Ngành điều đối mặt ba thách thức lớn

15:48' - 30/09/2017
BNEWS Ngành điều Việt Nam gặp khá nhiều thách thức khi tham gia vào các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Tại hội nghị “Phát triển ngành điều bền vững gắn với chuỗi giá trị toàn cầu” ngày 30/9 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, ngành điều vẫn còn cơ hội phát triển. Tuy nhiên, ngành điều vẫn còn 3 thách thức lớn: nguyên liệu, chế biến và tiếp cận thị trường.

Hội nghị “Phát triển ngành điều bền vững gắn với chuỗi giá trị toàn cầu” ngày 30/9. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tuy có cơ hội nhưng nếu không hoá giải 3 thách thức trên thì ngành điều sẽ tụt hậu, thậm chí sẽ suy giảm. Trong đó, nút thắt lớn nhất là phải tổ chức lại khâu tổ chức sản xuất nguyên liệu. “Phải dồn toàn lực cho sản xuất nguyên liệu. Đây là khâu quan trọng nhất, bởi nếu không dồn nguồn lực vào khâu này thì những khâu sau cũng khó phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Sau hơn 3 thập kỷ phát triển, Việt Nam đã trở thành nước có kim ngạch xuất khẩu điều nhân số 1, chế biến đứng thứ 2 và đứng thứ 3 thế giới về năng suất và sản lượng. Năm 2016, ngành điều Việt Nam xuất khẩu 347.000 tấn điều, đạt kim ngạch 2,84 tỷ USD, chế biến trên 50% sản lượng điều của thế giới.

Ngành điều đem lại giá trị kinh tế lớn và góp phần giải quyết việc làm cho hàng triệu nông dân và công nhân chế biến.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Liền – chuyên gia phân tích thị trường cho biết, mặc dù là nước xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, Việt Nam chỉ tham gia vào khâu chế biến sơ, tương đương 18% chuỗi giá trị điều. Phần lợi nhuận lớn nhất vẫn nằm ở khâu chế biến rang muối và phân phối với tổng giá trị gần 60%. Ngành điều Việt Nam gặp khá nhiều thách thức khi tham gia vào các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Đánh giá về thị trường ngành điều, ông Lê Văn Liền cho biết, hiện nay nguồn cung điều thô tăng 3,5%/năm không thể đáp ứng nguồn cầu (tăng 6%/năm) do mất mùa, hạn hán, biến đổi khí hậu.

Giá điều thô tăng do thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Ngành điều thế giới đang đối diện với rủi ro do mất mùa gây tổn thất cho cả chuỗi giá trị, cũng như làm giảm khả năng cạnh tranh của hạt điều so với các loại hạt khác.
Nhiều chuyên gia cho rằng năng suất điều có thể tăng được 30-40% nếu áp dụng đồng bộ khoa học công nghệ trong canh tác tiên tiến, đây là một trong những giải pháp đột phá để phát triển ngành điều.

Theo ông Lê Văn Liền, nguồn cung điều thế giới tăng trưởng chậm là cơ hội cho Việt Nam nếu chúng ta xây dựng được vùng nguyên liệu điều cho năng suất cao và ổn định, từ đó chủ động điều tiết giá và giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Ngành điều Việt Nam đang sở hữu nhiều giống điều cho năng suất cao, năng suất cây điều có thể lên tới 2,5-3 tấn/ha.
Bên cạnh nâng cao chất lượng giống, theo ông Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Trồng trọt, tái canh, trồng mới là biện pháp quan trọng nhằm đổi mới vườn điều, trẻ hóa vườn cây, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Mặt khác tái canh góp phần hạn chế thiệt hại do mưa trái mùa, ảnh hưởng biến đổi khí hậu.
Chia sẻ Đề án mô hình liên kết 4 nhà trong phát triển vùng điều bền vững tại Bình Phước, ông Nguyễn Khắc Hải – Tổng giám đốc Tập đoàn PAN cho biết, để phát triển vùng nguyên liệu điều chuyên canh trước hết cần phải tái canh, bởi tỷ lệ diện tích điều già cỗi (trên 20 năm) chiếm 30%. 80% được trồng từ hạt, không qua chọn lọc giống…
Theo đó, Tập đoàn PAN sẽ hỗ trợ trồng và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân để phát triển ngành điều của Việt Nam theo hướng sản xuất hàng hóa gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu.

Về kế hoạch thực hiện, Tập đoàn PAN sẽ thực hiện mô hình thí điểm trên một vùng nguyên liệu với diện tích 10.000 ha ở Bình Phước, Tập đoàn liên kết với người nông dân qua hợp tác xã trong quá trình vận hành mô hình. Sau đó nhân rộng mô hình và chuyển giao công nghệ cho các hộ và hợp tác xã trong vùng.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Tập đoàn PAN và tỉnh Bình Phước hoàn thiện Đề án mô hình liên kết 4 nhà trong phát triển vùng điều bền vững. Có những phương án tái canh hiệu quả, đảm bảo sinh kế cho người dân khi tái canh. Cùng với đó là tiếp tục nghiên cứu về giống, quy trình chăm sóc, đào tạo nguồn nhân lực, sản phẩm chế biến giá trị gia tăng… để ngành điều Việt Nam phát triển bền vững, gắn với chuỗi giá trị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục