Ngành giao thông còn vướng mắc gì khi chuyển đổi số?

07:48' - 11/08/2023
BNEWS Việc cập nhật dữ liệu giấy khám sức khỏe trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến đổi giấy phép lái xe hiện vẫn chưa đồng bộ.

Theo bảng xếp hạng được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố mới đây, Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan đứng đầu bảng xếp hạng đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Đây là kết quả sự quyết tâm chuyển đổi số của Bộ Giao thông Vận tải hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách thuận lợi nhất.

Ba lĩnh vực sử dụng nhiều dịch vụ công nhất

Theo ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin – Bộ Giao thông Vận tải, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngay từ năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số của ngành và yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai.

 

Lãnh đạo Bộ đã chủ trì nhiều cuộc họp chuyên đề và triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 (Đề án "phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030).

Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Lê Thanh Tùng cho hay, từ nay đến năm 2025, trong lĩnh vực chuyển đổi số, Bộ Giao thông Vận tải tập trung trước hết là cung cấp dữ liệu dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp một cách thuận tiện nhất. Trước đây, việc cung cấp chạy theo số lượng được nhiều nhất. Đến nay, yêu cầu tập trung vào chất lượng, làm sao cho người dân, doanh nghiệp thực hiện được nhiều nhất.

“Các đơn vị của Bộ phải tạo lập cơ sở dữ liệu của từng lĩnh vực và kết nối với dịch vụ công trực tuyến để hướng tới cung cấp dịch vụ công cho người dân từ khâu nộp hồ sơ, giải quyết các bước đều thực hiện hoàn toàn trên môi trường trực tuyến. Đã có 3 lĩnh vực được người dân, doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất dịch vụ công là đường bộ, đăng kiểm và hàng hải”, ông Lê Thanh Tùng thông tin.

Với lĩnh vực đường bộ, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Cục đã duy trì 66 dịch vụ công trực tuyến (có 41 dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4 và 25 dịch vụ công một phần); trong đó tiêu biểu là việc mở rộng triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đổi giấy phép lái xe trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia phạm vi toàn quốc từ ngày 14/11/2022. Đến nay, đã có 10.156 hồ sơ đăng ký; trong đó đã cấp gần 9.000 giấy phép lái xe, tiếp nhận trung bình 150 hồ sơ/ngày.

“Việc triển khai cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến đã góp phần giảm bớt thủ tục hồ sơ, tiết kiệm thời gian và chi phí. Tính trung bình cho việc ăn nghỉ, đi lại của người dân ở các xã vùng xa cách trung tâm thành phố khoảng 300 km, mỗi hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe thực hiện theo hình thức trực tuyến tiết kiệm được khoảng 700.000 đồng”, ông Nguyễn Xuân Cường thông tin.

Ngoài ra, Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã hoàn thành xây dựng, nâng cấp cơ sở dữ liệu các lĩnh vực như quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ; quản lý vận tải, phương tiện và người lái; kiểm soát tải trọng xe; quản lý giám sát, khai thác dữ liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ...

Đối với lĩnh vực đăng kiểm, nếu như hơn 6 tháng trước, xảy ra quá tải đăng kiểm khiến nhiều chủ xe “mất ăn, mất ngủ” để đi đăng kiểm, nay nhờ việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, lĩnh vực này đã hóa giải, tạo thuận lợi tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí cho người dân làm các thủ tục trên môi trường điện tử.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam chia sẻ, từ chỗ phải xếp hàng nộp hồ sơ, hiện tại, người dân và doanh nghiệp chỉ cần ngồi nhà đặt lịch hẹn kiểm định, cấp giấy xác nhận gia hạn kiểm định trực tuyến.

Trong khi đó, ở lĩnh vực hàng hải, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cho hay, hiện nay 97,5% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho tàu thuyền vào, rời cảng biển được thực hiện trực tuyến và ký số điện tử qua Cổng thông tin một cửa Quốc gia. Việc nộp, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được thực hiện hoàn toàn điện tử. Các giấy phép vào, rời cảng biển cũng được cấp điện tử và được chính quyền hàng hải các nước trên thế giới công nhận.

Đặc biệt, số hóa thủ tục hành chính không chỉ góp phần giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí tàu nằm chờ mà còn giúp quá trình làm hàng tại cảng biển hiệu quả hơn, cơ sở hạ tầng cảng biển được tận dụng tối đa hơn.

Dưới góc độ doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực giao thông vận tải nói chung, lĩnh vực hàng hải nói riêng, ông Nguyễn  Duy Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Phương Lâm (Hải Phòng) chia sẻ, nhiều năm nay nhân viên của công ty không phải mất thời gian đi làm các thủ tục hành chính cho khách hàng. Bởi các thủ tục cấp phép cho tàu thuyền ra, vào cảng đã được thực hiện trực tuyến. Các tàu gửi thông tin trên email để đại lý khai báo trên hệ thống dịch vụ công của cảng vụ.

“Tàu đến bất cứ lúc nào cũng được giải quyết. Mọi thủ tục chỉ tốn khoảng 30 phút. Tàu đến được làm hàng ngay, nên chủ tàu cũng tiết kiệm chi phí neo bến. Hàng hóa cũng liên thông nhanh hơn. Ước tính, doanh nghiệp giảm khoảng 50% chi phí so với trước”, ông Phương chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, việc làm thủ tục hành chính để các tàu, thuyền ra vào cảng biển hiện nay đã được rút ngắn, chỉ còn khoảng 20-30 phút. Nhờ đó, chỉ tính riêng tiền thuê tàu, mỗi doanh nghiệp vận tải biển cũng tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng/tháng nhờ giảm thời gian tàu nằm chờ. Doanh nghiệp cũng giảm được các chi phí cầu cảng, cầu bến, đi lại, nhân công.

Kinh nghiệm về chuyển đổi số

Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Bộ Giao thông Vận tải Lê Thanh Tùng cho biết, việc triển khai xây dựng chính phủ điện tử và chuyển đổi số của Bộ Giao thông Vận tải trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định.

Cụ thể, về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục duy trì cung cấp 291 dịch vụ công trực tuyến trong tổng số 404 thủ tục hành chính (tỷ lệ 72%). Hệ thống tiếp nhận và xử lý 114.629 hồ sơ (tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 80,2%), với hơn 103.000 tài khoản sử dụng.

“Hiện nay, việc xây dựng cơ sở dữ liệu của Bộ Giao thông Vận tải được thực hiện theo hướng làm đến đâu, chia sẻ đến đó và được kết nối với 7 bộ, 20 tỉnh, thành phố. Trung bình mỗi tháng chia sẻ 5-7 triệu dữ liệu cho các đơn vị,” ông Tùng thông tin.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu cuối năm nay sẽ hoàn thành dữ liệu chung về phương tiện, người điều khiển phương tiện ở cả 5 lĩnh vực và đến tháng 6/2024 hoàn thành dữ liệu về kết cấu hạ tầng giao thông phải số hóa toàn bộ sao cho theo dõi được các công trình giao thông giống như lý lịch con người.

Về triển khai các nhiệm vụ Đề án 06, ông Tùng cho hay, Bộ đang tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như phối hợp với Bộ Công an đẩy mạnh việc xác thực, hiển thị giấy phép lái xe trên ứng dụng VneID; thí điểm triển khai tài khoản định danh điện tử mức độ 2, ứng dụng sinh trắc học cho công dân khi làm thủ tục đi máy bay; mở rộng sử dụng thu phí không dừng tại các cảng hàng không, sân bay…

Đối với cao tốc Bắc - Nam, cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2 khi phê duyệt dự án đều có quy định ứng dụng giao thông thông minh, hướng tới hình thành trung tâm điều hành chung hệ thống giao thông đường cao tốc nói riêng và đường bộ nói chung.

Tuy nhiên, ông Tùng cũng thừa nhận một số khó khăn trong thực hiện chuyển đổi số của Bộ. Đó là việc cập nhật dữ liệu giấy khám sức khỏe trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến đổi giấy phép lái xe. Trong số hơn 1.300 cơ sở y tế kết nối liên thông với cổng dịch vụ công của Bộ Giao thông Vận tải, chỉ có khoảng hơn 30% cơ sở thực hiện việc tải lên một cách tức thì khi có kết quả khám sức khỏe. Số còn lại vẫn cấp kết quả khám bằng giấy và phải nhập thủ công lên hệ thống cấp đổi giấy phép lái xe. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đang xem xét đề xuất Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện phải thực hiện đúng quy định, nếu không sẽ ngừng cấp phép cho thực hiện dịch vụ khám sức khoẻ lái xe.

Ở một khía cạnh khác, ông Lê Thanh Tùng cho rằng, vẫn còn có những khó khăn về nhận thức và sự vào cuộc của người đứng đầu. Ngoài ra, khó khăn đến từ thể chế, do hiện nay thể chế đang được xây dựng phục vụ cho việc thực hiện thủ công, chưa phải cho ứng dụng chuyển đổi số…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục