Ngành điều "đau đầu" với bài toán nguyên liệu nhập khẩu

15:34' - 24/02/2018
BNEWS Việc nguồn cung nguyên liệu trong nước còn khá ít so với nhu cầu đã khiến phần lớn nguyên liệu điều thô hiện phải nhập khẩu. Điều này dẫn đến nhiều rủi ro cho các nhà máy chế biến điều.
Chế biến hạt điều xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Nhật Huy (Bình Dương). Ảnh: TTXVN
Trong những năm gần đây, sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp chế biến điều đã đưa Việt Nam lên vị trí dẫn đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều. Tuy nhiên, với nguồn cung nguyên liệu trong nước còn khá ít so với nhu cầu của các nhà máy đã khiến phần lớn nguyên liệu điều thô hiện phải nhập khẩu. Điều này cũng dẫn đến nhiều rủi ro trong nhập khẩu nguyên liệu, nhất là vấn đề chất lượng sản phẩm. 

* Rủi ro từ nguyên liệu nhập khẩu 

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), hàng năm, ngoài số lượng hạt điều thô trong nước Việt Nam còn nhập thêm hạt điều thô từ nước ngoài, chủ yếu từ các nước châu Phi, một phần từ Campuchia và Indonesia. Tính đến 31/10, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn điều thô và đến hết năm 2017 dự kiến sẽ nhập khoảng 1,5 triệu tấn, chiếm khoảng 80-90% tổng nhu cầu chế biến của các doanh nghiệp. Việc phụ thuộc nhiều vào lượng nguyên liệu nhập khẩu đang đem lại nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp Việt, nhất là về chất lượng, vận chuyển và hình thức thanh toán... 

Ông Bạch Khánh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH Giám định Vinacontrol Tp. Hồ Chí Minh – đơn vị giám định chất lượng điều nhập khẩu cho biết, trong mùa vụ năm 2017, hiện tượng điều thô nhập khẩu từ châu Phi bị ẩm, mốc, mọc mầm, thối nhũn, lẫn tạp chất vẫn còn xảy ra nhưng với tần suất thấp hơn nhiều so với mùa vụ trước. Tuy nhiên, tỷ lệ tổn thất ở điều thô nhập khẩu hiện vẫn còn khá cao, lên đến 30%. 

Đáng chú ý, mùa vụ này chất lượng điều thô lại có vấn đề lớn, do xảy ra hiện tượng “hạt điều bị thối nhân”. Đây là hiện tượng hạt điều thô có tình trạng bên ngoài khô ráo, màu sắc vỏ hạt bình thường, nhưng nhân điều bên trong bị thối hoặc mốc nặng. 

Theo ông Nhựt, hiện tượng này làm cho tỷ lệ nhân thu hồi giảm mạnh, sẫm màu và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nhân điều sau khi chế biến. Nhân điều sau khi chế biến không còn màu sắc, mùi vị đặc trưng của sản phẩm không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Trường hợp nhân điều bị mốc, thối nặng thì sau khi chế biến, con người không thể sử dụng được. 

Không chỉ riêng chất lượng điều thô nhập khẩu có vấn đề, việc mua điều thô hiện nay rất phức tạp, nhất là tình trạng “xù” hợp đồng. Theo ông Vũ Thái Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Long Sơn, tình trạng doanh nghiệp Việt Nam sang mua nguyên liệu, đặt cọc tiền trước cho người bán hàng nhưng rồi không nhận được hàng và cũng mất luôn cọc đã không còn hiếm hoi gì. 

Bên cạnh đó, hình thức thanh toán hiện nay cũng mang lại nhiều bất lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu điều thô Việt Nam. Với công thức thanh toán trước 98%, 2% còn lại sẽ thanh toán sau khi kiểm định chất lượng tại Việt Nam có vẻ có lợi cho người bán. Để đảm bảo an toàn trong khâu thanh toán, phần lớn các doanh nghiệp Việt đều muốn mở tín dụng thư (L/C) tại nước nhập khẩu, nhưng các ngân hàng ở châu Phi lại không có điều kiện mở L/C và có hãng tàu uy tín tham gia. 

* Cơ hội đầu tư nhà máy tại vùng nguyên liệu 

Sự bùng nổ và tiến bộ vượt bậc của ngành công nghiệp chế biến điều trong thời gian qua, đã mang đến vị trí đứng đầu thế giới cho Việt Nam về năng lực chế biến điều. Tuy nhiên, trước thực tế về vấn đề điều nguyên liệu nhập khẩu còn nhiều bất cập như trên, đang đặt ra bài toán ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến. 

Tại Hội nghị điều quốc tế Việt Nam lần thứ 9 vừa được tổ chức ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), nhiều nhà xuất khẩu điều thô bày tỏ mong muốn được hợp tác và kêu gọi các nhà đầu tư Việt Nam xây dựng nhà máy chế biến tại chỗ. 
Chế biến điều tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phúc An (tỉnh Bình Phước). Ảnh: TTXVN
Theo ông Babatola Faseru, Chủ tịch Hiệp hội điều Nigeria (NCAN), Phó Chủ tịch Liên minh điều châu Phi, với điều kiện vốn đầu tư thấp, hạt điều thu hoạch dàn trải nên việc phơi hạt cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, nông dân Nigieria khó tạo ra sản phẩm nguyên liệu đạt chất lượng cao như hạt điều của Việt Nam và chất lượng theo yêu cầu của các nhà thu mua nguyên liệu Việt Nam. 

Tuy nhiên, “với khả năng sản xuất điều của Nigeria có thể lên đến 500.000 tấn vào năm 2020 và Chính phủ nước này cũng đang có chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến hạt điều thì đây sẽ là cơ hội hợp tác để xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ và cung cấp nguyên liệu chế biến hạt điều ổn định cho các nhà chế biến Việt Nam”, vị này cho hay. 

Ông Diaby Aboubacar, Chủ tịch Hiệp hội những nhà xuất khẩu điều Bờ Biển Ngà cho biết, Việt Nam hiện đang là đối tác chính của nước này khi nhập tới 68% tổng lượng điều xuất khẩu hàng năm (gần 400.000 tấn điều thô/năm). Với năng lực chế biến và xuất khẩu điều hàng đầu thế giới hiện nay của Việt Nam, Bờ Biển Ngà mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam đến đầu tư chế biến tại đây và cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp đầu tư tại đây. 

Theo ông Diaby Aboubacar, có nhiều lý do làm cho ngành điều Bờ Biển Ngà chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô mà không thể chế biến, vì lãi suất ngân hàng cho vay sản xuất chế biến còn khá cao. Bên cạnh đó, hầu hết máy móc chế biến điều đều mua từ Việt Nam nên nếu máy bị hỏng thì phải chờ kĩ sư Việt Nam sang mới sửa được, chi phí cao, thời gian chờ lâu. Người châu Phi cũng không biết cách điều hành các máy bóc vỏ hạt điều vì khoảng cách am hiểu kĩ thuật vận hành máy. 

“Chúng tôi mong muốn kí biên bản ghi nhớ với VINACAS chia sẻ thông tin, công nghệ, đưa ra giải pháp chế biến sản phẩm phụ của điều châu Phi như vỏ sau khi bóc. Vì đa số họ chỉ biết làm vật liệu đốt, trong khi Việt Nam lại có thể làm được các sản phẩm khác giá trị cao hơn. Chúng tôi sẽ cải tạo luật, hoàn thiện hệ thống giao thông và kĩ thuật chăm sóc cây điều, hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đến đầu tư chế biến điều ngay tại vùng nguyên liệu châu Phi”, ông Diaby Aboubacar chia sẻ. 

Theo VINACAS, việc “bắt tay” hợp tác với các nhà xuất khẩu điều thô nhằm kiểm soát vấn đề chất lượng nguyên liệu đã được Việt Nam thực hiện nhiều năm nay, nhất là thông qua các hội nghị khách hàng được tổ chức hàng năm. Mới đây, VINACAS cũng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Liên minh điều Châu Phi, Nigeria, Guinea Bissau… 

Như vậy, với nguyện vọng liên kết hợp tác của các đối tác đến từ châu Phi, thì đây chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều Việt Nam. Bởi vì, song song với việc đầu tư các nhà máy chế biến điều, thì doanh nghiệp có thể xây dựng vùng nguyên liệu điều thô để cung ứng về Việt Nam (giống như vùng nguyên liệu tại Campuchia), tuyển chọn trực tiếp nguồn cung chất lượng cao mà không phải qua trung gian cung ứng, giải quyết được cái khó nguyên liệu cho ngành điều trong nước lẫn vận chuyển và vướng mắc về thanh toán hiện nay. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục