Ngành du lịch sẽ đóng góp 10% GDP cả nước

19:12' - 05/12/2018
BNEWS Du lịch Việt được ví như viên ngọc tiềm ẩn với vô vàn tiềm năng, nhưng thực tế khi so sánh với các quốc gia đi đầu trong khu vực vẫn còn một khoảng cách khá xa.

Ngày 5/12, tại Hà Nội, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân phối hợp cùng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), Báo VnExpress và Hiệp hội Du lịch tổ chức Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018.

Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam 2018. Ảnh: Thùy Linh/BNEWS/TTXVN

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Trần Trọng Kiên - Thành viên Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế Tư nhân cho biết, 10 năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng, nhất là 3 năm gần đây, lượng khách du lịch đến Việt Nam đã tăng gấp đôi.

Tuy nhiên, ngành du lịch đang vấp phải những thách thức hết sức to lớn. Cụ thể, năng suất lao động trong ngành thấp và tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc gia chưa cao. Tính bền vững thấp với sự phụ thuộc nhiều vào một vài thị trường và một vài điểm đến. Ngoài ra, một số điểm thăm quan đã có sự phá hủy môi trường nghiêm trọng cùng với sự xuống cấp của nhiều giá trị văn hóa.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng, Việt Nam có nhiều tiềm năng du lịch. Đây là ngành góp phần vào sự phát triển chung của đất nước, nhất là từ sau năm 1986. Từ năm 1990 đến 2017, ngành du lịch nước nhà đã đạt được nhiều thành tựu. Năm 1990, Việt Nam đón 250.000 khách quốc tế, năm 2017 đón trên 13 triệu khách quốc tế, 73 triệu khách nội địa. Từ 1990 đến 2017, khách du lịch quốc tế tăng 52 lần, khách nội địa tăng 72 lần. 

Tuy nhiên, theo báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia toàn cầu, Việt Nam xếp 67/136 nền kinh tế, đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á. Một số hạn chế mà du lịch Việt Nam gặp phải là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực còn yếu, năng lực quản lý điểm đến còn thấp, phát triển du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường. Do đó, việc tái cơ cấu du lịch là cần thiết để nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng. Ảnh: Thùy Linh/BNEWS/TTXVN

Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho biết, Chính phủ giao bộ ngành thực hiện một số đề án phát triển du lịch, trong đó xây dựng đề án cơ cấu lại ngành du lịch đến năm 2025 là nhiệm vụ đầu tiên phải làm. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành du lịch. Đây là đề án được tham vấn chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp với nội dung chính là tập trung cơ cấu lại thị trường, phát triển nguồn nhân lực...

Đối với mục tiêu phát triển ngành du lịch Việt Nam đến 2025, ông Lê Quang Tùng cho biết, dự kiến tổng thu sẽ là 45 tỷ USD, đóng góp 10% GDP cả nước, tạo 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp. 

Để đạt mục tiêu này, Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn đọng trong ngành Du lịch hiện tại... Tuy nhiên việc triển khai cụ thể với phương thức ra sao, công tác điều phối của du lịch cả nước như thế nào.. sẽ là vấn đề then chốt cần giải đáp trong thời gian tới.

Trong những năm qua, du lịch trong phạm vi toàn cầu tăng trưởng liên tục, trở thành ngành kinh tế hàng đầu, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Tổ chức Du lịch Thế giới dự kiến, đến năm 2020 có 7,8 tỷ du khách trên toàn cầu, trong đó, châu Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. 

Ông Trần Trọng Kiên - Thành viên Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế Tư nhân. Ảnh: Thùy Linh/BNEWS/TTXVN

Ông Trần Trọng Kiên cho hay, ý tưởng xây dựng một Diễn đàn cấp cao du lịch quốc gia đã được những người làm du lịch Việt Nam ấp ủ trong rất nhiều năm nay. Tuy nhiên, ý tưởng đó chỉ được thực hiện khi được Lãnh đạo chính phủ mà trực tiếp là Thủ tướng chính phủ chỉ đạo trực tiếp, cho phép và động viên thực hiện.. Qua đó, ông kỳ vọng, diễn đàn này sẽ trở thành sự kiện thường niên, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển.

Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam 2018 là sự kiện nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ViEF do Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo.

Có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với gần 1.500 khách, diễn đàn về du lịch được tổ chức dưới sự chỉ đạo và tham dự của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và các Bộ, ngành liên quan. Sự kiện còn có sự góp mặt của của các CEO tập đoàn lớn trên thế giới, chuyên gia trong nước và quốc tế trong ngành du lịch và gần 1.000 doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan đến du lich

Diễn đàn bao gồm 2 phiên thảo luận diễn ra vào hai ngày 5-6/12. Mục tiêu là tìm ra các giải pháp giải quyết các vấn đề cốt lõi của ngành du lịch như phát triển hạ tầng và những sản phẩm du lịch thu hút; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành; nâng cao năng lực quản lý điểm đến, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về du lịch so với các nước trong khu vực, quảng bá du lịch quốc gia, cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch trong nước, ứng dụng công nghệ để quản lý du lịch và dịch vụ du lịch, quản lý môi trường…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục