Ngành nông nghiệp đưa ra các mục tiêu tăng trưởng nào vượt chỉ tiêu được giao?

15:07' - 02/03/2018
BNEWS Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu tăng trưởng ngành sẽ đạt 3,05%, xuất khẩu đạt 40,5 tỷ USD, có 39% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và độ che phủ rừng đạt 41,65%.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, trên kết quả sản xuất, xuất khẩu đạt được của 2 tháng đầu năm, trước thuận lợi về kinh tế, thời tiết và sự quyết liệt của Chính phủ, Bộ tiếp tục rà soát và nâng cao các chỉ tiêu phải đạt được trong năm 2018.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn chủ trì họp báo. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, ngày 5/3, Bộ sẽ họp rà soát và báo cáo Chính phủ điều chỉnh các phương án, giải pháp với mục tiêu tăng trưởng đạt cao hơn chỉ tiêu Chính phủ đã giao.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết tâm phấn đấu tăng trưởng ngành sẽ đạt 3,05%, xuất khẩu đạt 40,5 tỷ USD, có 39% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và độ che phủ rừng đạt 41,65%.

Để đạt được kỳ vọng này, trước hết đối với thủy sản, Thứ trưởng Hà Công Tuấn yêu cầu ngành này phải quyết tâm đẩy mạnh tuyên truyền cũng như tăng cường kiểm tra, kiểm soát để không đánh bắt bất hợp pháp. Phấn đấu để tháng 4/2018, EC rút lại “thẻ vàng” cảnh báo việc đánh bắt cá bất hợp pháp, không quản lý và không khai báo đối với thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU (IUU).

Thông tin thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phương Dung, Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thủy sản cho biết, toàn bộ hệ thống chính trị đang hành động quyết liệt nhằm ngăn chặn, phòng ngừa, chống hành vi khai thác IUU. Với hàng hoạt các giải pháp mang tính cấp bách, khẩn trương, tập trung như: rà soát và ban hành bổ sung các quy định về chống khai thác IUU; tuyên truyền phổ biến về các giải pháp cấp bách tới cộng đồng ngư dân và các bên liên quan.

Cùng với đó, hợp tác với các quốc gia ven biển, các quốc đảo để ngăn chặn hành vi khai thác IUU; triển khai đối thoại với EU, cập nhật tiến độ và Việt Nam đã và đang triển khai nhằm cải thiện quản lý nghề cá theo hướng có trách nhiệm.

Không chỉ thủy sản, ngay cả các ngành hàng khác như gỗ, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng yêu cầu phải đạt được các tiêu chí về truy suất được nguồn gốc gỗ trong sản xuất tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.

Về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều có các chỉ đạo phải minh bạch và bảo tồn vốn nhà nước cao hơn. Đối với Tổng công ty Vật tư nông nghiệp đã cổ phần hóa thành công và chuyển sang hoạt động theo công ty cổ phần. Hiện chỉ còn quyết toán vốn lần 2 và kiểm toán để bàn giao. Trong quý 1, chậm nhất là trong tháng 4/2018 là sẽ bàn giao theo quy định.

Đối với Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn này đã được IPO với kỳ vọng bán được 11,88% cổ phần, nhưng mới chỉ bán được trên 2%. Hiện Bộ đang tiếp tục chỉ đạo bán lần 2, đồng thời bán cho người lao động (với khoảng 27.000 lao động được mua) và công đoàn với 1,24% cổ phần. Với 11,88% cổ phần dành cho nhà đầu tư chiến lược nhưng đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư chiến lược nào.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, việc cổ phần hóa Tập đoàn Cao su Việt Nam tiếp tục làm theo lộ trình quy định. Trường hợp bán sắp tới không đạt kỳ vọng vẫn chuyển sang công ty cổ phần.

Về Tổng công ty Lương thực miền Nam, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, dự kiến 14/3 sẽ IPO và đang tìm kiếm và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Đây là đơn vị có nhiều khó khăn về tài chính và xuất hiện những yếu tố mới ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa nên phải rất thận trọng. Dự kiến, trong quý II hoặc đầu quý II/2018, công ty này sẽ chuyển sang hoạt động công ty cổ phần.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngay từ đầu năm toàn ngành nông nghiệp đã tích cực triển khai nhiệm vụ trọng tâm thực hiện kế hoạch năm 2018. Đến cuối tháng 2, các tỉnh phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra) gieo cấy được 907.100 ha lúa Đông Xuân, bằng 97,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đến ngày 5/3, địa phương nào chưa gieo cấy thì chuyển sang trồng các loại cây trồng khác vì đã hết thời vụ.

Tại miền Nam, diện tích gieo sạ lúa Mùa 2017 đạt 570.585 ha, chiếm 102,2% kế hoạch; đã thu hoạch được khoảng 545.562 ha, chiếm 95,61% diện tích gieo trồng, năng suất đạt 48,3 tạ/ha. Lúa Đông Xuân gieo sạ đạt 1.953.100 ha, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2017; riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gieo cấy đạt 1.563.900 ha và đã thu hoạch khoảng 249.200 ha.

Theo Cục Trồng trọt, năng suất lúa Đông Xuân ở ĐBSCL đạt 60 tạ/ha, tăng 5 tạ so với cùng kỳ 2017. Giá lúa ở khu vực này ổn định và tăng nhẹ 100-500 đồng/kg. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm tình hình xuất khẩu gạo rất tốt và giá gạo của Việt Nam cao hơn Thái Lan. Giá gạo trong đợt xuất khẩu đầu năm 2018 đạt 475 USD/tấn. Nguyên nhân giá xuất khẩu gạo tăng cao là do trong 3-4 năm qua, chúng ta đã xây dựng được cơ cấu giống lúa chất lượng cao chiếm tới 80%.

Trong hai tháng đầu năm 2018, thời tiết xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại dài ngày làm ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất chăn nuôi ở một số tỉnh phía Bắc. Nhằm ổn định và phát triển chăn nuôi bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các đơn vị nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để xây dựng hệ thống giết mổ, chế biến và phân phối sản phẩm chăn nuôi ra thị trường, đồng thời tiếp tục phối hợp tổ chức làm việc với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn hỗ trợ phát triển chuỗi xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 2 tháng đầu năm 2018 đạt 6,1 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2017./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục