Ngành ngân hàng đón đầu công nghiệp 4.0

13:01' - 14/07/2018
BNEWS Đón đầu làn sóng công nghiệp 4.0, ngành ngân hàng Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, đầu tư phát triển nhiều ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản phẩm, dịch vụ, hoạt động và quản trị.
Dịch vụ hỗ trợ tiền gửi tại Vietcombank. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những đột phá trong ứng dụng công nghệ, thay đổi cách con người sống, làm việc, xác định lại các giá trị, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ hoàn toàn mới.

Đón đầu làn sóng công nghiệp 4.0, ngành ngân hàng Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, đầu tư phát triển nhiều ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản phẩm, dịch vụ, hoạt động và quản trị.

Theo các chuyên gia kinh tế, đến nay, những thành tựu công nghệ nổi bật của cách mạng công nghiệp 4.0 là Internet kết nối vạn vật (IoTs- Internet of Things); Dữ liệu lớn (Big Data); Trí tuệ nhân tạo (AI-Atificial Intelligence); Công nghệ chuỗi khối (Blockchain)… đều mang đến những cơ hội lớn cho hệ thống ngân hàng Việt Nam trên nhiều khía cạnh.

Cụ thể như tăng việc tiếp cận thị trường quốc tế cho các ngân hàng trong nước, tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng theo hướng hiện đại, hiệu quả hơn để gia tăng lợi nhuận.

Theo TS Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), sự tác động của những thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 tới ngành ngân hàng được chia thành hai giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất, từ năm 2008-2015, với sự ra đời của thuật toán đám mây, các phần mềm mã nguồn mở, dữ liệu di động 3G/4G, điện thoại thông minh, phân tích dữ liệu và mạng lưới xã hội, đã khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia thị trường tài chính, tạo cơ hội cho tài chính công nghệ (FinTech) phát triển.

Giai đoạn thứ hai, từ năm 2016-2020, sự phát triển của trí thông minh nhân tạo, blockchain, khoa học dữ liệu, nhận diện số và sinh trắc học… đã tạo nền tảng cơ sở hạ tầng quan trọng trong chuyển đổi tài sản, từ sử dụng nhân viên ngân hàng truyền thống sang gia tăng sử dụng trí thông minh nhân tạo, nhận dạng số trở thành cơ sở nhận dạng cơ bản và được bảo mật thông qua các yếu tố sinh trắc học như giọng nói hay dấu vân tay.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tới năm 2020, bốn lĩnh vực dự kiến bị ảnh hưởng nhiều nhất của FinTech là ngân hàng tiêu dùng, chuyển khoản và thanh toán, quản lý tài sản và bảo hiểm.

Kết quả của khảo sát “Dịch vụ Ngân hàng, hành vi sử dụng của người dùng và xu hướng tại Việt Nam” của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG Vietnam) năm 2017 cho thấy, các giải pháp về ngân hàng điện tử (e-banking) đang ngày càng được sử dụng phổ biến hơn và được đánh giá cao về tính tiện lợi, tiết kiệm thời gian, với 81% người dùng sử dụng các giải pháp e-banking so với 21% trong năm 2015.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết thêm, những ngân hàng thương mại lớn trong hệ thống nhanh chóng phát triển những dịch vụ mới, theo hướng số hóa thực thụ.

Phó Thống đốc cũng chỉ ra một số dịch vụ của các ngân hàng thương mại như Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) với ngân hàng tự động LiveBank, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với ứng dụng ngân hàng số Timo, Ngân hàng Phương Đông Việt Nam (OCB) với chiến lược chuyển đổi ngân hàng số, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) với không gian ngân hàng số Digital Lab, Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) với corebank thế hệ mới và kho dữ liệu doanh nghiệp (EDW) hiện đại, Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) với ứng dụng trở lý ảo ChatBot phục vụ 24x7 trên mạng xã hội…

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, quá trình số hóa diễn ra với mọi sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, từ thanh toán, chuyển tiền, cho vay, tiết kiệm đến quản lý tài chính. Sự ra đời của mô hình ngân hàng số, như Timo hay LiveBank của TPBank, là ví dụ điển hình cho xu hướng này, đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng mọi lúc, mọi nơi của tầng lớp khách hàng trẻ tuổi.

Theo ông Nguyễn Hưng, việc áp dụng công nghệ còn giúp ngân hàng đơn giản hoá các quy trình, thủ tục, giấy tờ. Nếu như trước đây dùng quy trình giấy tờ truyền thống, có thể mất vài tuần, nhưng ứng dụng công nghệ số, việc trao đổi thảo luận tức thời tốt hơn, công việc luân chuyển tốt hơn, giảm khâu thủ tục giấy tờ, đồng thời tính minh bạch cũng đem lại hiệu quả cao hơn.

Ông Trịnh Ngọc Khánh Chủ tịch HĐTV Agribank khẳng định, một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với Agribank trong thời gian tới là cần đẩy nhanh đầu tư công nghệ để có thể phát triển và cung cấp các sản phẩm dịch vụ tiện ích trên nền tảng công nghệ hiện đại như: QR Pay, Samsung Pay, Autobank… kết hợp với nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ.

Đặc biệt, trước xu thế của cuộc cách mạng 4.0, Agribank cũng đẩy mạnh phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử đáp ứng thị hiếu của người dùng như: A Transfer Service (cho phép khách hàng thực hiện giao dịch chuyển khoản hoặc thanh toán bằng tin nhắn SMS tại bất kỳ nơi nào có phủ sóng viễn thông di động); A PayBill (cho phép khách hàng thực hiện giao dịch thanh toán hóa đơn bằng tin nhắn SMS); Agribank Emobile Banking (cho phép khách hàng thực hiện nhiều dịch vụ về tài chính ngân hàng như: chuyển khoản trong hệ thống Agribank, nạp tiền điện thoại trả trước, mua thẻ game, thẻ điện thoại, thanh toán hóa đơn, nộp tiền ví điện tử Vnmart… và các dịch vụ phi tài chính ngân hàng như: trao đổi thông tin, thông tin vé máy bay, quản lý đầu tư, tra cứu thông tin…).

Đồng thời, theo ThS. Ngô Thị Hằng, Vụ Thanh tra, giám sát các Tổ chức tín dụng trong nước, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì với sự xuất hiện của cách mạng công nghiệp 4.0, không chỉ các ông lớn mà toàn hệ thống các ngân hàng Việt Nam sẽ có nhiều hơn cơ hội vươn cánh tay ra ngoài lãnh thổ, mở rộng phạm vi hoạt động và tạo dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế nếu kịp thời nắm bắt được lợi thế của cách mạng công nghiệp 4.0 này.

Ngoài ra, với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, các ngân hàng có nhiều cơ hội tiếp cận và mở rộng cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp đến những người dân hiện chưa có tài khoản ở vùng sâu, vùng xa với chi phí hợp lý, góp phần đẩy mạnh phổ cập tài chính quốc gia.

Bên cạnh những cơ hội lớn đầy hứa hẹn, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức cho nền tài chính- ngân hàng Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Đó là khoảng trống chính sách đòi hỏi phải xây dựng quy định pháp lý mới đáp ứng nhu cầu cải cách công nghệ ngành ngân hàng, điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát dòng tiền gặp khó khăn trong bối cảnh tiền điện tử ngày càng được sử dụng và chấp nhận rộng rãi.

Mô hình kinh doanh và nguồn lực tài chính trong đầu tư xây dựng cơ bản của các ngân hàng cần được khắc phục để thích ứng với xu hướng ứng dụng công nghệ cao.

“Ngành ngân hàng Việt Nam cần xác định đó là người bạn đồng hành không thể thiếu trong tiến trình phát triển tiếp theo”, ThS. Ngô Thị Hằng chia sẻ.

TS Nguyễn Viết Lợi cho rằng các định chế tài chính và các dịch vụ tài chính truyền thống đang chịu nhiều ràng buộc pháp lý. Để đảm bảo an toàn hệ thống thì các quy định an toàn và pháp luật đối với FinTech ở Việt Nam còn chưa đầy đủ. Việc gia tăng sử dụng công nghệ trong cung cấp dịch vụ tài chính đòi hỏi cần phải tăng cường theo dõi, giám sát và thực thi các quy định tài chính nhằm đảm bảo an toàn hệ thống.

Ngân hàng Nhà nước đã tiếp cận với Fintech một cách chủ động bằng việc thành lập Ban chỉ đạo về lĩnh vực Fintech với nhiệm vụ quan trọng là nhằm xây dựng khung pháp lý cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Viết Lợi thì nhìn vào sự phát triển của Fintech tại Việt Nam cho thấy vẫn thiếu cơ chế chính sách để thu hút sự đầu tư vào Fintech.

Đứng trước các cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngành ngân hàng cũng đã xác định tập trung nguồn lực để nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo môi trường sinh thái tốt cho các tổ chức tín dụng và các công ty Fintech phát triển cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ số để gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động, dịch vụ và sản phẩm mới được hình thành trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng cơ chế quản lý giám sát phù hợp với bối cảnh Việt Nam và các chuẩn mực chung, thông lệ tốt của thế giới.

Đồng thời, chú trọng đầu tư, hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin để có thể hiện đại, tự động hóa hầu hết các quy trình nghiệp vụ ngân hàng, phát triển dịch vụ ngân hàng thông qua ứng dụng công nghệ số, xây dựng mô hình chi nhánh hiện đại, dựa vào nền tảng công nghệ tự động hóa, kết nối đa chiều và thông minh hóa của cách mạng công nghiệp 4.0./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục