Ngành phim ảnh Mỹ vẫn "sóng gió" dù đình công đã kết thúc

09:18' - 21/11/2023
BNEWS Các cuộc đình công đã gây thiệt hại kinh tế lên tới hơn 6 tỷ USD do mất tiền lương và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trên khắp California và các bang tập trung vào sản xuất phim.

Trong khi Hollywood ăn mừng việc kết thúc cuộc đình công của các nhà biên kịch và diễn viên, thiệt hại kinh tế hàng tỷ USD từ vụ việc này đối với tất cả mọi người, từ thành viên đoàn phim đến người cung cấp thực phẩm, sẽ phải mất nhiều tháng mới thống kê được.

Từ ngày 2/5 năm nay, khoảng 11.500 biên kịch Hollywood đã tiến hành đình công để yêu cầu mức lương tương xứng hơn. Vì lợi nhuận của hãng phim đã tăng 39% trong 10 năm qua, nhưng lương trung bình của biên kịch lại giảm 4%.

Tháng 7/2023, đến lượt 160.000 diễn viên điện ảnh, nhà báo truyền hình, phát thanh viên, người dẫn chương trình và diễn viên đóng thế của Hiệp hội Diễn viên Màn ảnh - Liên đoàn Nghệ sĩ Truyền hình và Phát thanh Mỹ (SAG - AFTRA) cũng đình công.

Cuộc đình công diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa SAG - AFTRA và Liên minh Điện ảnh và truyền hình Mỹ (AMPTP) gặp thất bại.

 

Các ước tính sơ bộ cho thấy các cuộc đình công đã gây thiệt hại kinh tế lên tới hơn 6 tỷ USD do mất tiền lương và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trên khắp California và các bang tập trung vào sản xuất phim như Georgia và New Mexico, khi hầu hết hoạt động sản xuất phim và truyền hình có kịch bản đều bị đình trệ.

Theo thống kê từ Chương trình Y tế và Hưu trí Công nghiệp Điện ảnh, gần 3.000 lao động trong ngành giải trí đã nộp đơn xin rút tiền từ tài khoản hưu trí cá nhân sau khi phải chịu đựng nhiều tháng không có việc làm.

Số tiền rút trung bình của mỗi người là khoảng 15.000 USD và đã có tổng cộng hơn 44 triệu USD được người lao động rút ra tính tới thời điểm hiện tại. Những số liệu này cho thấy Hollywood đang gặp khủng hoảng kinh tế nặng nề và đây là thực trạng mà những người lao động trong ngành là nạn nhân lớn nhất.

Đầu tháng 11 này, SAG-AFTRA đã đạt được thỏa thuận với AMPTP, giúp ngành kinh doanh trị giá 134 tỷ USD này có thể hoạt động trở lại. Tuy nhiên, Hollywood khó có thể quay trở lại tốc độ sản xuất "điên cuồng" giữa cuộc chiến truyền phát trực tuyến ngày càng gay gắt. Các hãng phim phải đối mặt với chi phí lao động cao hơn, doanh thu quảng cáo truyền hình giảm và Phố Wall ngày càng hoài nghi đang giảm số lượng chương trình truyền hình, cắt giảm việc làm và chuyển một số hoạt động sản xuất sang những địa điểm rẻ hơn ở nước ngoài.

Ngay cả trước khi xảy ra cuộc đình công, hoạt động sản xuất phim đã bắt đầu suy giảm hoặc bị dịch chuyển ra nước ngoài do doanh thu quảng cáo trên truyền hình sụt giảm, doanh thu phòng vé sụt giảm và áp lực của nhà đầu tư trong việc giúp các doanh nghiệp phát trực tuyến có lãi. Các công ty bắt đầu sa thải hàng nghìn công nhân và giảm hàng tỷ USD chi tiêu cho hoạt động sản xuất.

Giám đốc điều hành của công ty phân tích Ampere Analysis, Ampere Guy Bisson cho biết: “Đó là một xu hướng rất khác so với những gì đã xảy ra trong 10 năm trước, khi chi tiêu cho nội dung phim ảnh trên toàn thế giới đã tăng 31% từ năm 2015 đến năm 2019".

Moody's Investor Service ước tính các thỏa thuận lao động mới sẽ khiến các hãng phim phải trả thêm từ 450 triệu USD đến 600 triệu USD mỗi năm. Nhà phân tích Neil Begley dự đoán các công ty sẽ cố gắng giảm chi phí bằng cách thuê ít diễn viên hạng A hơn, ít quay phim tại địa điểm hơn hoặc giảm chi tiêu cho các hiệu ứng đặc biệt và hậu kỳ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục