dự kiến thặng dư thương mại của ngành dệt may trong năm 2018 sẽ là 18 tỷ USD, thay vì chỉ khoảng 15,5 tỷ USD như năm nay.

Vitas cũng hướng các doanh nghiệp tập trung vào mô hình quản lý LEAN (sản xuất tinh gọn), đặc biệt là đầu tư vào sản xuất bền vững, xanh, sạch, an toàn và giảm thiếu tối đa áp lực thời gian làm việc trong ngành, tạo động lực làm việc cho người lao động.

Song song đó, ngành dệt may cũng hướng tới việc tập trung xây dựng chiến lược phát triển hàng thời trang, thiết kế nhằm xây dựng các thương hiệu thời trang Việt Nam cũng như đảm bảo việc tự túc trong sản xuất FOB (tự chủ nguyên phụ liệu) và ODM (tự thiết kế, sản xuất).

Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết hợp tác trong hội viên nhằm nâng cao tính cạnh tranh của ngành dệt may trong thời gian tới.

*Bắt kịp xu hướng mới

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam là chi phí sản xuất ngày càng tăng lên và khả năng xu hướng dịch chuyển đơn hàng có giá trị thấp về các nước như Banglades, Campuchia vì ở đó tiền lương cho người lao động thấp.

Mặt khác, khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì thách thức các doanh nghiệp không thể bỏ qua đó là xu hướng fast fashion (thời trang ăn liền hay thời trang nhanh) sản xuất trong thời gian cực ngắn.

Nếu như trước đây các doanh nghiệp một mùa mới đưa ra mẫu mới thì bây giờ là hàng tuần, đặc biệt gần đây các hãng thời trang ngoại như Zara, H&M, Topshop đã đổ bộ vào Việt Nam với giá rất bình dân, không những gây áp lực cho các doanh nghiệp trong nước về tiến độ sản xuất mà còn giá cả.

Sự góp mặt của các thương hiệu thời trang này cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp trong nước nhưng đây lại là động lực cho các doanh nghiệp nội thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh và giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn.

Xu hướng này đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải chuyển hướng, thay đổi mục tiêu sản xuất kinh doanh và thay đổi công nghệ nếu không muốn doanh nghiệp ngoại lấn át.

Đó là phải chuyển từ phương thức sản xuất truyền thống chủ yếu là gia công sang tự thiết kế và sản xuất thành phẩm.

Ngành may mặc trong nước cần đầu tư công nghệ hiện đại, xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, nhạy bén với thị trường.

Trên thế giới đã có nhiều doanh nghiệp ứng dụng các thông số đo, cắt tự động, thậm chí máy móc, robot may hàng loạt mà không cần con người…

Đầu tư công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng được độ chính xác của sản phẩm, số lượng đơn hàng nhanh, giảm các chi phí đầu vào.

Biết là thời gian đầu đầu tư sẽ rất tốn kém nhưng bắt buộc các doanh nghiệp phải đầu tư, phải tồn tại.

Hiện đã có rất nhiều doanh nghiệp trong nước đầu tư phần mềm cắt tự động như phần mềm Gerber, Lectra giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều vải và chi phí nhân công nhưng cái khó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Do đó, trước những sức ép bên trong lẫn bên ngoài, khi lao động giá rẻ không còn là lợi thế, bắt buộc doanh nghiệp trong nước phải nâng cao năng lực cạnh tranh bằng ứng dụng khoa học công nghệ để vừa nâng cao chất lượng sản phẩm vừa giảm thiểu chi phí sản xuất và nâng cao năng suất lao động của dây chuyền.

Sản xuất tại Công ty TNHH Dệt may 29-3. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Trước xu hướng thời trang không còn theo mùa mà là theo tuần, theo ngày, ông Đỗ Hữu Thanh, Tổng giám đốc Công ty Sư Tử Vàng (Tp.Hồ Chí Minh) cho rằng, điều này tạo áp lực rất lớn cho doanh nghiệp không chỉ về mẫu mã, đơn hàng mà còn gánh nặng thời gian.

Là một doanh nghiệp chuyên may đồng phục, với số lượng 750 khách hàng trên thế giới, hàng tháng doanh nghiệp phải ra ít nhất 200 mẫu đồng phục, thời gian sản xuất bình quân một đơn hàng từ 25-30 ngày.

Để đáp ứng một đơn hàng nhanh như vậy, rõ ràng với những công cụ truyền thống không đáp ứng được buộc doanh nghiệp phải tìm kiếm phầm mềm giúp xây dựng kế hoạch, triển khai đơn hàng sản xuất thật nhanh và chính xác, đồng thời tiết kiệm được chi phí.

Chẳng hạn, riêng việc cắt vải nếu không tính toán kỹ thì đơn hàng nhanh như vậy sẽ tốn rất nhiều chi phí, định mức vải khi mua rồi thì không trả lại được, khi có phần mềm tối ưu hóa những vấn đề này sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí “chìm” mà doanh nghiệp không nhìn thấy được.

Đầu tư rất tốn kém nhưng thay đổi công nghệ mới là xu hướng “sống còn” của doanh nghiệp trong bối cảnh này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục