Ngành nông nghiệp chủ động ứng phó với đợt mưa lớn

20:19' - 18/09/2024
BNEWS Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp quan ngại sẽ có một đợt mưa và không ngoại trừ sẽ xảy ra một trận lũ lụt như năm 2020.
Tại cuộc họp với các bộ, ngành và các tỉnh miền Trung về ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão chiều 18/9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp quan ngại sẽ có một đợt mưa và không ngoại trừ sẽ xảy ra một trận lũ lụt như năm 2020.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, dự kiến áp thấp nhiệt đới sẽ hình thành bão cơn bão số 4 ngay sát bờ. Áp thấp nhiệt đới hiện đang di chuyển chậm lại, điều này sẽ tạo điều kiện được nạp năng lượng để mạnh lên nên sẽ còn khó dự đoán. Dự báo đến thời điểm này đều cho thấy, bão số 4 nếu có hình thành thì cường độ không mạnh, gió chỉ giật đến cấp 10.

Tuy nhiên, điều đặc biệt quan tâm và quan ngại là sẽ gây ra một đợt mưa khá lớn, tập trung ở các tỉnh như: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và một phần Quảng Ngãi.

Thứ trưởng đề nghị các địa phương rút kinh nghiệm từ cơn bão số 3; trong bão được phòng, chống rất tốt, nhưng hoàn lưu sau bão gây ra thiệt hại rất lớn; chính vì vậy, tuyệt đối không được chủ quan. Các địa phương tập trung vào các công việc cụ thể như: tiếp tục kêu gọi các tàu thuyền phải vào bờ; tập trung rà soát tình trạng ngập lụt và có phương án sơ tán dân...
 
Các địa phương cũng hướng dẫn thu hoạch, đảm bảo nuôi trồng thủy sản; kiên quyết không để người dân ở lại trên các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ; tập trung thu hoạch diện tích lúa với phương châm "xanh nhà hơn già đồng", tránh thiệt hại nặng khi bão đổ bộ.

Hiện các hồ chứa ở khu vực miền Trung ở mức thấp. Nhưng sắp tới, các hồ sẽ hứng một đợt mưa lớn, do đó các hồ phải tuân thủ nghiêm quy định vận hành, không để xảy ra lũ chồng lũ, bởi đây là khu vực rất dễ bị chia cắt khi ngập lụt, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Hồi 10h ngày 18/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,7 độ vĩ Bắc, 113,5 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 180km về phía Đông với cường độ cấp 7, giật cấp 9.

Dự báo, đến 10h ngày 19/9, áp thấp sẽ mạnh lên thành bão với cường độ cấp 8, giật cấp 10, tâm bão trên vùng biển ven bờ từ Quảng Trị - Quảng Nam, cách Quảng Trị khoảng 110km về phía Đông Đông Nam. Chiều 19/9, bão đi vào đất liền Quảng Trị-Quảng Nam, sau đó suy yếu.

Mực nước triều vào thời gian dự kiến bão đổ bộ (từ 17h ngày 19/9 đến 7h ngày 20/9) tại các trạm: Cửa Gianh (Quảng Bình) từ 0,7-1,8 m; Cửa Việt (Quảng Trị) từ 0,7-1,4 m;  Đà Nẵng từ 0,7-1,3 m.

Về mưa, dự báo từ ngày 18-19/9, từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to từ 100 - 300mm, có nơi trên 500 mm; Thanh Hóa, Nghệ An từ 70 – 150 mm, có nơi trên 250 mm; Tây Nguyên từ 40 – 80 mm, có nơi trên 150 mm.

Đại diện Cuc Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết, từ ngày 18-21/9, các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Nam xuất hiện 01 đợt lũ, biên độ lũ lên trên các sông từ 3-7m. Đỉnh lũ thượng nguồn sông Mã, sông Bưởi (Thanh Hóa), thượng lưu sông Cả (Nghệ An) lên mức báo động 1 – báo động 2 và trên báo động 2; sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh) báo động 2 – báo động 3; hạ lưu sông Mã (Thanh Hóa), sông La (Hà Tĩnh), sông Cả (Nghệ An) ở mức báo động 1; các sông từ Quảng Bình - Quảng Nam ở mức báo động 1- báo động 2, có sông trên báo động 2; riêng các sông nhỏ ở Quảng Bình, Quảng Trị có khả năng lên mức báo động 3.

Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi từ Thanh Hóa đến Quảng Nam.

Về tàu thuyền, theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tính đến 11h ngày 18/9, các đơn vị đã kiểm đếm, hướng dẫn hco 66.960 tàu/306.725 người biết diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động chủ động di chuyển vòng tránh. Không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm; các phương tiện nằm trong vùng ảnh hưởng đang di chuyển vòng tránh.  Quảng Bình cấm biển từ 0h ngày 19/9.

Về nuôi trồng thuỷ sản, theo báo cáo của Cục Thủy sản tính đến 13h ngày 8/9, khu vực ven biển, trên biển các tỉnh, thành phố từ Ninh Bình đến Bình Định hiện có 80.024 ha, 22.152 lồng, bè, 684 chòi canh nuôi thuỷ sản và 83 ngư dân.

Trên các tuyến đê biển, đê cửa sông từ Ninh Bình đến Bình Định hiện có 39 trọng điểm.

Tại Bắc Trung Bộ, lúa Hè Thu còn lại 12.000ha đang chuẩn bị thu hoạch; lúa Mùa chưa thu hoạch 113.000  ha đang giai đoạn chín sáp - chín sữa, chuẩn bị thu hoạch. Tại Nam Trung Bộ, lúa Hè Thu còn lại 19.000 ha đang chuẩn bị thu hoạch; lúa Mùa chưa thu hoạch 25.000ha đang giai đoạn chín sáp, chuẩn bị thu hoạch.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục