Ngành giao thông rút ra điều gì sau chuyến thị sát đầu năm của Thủ tướng?

17:31' - 08/02/2022
BNEWS Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tin tưởng sau chuyến kiểm tra và những chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, toàn bộ công trường các dự án giao thông sẽ nỗ lực hơn nữa, rút ngắn thời gian thi công.

Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đã đi kiểm tra hiện trường các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông và sân bay Long Thành trong hành trình “xuyên Tết, xuyên Việt” với gần 2.000 km từ Ninh Bình đến Cần Thơ.

Thị sát tại công trường và họp kiểm điểm tiến độ dự án với các địa phương, các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã động viên cán bộ, kỹ sư, công nhân ngày đêm bám công trường, không nghỉ Tết để đảm bảo tiến độ dự án theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo sát sao và cụ thể giải quyết những vướng mắc tại các dự án.

 

Cùng với việc ghi nhận, biểu dương những nỗ lực và kết quả đạt được của các dự án, Thủ tướng Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra và cả nghiêm khắc phê bình những tồn tại, hạn chế, cách làm việc chưa chuyên nghiệp tại một số dự án.

Qua những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể tin tưởng sau chuyến kiểm tra và những chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, toàn bộ công trường các dự án giao thông sẽ nỗ lực hơn nữa, rút ngắn thời gian thi công.

Ngành giao thông vận tải sẽ nỗ lực để đưa các dự án vào khai thác sớm như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vì các dự án này đều có tính kết nối cao, khi hoàn thành sẽ là động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Người đứng đầu ngành giao thông vận tải cho rằng: “Cuộc kiểm tra các dự án trọng điểm của ngành giao thông trong những ngày đầu xuân của Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác có ý nghĩa rất lớn ngoài việc khích lệ tinh thần cho ngành giao thông, cho các công trường để chúng tôi nỗ lực quyết tâm làm nhanh, hiệu quả hơn nữa”.

“Cuộc kiểm tra này còn nổi lên ý nghĩa là các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến giao thông; trong đó có giao thông Đồng bằng sông Cửu Long để làm sao những án này có thể rút ngắn được thời gian tối thiểu là một quý, có những dự án có thể là hai quý. Rút ngắn được thời gian có nghĩa rằng chúng ta sớm đưa vào khai thác và các dự án sẽ tạo ra những cú hích trong phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ thêm, qua việc kiểm tra của Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác, lãnh đạo Chính phủ đã nêu rõ những hạn chế cần phải rút kinh nghiệm. Cụ thể như giải phóng mặt bằng là một trong những khâu đặc biệt quan trọng, không có mặt bằng thì dù có tiền cũng không thể đẩy nhanh được tiến độ.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt mà tất cả các địa phương cũng đã ý thức được cái trách nhiệm của mình là phải sớm thực hiện tốt giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư cho bà con theo tinh thần chỗ ở mới phải bằng hoặc tốt hơn chỗ ở cũ.

“Một vấn đề nữa mà chúng tôi rút ra được qua chuyến công tác này là lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo rất sát sao về vấn đề cung cấp vật liệu cho công trường nhất là các mỏ vật liệu xây dựng như mỏ đất, mỏ cát… Bài học rút ra từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đó là để giải quyết việc này cần thực hiện tốt quy hoạch, quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên này hơn nữa”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng cho biết ngành cần quan tâm hơn nữa đến việc lựa chọn các nhà thầu có đủ năng lực, thưởng - phạt hợp đồng công bằng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, để có được một công trình dự án đảm bảo chất lượng và tiến độ thì đòi hỏi tất cả các bên liên quan phải làm với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhắc đi nhắc lại là cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong việc giải quyết các khó khăn vướng mắc để làm sao là tất cả những khó khăn vướng mắc khi phát sinh là chúng ta xử lý ngay, qua đó tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ đảm bảo chất lượng các dự án.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trong suốt 3 nhiệm kỳ Đại hội vừa qua, Đảng luôn xác định phát triển hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược; trong đó hạ tầng giao thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rất trăn trở khi trong 20 năm qua, chúng ta mới chỉ triển khai được trên 1.000 km cao tốc. Cùng với đó, đầu tư công những năm qua luôn chậm trễ, phải xử lý tình huống, dẫn tới bị động, lúng túng và hiệu quả không cao.

Hơn nữa, khi đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tổng số vốn đầu tư công cần hấp thụ trong hai năm 2022-2023 rất lớn, nếu không đổi mới tư duy, cách tiếp cận, cách làm, tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra thì không thể hoàn thành nhiệm vụ.

Sau chuyến kiểm tra các dự án cao tốc "xuyên Tết, xuyên Việt", Thủ tướng Chính phủ chỉ ra nhiều vấn đề khi xây dựng cao tốc Bắc Nam. Cụ thể, trong 11 dự án thành phần của tuyến cao tốc phía Đông, cho tới nay mới có đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đã hoàn thành, khánh thành ngày 4/2 vừa qua. Dự án này giao cho tỉnh Ninh Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tiếp đến, các dự án PPP (đối tác công tư) có đơn giá bình quân không quá 150 tỷ đồng/km đường, nhưng các dự án đầu tư công thì bình quân trên dưới 200 tỷ đồng/km.

Vấn đề nữa là các mỏ đất đá làm nguyên vật liệu xây dựng. Thời gian qua, nhiều chủ mỏ găm vật liệu trong lúc các đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ khiến cản trở tiến độ, nâng giá, gây cạnh tranh không lành mạnh và nảy sinh nhiều tiêu cực, tạo nguy cơ mất tiền, mất thời gian, mất cán bộ, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Cuối cùng, thực tế cho thấy tại dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, phần vốn nhà nước khoảng 60%, vốn ngoài nhà nước 40%. Trong khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư – (Luật đầu tư PPP đã có hiệu lực sau khi dự án được thông qua) đang quy định vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng vốn đầu tư. Như vậy sẽ bỏ lỡ gần 40% vốn của các nhà đầu tư trong dự án.

Trên cơ sở này, Thủ tướng Chính phủ lưu ý bài học kinh nghiệm đầu tiên là giao nhiệm vụ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đầu tư dự án cho phù hợp, "ai làm tốt nhất thì giao". Các cơ quan phải làm tốt việc chuẩn bị đầu tư; giải phóng mặt bằng nhanh, gọn; các dự án tái định cư cần đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Việc xử lý vấn đề nguyên vật liệu cho các dự án cần đúng luật, hài hòa lợi ích của nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp. Việc thưởng phạt thi công hợp đồng phải rất nghiêm minh, công bằng.

Một vấn đề khác được Thủ tướng lưu ý là tránh tình trạng có quá nhiều đơn vị thi công trên một tuyến đường, gây mất nhiều thời gian làm thủ tục, khó kiểm soát tiến độ và chất lượng, dễ nảy sinh tiêu cực. "Một nhà thầu thi công 3-4 km mà làm trong 2-3 năm tức là không đủ năng lực", Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các dự án cao tốc phía Đông phải đẩy nhanh tiến độ hơn ít nhất 3 tháng. Có cơ sở khoa học và thực tiễn để hoàn thành sớm các dự án bởi năm nay dịch bệnh được kiểm soát, người dân được tiêm mũi 3 vaccine; các đơn vị đã có nhiều kinh nghiệm; thời tiết nhiều nơi đang thuận lợi.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, quy định nào không sát thực tiễn thì đề xuất sửa. Trong khi chờ sửa đổi các quy định, địa phương chủ động thanh tra, xử lý chủ mỏ nguyên vật liệu cấu kết để găm hàng, nâng giá, trục lợi.

Bộ Xây dựng hướng dẫn chung về chất lượng, giá nguyên vật liệu xây đắp cao tốc để các địa phương thực hiện. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Nghị định về thưởng phạt thi công hợp đồng, trình Chính phủ ban hành trong thời gian sớm nhất./.

>>Thủ tướng: Các công trình giao thông hoàn thành sớm thì người dân được lợi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục